Làm sách báo Đoàn ở căn cứ Trung ương Cục

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh chụp trong hang núi Hòa Bình trước khi đi B từ trái hàng sau Khải Hoàn, Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm, Quang Huyền. Ảnh: Quang Huyền cung cấp
Ảnh chụp trong hang núi Hòa Bình trước khi đi B từ trái hàng sau Khải Hoàn, Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm, Quang Huyền. Ảnh: Quang Huyền cung cấp
TP - Khu tập thể báo Tiền Phong ở 128 Hàng Trống trên gác 2 có một căn phòng khoảng gần 50 mét vuông. Sau này được ngăn bằng cót ép cho các hộ gia đình mỗi ngăn như thế chỉ hơn 6 mét vuông. Thời ấy, chúng tôi gọi vui là những ô người Hàng Trống. Kề bên làn cót ép ấy là căn hộ của phóng viên báo Tiền Phong Lưu Quang Huyền.

Bạn đọc tưởng tượng hơn 20 năm, cái thời bao cấp khốn khó, chúng tôi kề nhau, làm hàng xóm của nhau qua lần cót ép mỏng ấy. Đến cái thở dài bên kia làn cót, bên này cũng mồn một. Bao nhiêu những nhiêu khê cùng bất tiện, nhưng gần như một thứ an ủi? Bởi nghĩ, mình còn là may chán. Ông Quang Huyền về Báo từ những năm đầu 60 từng đi B nhiều năm ảnh hưởng chất độc da cam, người lở loét, công tích là thế mà chế độ nhà ở nào có hơn gì anh em phóng viên?

Lưu Quang Huyền đi chiến trường B, nhưng anh không phải là bộ đội!

Cuối năm 1967, Trung ương Đoàn chọn 4 phóng viên báo Tiền Phong là Bùi Sơn Tùng, Lưu Quang Huyền, Tâm Tâm và Phạm Hậu cùng PV Khải Hoàn, họa sĩ Ái Nhi của báo Thiều Niên Tiền Phong vào Nam tăng cường bổ sung lực lượng cho Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Miền Nam (Đoàn TNNDCMMN)

Làm sách báo Đoàn ở căn cứ Trung ương Cục ảnh 1 Ngày 14/7/1969 đồng chí Vũ Quang,  Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn được gặp Bác lần cuối cùng. Ảnh: tư liệu của PV Lưu Quang Huyền cung cấp

Những PV được chọn đều là những người có thành tích xuất sắc trong công tác. Như PV Bùi Sơn Tùng từng nhiều lần được tháp tùng Bác Hồ đi công tác. PV Lưu Quang Huyền được chụp ảnh với Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 năm 1962.

Trước lúc lên đường tất cả đều phải lấy bút danh mới không dùng tên cũ. Sơn Tùng lấy bút danh là Sơn Phong. Lưu Quang Huyền là Nam Huyền Lưu Công Đê…

Hồi ấy có một quyết định hơi bị lạ từ trên là riêng Bùi Sơn Tùng được theo một đoàn cán bộ bay sang Phnompenh rồi theo đường bộ đi ô tô sang vùng B2 miền Đông Nam bộ nơi có Ban Tuyên huấn Trung ương Cục là đích đến! Nhưng PV Bùi Sơn Tùng đã từ chối đặc ân ấy và cùng anh em suốt 7 tháng trời leo Trường Sơn!

Ông hàng xóm Lưu Quang Huyền cụ thể rành rẽ thêm về địa điểm Xuân Mai, nơi anh em đoàn cán bộ đi B được bí mật tập trung suốt mấy tháng. Phải đeo ba lô đất tập hành quân đường bộ leo dốc trèo đồi.

Hơn 7 tháng gian khổ vượt Trường Sơn hầu hết anh em đều bị sốt rét, sức khỏe giảm sút người tong teo nhưng may mắn vào đến Trung ương Cục đội hình còn nguyên vẹn.

Chuyện với phóng viên kỳ cựu Lưu Quang Huyền,  được biết thêm: sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam  ra đời ngày 20/12/1960, trên danh nghĩa có một tổ chức thanh niên đó là Hội LHTN Giải phóng miền Nam nhưng trên thực tế tổ chức bộ máy hoạt động của Đoàn Hội ở cấp T.Ư tại căn cứ miền Đông Nam bộ thì chưa có. Mãi tới tháng 3/1965 Đại hội Đoàn TNNDCMMN lần thứ nhất bầu ra Ban Chấp hành T.Ư tổ chức mới hình thành dần. Cơ quan T.Ư Đoàn đóng gần cơ quan T.Ư Cục và hình thành những ban bộ phận chức năng.

Vậy nên số cán bộ chi viện đều trực thuộc Ban Tuyên huấn của T.Ư Đoàn.

Ban thường vụ TƯ Đoàn miền Nam lúc đó do đồng chí Lê Quang Thành và Phan Minh Tánh là ủy viên thường vụ (cả hai anh sau này đều là Ủy viên Trung ương Đảng, đều giữ nhiều trọng trách) khi đó đã giao nhiệm vụ cho anh em mới vào chi viện là phải khẩn trương ra được tờ báo Thanh Niên (khổ 30x40) in typo hai mầu ra hàng tuần là cơ quan ngôn luận của Hội Liên Hiệp Thanh niên Giải phóng Miền Nam VN và Đoàn TNNDCMMNVN.

Đầu Xuân 1968 tôi và anh Lưu Minh Châu, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn và các ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn đến tiễn đưa hơn ba chục anh em là những cán bộ đang công tác tại cơ quan T.Ư Đoàn vào chi viện cho Đoàn miền Nam. Đây là đoàn cán bộ chi viện đông nhất kể từ trước đó. Chúng tôi đặt nhiều tin tưởng vào đội ngũ cán bộ Đoàn này.


(Trích hồi ức của đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn)

Việc ra báo Thanh Niên và phát hành được tiến hành hiệu quả,  tháng 4/1969 Ban thường vụ T.Ư Đoàn quyết định triển khai thêm công việc tổ chức xuất bản của Đoàn. PV Lưu Quang Huyền khi đó là PV biên tập viên mảng Quân sự của báo Thanh Niên được nhận nhiệm vụ mới phụ trách bộ phận xuất bản của Tủ sách Thanh niên phục vụ cho công tác chính trị của Đoàn. Nội dung chủ yếu là người thật việc thật, gương chiến đấu, công tác học tập. Qua những bài ký, câu chuyện tấm hình, tờ tranh kể cả bài thơ ngắn… mang tính thời sự nóng hổi.

Hình thức là những cuốn sách khổ nhỏ gọn, mỏng. Phổ biến cỡ 18x12 hoặc 7x10 dày không quá 1,5cm để anh chị em thanh niên bỏ gọn trong túi áo quần, dễ cất giấu, dễ che mắt địch.

Làm sách báo Đoàn ở căn cứ Trung ương Cục ảnh 2 Hình thức nghi trang của những ấn phẩm trong Tủ sách Thanh niên

Số lượng phát hành tùy thuộc vào khả năng quỹ vật tư in của cơ quan.

Việc phát hành phải tiến hành sao đó để ấn phẩm không bị tồn đọng quá nhiều ngày, phân phối nhanh, gọn, rộng khắp.

Xuất bản và phát hành đầu tiên là cuốn  Thanh Niên Thành Đồng Tập I khổ 13x18, dày 30 trang số lượng in 500 bản do Lưu Quang Huyