Trước Cách mạng Tháng 8 và trong kháng chiến chống Pháp, Đoàn từng có các tờ báo, tạp chí của mình, nhưng chỉ đến Tiền Phong, Đoàn mới thực sự có cơ quan ngôn luận đủ mạnh. Ra đời trong điều kiện rất khó khăn, Tiền Phong đã nhanh chóng đi vào phản ánh cuộc sống chiến đấu, lao động của tuổi trẻ và quần chúng nhân dân. Đặc biệt báo sớm đi vào các vấn đề thời sự gai góc.
Manh nha cho dòng viết, mạch viết về đề tài đấu tranh chống tiêu cực tham những của các cây viết Tiền Phong suốt mấy chục năm qua có lẽ khởi đầu bằng góp sức của thư ký tòa soạn Nguyễn Thanh Dương? Báo Tiền Phong ra đời ở Bản Dõn chiến khu Việt Bắc tháng 11/1953 mới mấy tháng thì anh cán bộ Đoàn, phóng viên trẻ Nguyễn Thanh Dương đã guồng xe đạp về mạn trung du Phú Thọ để viết về phong trào cải cách ruộng đất.
Loạt bài về anh cố nông Trần Bình Lục vùng lên thoát ách địa chủ đăng trên Báo Đoàn khi ấy góp thêm không khí sục sôi công luận. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tóm ngay lấy và đeo bám Nguyễn Thanh Dương suốt hơn tháng trời để hoàn thành tác phẩm Truyện Anh Lục sau này đoạt giải của Hội Văn nghệ.
Thời mới, việc mới, phong trào mới. Những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt thì thư ký Tòa soạn Nguyễn Thanh Dương đã ở cương vị mới Tổng biên tập báo Tiền Phong. Ông quản đội hình phóng viên xung kích động viên khuyến khích các thành viên trong đội hình xung kích chủ lực tỏa đi khắp miền Bắc, khắp các mặt trận điểm nóng ác liệt. Nếu như nhà văn Lê Văn Trương, cây viết tài năng trước năm 1945 có gần 200 cuốn tiểu thuyết về đề tài người hùng cùng diễm tình nổi danh là thế nhưng anh con trai cả Mạc Lân, Trưởng ban Bạn đọc kiêm phụ trách trang Văn nghệ của báo Tiền Phong lại nổi danh theo cái cách khác. Trước khi về Tiền Phong, Mạc Lân từng tham gia Nam tiến suýt chết ở mặt trận Khánh Hòa và những ngày đêm khói lửa ở nội thành Hà Nội thời Toàn quốc kháng chiến. Rồi đương đêm một ngày hè 1966, Mạc Lân guồng xe đạp vào Khu Tư. Anh tìm đến khu trại bệnh nhân phong ở Quỳnh Lập, Nghệ An vừa bị bom phá, bom bi của giặc Mỹ hèn hạ tàn sát suốt một buổi chiều. Viết xong bài, không có cách nào gửi nhanh về tòa soạn được, ông lại guồng xe về Hà Nội. Loạt phóng sự về tội ác giặc Mỹ đánh phá trại bệnh phong Quỳnh Lập đăng trên báo Tiền Phong đã nhanh chóng được các cơ quan hữu trách và Bộ Ngoại giao biên tập, sắp xếp thành tài liệu tung lên mặt trận ngoại giao khiến công luận quốc tế bàng hoàng.
Bạn thân của Mạc Lân, phóng viên ảnh Mai Nam khi ấy đương bám trụ dài ngày ở trận địa bờ Bắc cầu Hàm Rồng và địa đạo Vĩnh Linh. Nói thêm chút về người anh ruột là họa sĩ Tôn Đức Lượng một trong những yếu nhân gây dựng nên tờ báo Đoàn. Trước thời điểm thành lập báo ở Bản Dõn, họa sĩ Tôn Đức Lượng công tác ở Trung ương Đoàn. Ông được biệt phái đi trang trí cho địa điểm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 2 ở chiến khu Việt Bắc cùng vài họa sĩ khác. Bác Hồ đến kiểm tra đặc biệt khen ngợi họa sĩ Tôn Đức Lượng. Người anh có hoa tay thì chú em cũng có tài. Tài chịu đựng gian khổ ác liệt cùng tài hoa nghề. Trong số hàng trăm bức ảnh thời điểm ác liệt ở bờ Bắc cầu Hàm Rồng ấy tấm ảnh Đi trực chiến của phóng viên ảnh Mai Nam giành được Giải nhất cuộc thi ảnh quốc tế. Bức hình ấy và nhiều tác phẩm khác thời gian, Mai Nam với chức phận phóng viên ảnh Tiền Phong đã bầu lên cái danh Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam sau này.
Đầu xuân 1968, Bùi Sơn Tùng (sau này trở thành nhà văn nổi tiếng có nhiều tác phẩm về Bác Hồ, trong đó có "Búp sen xanh"), Lưu Quang Huyền, Phạm Hậu, Tâm Tâm là cái tên 4 phóng viên báo Tiền Phong đã được chọn bí mật vượt Trường Sơn vào tận Trung ương Cục ở Lò Gò, Lộc Ninh tăng cường cho cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng (TNNDCM) miền Nam. Nhiệm vụ là phải ra được tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Đoàn TNNDCM miền Nam Việt Nam cùng Tủ sách Thanh niên (như một sự nối dài của NXB Thanh Niên ngoài Bắc) Suốt từ cuối 68 đến thời điểm 30/4/1975 kể sao xiết những gian nan ác liệt hy sinh cùng đóng góp của họ.
Những ngày đêm bom B52 rải thảm xuống con phố Khâm Thiên, cách đó chỉ hơn 1 km là căn hầm trực chiến của báo Tiền Phong ở 15 Hồ Xuân Hương. Trong số phóng viên trực chiến có phóng viên Phương Nam. Cái đêm tham gia trực chiến viết bài về những vệt bom thảm khốc ở Khâm Thiên ấy, nhà báo Phương Nam chả thể nghĩ rằng chỉ ít ngày sau anh được bí mật lựa chọn vào việc mới. Đó là chức phận sĩ quan báo chí cho Phái đoàn Quân sự Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Trại Đa Vít ngay tại Sài Gòn!
Khu tập thể Tiền Phong ở Ao Phe, Ô Chợ Dừa bây giờ có một ông già hom hem thi thoảng lại lò dò chập chững sải những bước chân tuổi tác ở công viên 1-6 bé tẹo ngay cạnh. Người ấy là nhà thơ Phan Cung Việt. Những năm chiến tranh, người đi B đi vào chiến trường Quảng Trị thì ràn rạt. Nhưng có lẽ duy nhất có một phóng viên Tiền Phong đi mặt trận Quảng Trị bằng cách vượt tuyến Bến Hải nghĩa là bám theo những cánh quân vào chiến trường. Thời gian ở chiến trường Quảng Trị, Phan Cung Việt gửi bài vở ra Tòa soạn báo ở 15 Hồ Xuân Hương bằng phương tiện duy nhất: Ra đường đón xe nhờ những người lính ra Bắc với câu nói khó là cứ bỏ cái phong bì hoặc tập giấy này vào bưu điện hoặc đưa đến địa chỉ này! Lạ kỳ kiểu gửi hú họa ấy thế mà chả bận nào bị thất lạc cả!
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Mặt trận biên giới Tây Nam nổ ra. Tổng Biên tập Đinh Văn Nam cùng các PV Phạm Yên, Nguyễn Ngọc Báu… xuyên về Tây Ninh. Minh Tiến, Dương Xuân Nam, Phạm Yên, Ngọc Báu sau đó đi mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng… Nguyễn Văn Minh, Ngọc Tình ra Quảng Ninh. Xuân Ba đi Lào Cai.
Cũng nối thêm cái mạch và dòng viết chống tiêu cực tham nhũng. Trước thời điểm xuất hiện Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tiền Phong phát lộ thứ bom tấn công luận bằng bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của cô sinh viên Phạm Thị Xuân Khải đăng lần đầu trên báo Tiền Phong ngày 25/3/1986. Bài thơ ra đời với bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI và kinh tế Việt Nam đang kiệt quệ trong thời bao cấp.
Bây giờ chưa rành rẽ cái chuyện ông Tổng Biên tập Đinh Văn Nam đưa bài thơ lên hỏi ý kiến ông Lê Đức Thọ hay ông Trưởng Ban tổ chức T.Ư Lê Đức Thọ bàn với Ban Biên tập báo Tiền Phong cho đăng bài thơ này? Nhưng dù gì thì trên mặt báo Tiền Phong đã rỡ rỡ những câu vốn khó thốt lên trong ngày thường
…Đồng chí không bằng đồng tiền/Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp/Những thói đời làm dân oán trách/Có mắt giả mù, có tai giả điếc/Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung/Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ/Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?…Mỗi thời, mỗi người Tiền Phong làm lấp lánh Tiền Phong theo cái cách riêng. Nói theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn hôm rồi đến chúc Tết báo Tiền Phong đã bộc bạch đại ý, chúc và mong các bạn luôn không ngừng sáng tạo làm mới sinh động danh hiệu vẻ vang của Đoàn theo cái cách của Tiền Phong!
Một phong trào hưởng ứng, tranh luận rồi những ý kiến qua hơn 10 ngàn thư tới tấp gửi về Tòa soạn rồi diễn đàn ở nhiều cơ sở Đoàn quanh bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải lan nhanh... Đấy là những mầm rễ, là mảnh đất mỡ màu cho Những việc cần làm ngay sum suê tuơi tốt ngay sau đó... Nên dễ hiểu vì sao Tiền Phong là một trong những tờ báo bắt mắt bạn đọc rất sớm với phong trào đấu tranh chống tiêu cực. Không chuội, nhòa và yểu mệnh cùng với thời gian. Phóng viên Mạnh Việt biệt tăm ở miền Tây Nghệ An nhưng mang về phóng sự Người vô danh một tuyệt phẩm cùng chính người trong cuộc Cao Tiến Mùi là đồng tác giả! Cao Tiến Mùi từng đơn thương độc mã âm thầm minh oan cho Nguyễn Sĩ Lý. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cần mẫn thăng hoa sự kiện ấy thành vở kịch Trái tim trong trắng hay Hơn 2000 ngày oan trái luôn đỏ đèn sân khấu hàng trăm đêm!
Quên sao được những ngày mà photocopy còn đang là của hiếm, những ngày kỷ lục bạn đọc dồn tụ trước cổng 15 Hồ Xuân Hương mỗi kỳ ra báo để chờ mua và đọc ké Người vô danh. Rồi Ông già ôm bảy kilôgam đơn từ. Rồi những vụ tiêu cực ở Thanh Hóa về ông Hà Trọng Hòa...
Hồi ấy có chỉ thị dừng đăng những việc liên quan đến vị Bí thư Tỉnh ủy này!? Những nét thô vạc trên khuôn mặt bất động như sắt lại, chất giọng chậm đanh của Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam trong một cuộc họp có đầy đủ nhiều ban ngành Thưa các đồng chí, nếu như dừng đăng vấn đề này tôi xin phép xin được từ chức...
Lần đầu, hai PV báo Tiền Phong, Xuân Ba và Trung Hiền đoạt Giải A (thời điểm đó chưa có Giải báo chí Quốc gia) của Hội Nhà báo về đề tài chống tiêu cực.
Giải ấy như khởi đầu như khuyến khích cho lứa PV Tiền Phong sau này luôn xung kích đi đầu chống tham nhũng tiêu cực sau này đã đoạt nhiều giải cao của Giải báo chí của ngành, của Trung ương Đoàn và Giải quốc gia cùng Giải Búa Liềm Vàng. Có một nhóm PV đã khôn khéo kiên trì mật phục ghi lại cảnh nhà chức việc nhận mãi lộ gây được tiếng vang rất lớn.
Biết đương đầu và vượt thoát được những tai nạn nghề nghiệp dường như là tiêu chí của chất lượng các cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Năm 1994, và 1996, báo Tiền Phong đã bị Cơ quan Viện Kiểm sát TPHCM và Bộ Nội Vụ (sau này là Bộ Công an) khởi tố với tội danh làm lộ bí mật quốc gia!
Kiên quyết đấu tranh để bảo vệ cái đúng, bảo vệ phóng viên, bảo vệ người viết trung thực, Ban Biên tập và phóng viên liên quan đã kiên trì khéo léo phối hợp với nhiều cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đấu tranh đến cùng để gỡ bỏ các lệnh khởi tố ấy!
Thời nào, giai đoạn nào Tiền Phong cũng chưa bao giờ khuyết vắng, đứt đoạn đi các cây viết được bạn đọc mến mộ. Những cái tên Tất Vinh (Hồng Dương) Mai Cát, Bùi Ngọc Tấn, Lê Minh Khuê, Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam), Lê Văn Ba, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Ba… và sau này như Dương Phương Vinh, Trần Tuấn… Có thời gian, Tiền Phong góp mặt tới 7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hàng chục PV Tiền Phong như ong san bọng đã trưởng thành và trở thành những cán bộ quản lý trọng yếu ở nhiều cơ quan báo chí và quản lý báo chí đảm nhận các cương vị Phó, Tổng biên tập, vụ phó, vụ trưởng.
…Tôi đang ngồi với một người. Mười mấy năm trước, anh là PV một cơ quan báo ở địa phương. Rồi anh có duyên về Tiền Phong làm thường trú. Hà Nội thử sức, đưa anh về 15 Hồ Xuân Hương. Rồi anh dần chững chạc ở cương vị Tổng thư ký Tòa soạn. Và bây giờ là Phó Tổng Biên tập báo. Anh đương là “tổng quản” để hoàn thành tờ Tiền Phong số gộp dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn. Số gộp này là số gộp - số đặc biệt thứ 45 Phó Tổng Lê Minh Toản chủ biên. Bán khá chạy. Minh Toản có cái khéo là kết nối sự chung tay của PV thường trú ở hàng chục vùng miền hợp sức làm nên chất lượng của những số gộp cũng như nhật báo Tiền Phong hằng ngày.
Trong số 4 thương bệnh binh võ vàng hom hem vì thương tật chất độc da cam ra Bắc ấy có người thương binh nặng hạng 1/4, phóng viên báo Tiền Phong Bùi Sơn Tùng với nghị lực huyền thoại đã trở thành nhà văn Sơn Tùng, tác giả nhiều đầu sách trong ấy có cuốn Búp Sen Xanh.
Và cũng đương bên tôi, người con trai của NSNA Mai Nam, nối được chí cha, PV ảnh Hồng Vĩnh. Nếu như thuở cha mỗi bận hướng ống kính về phía các người đẹp, tay máy NSNA Mai Nam thường cứ đôi hồi, ngập ngừng! Bởi cái thời ấy, nó thế, phải thế… Nhưng thời mới, ông con Hồng Vĩnh thỏa sức tung hoành trong hàng chục cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền Phong cũng là những cuộc thi mang thương hiệu và tầm vóc quốc gia.
Tấm ảnh cô bé Thái Hà mà Hồng Vĩnh vừa đưa lên trang nhất số báo Kỷ niệm 67 năm ngày Tiền Phong ra số đầu tiên, 16/11/1953 -16/11/2020, tùm hum nhưng đoan trang sắc nét trong bộ đồ bảo hộ y tế thời COVID-19 vốn là tay viết cứng về mảng y tế của Tiền Phong. Nếu như chị Thúy Hoa hằng bao năm phụ trách ban và trang Bạn đọc từng cùng chị Bích Hậu lo cho hơi ấm lan tỏa cùng nhịp cầu nối bền chặt với bạn đọc thì cô con gái Thái Hà của chị cũng làm cái việc lan tỏa và gắn kết bạn đọc Tiền Phong theo cái cách của mình?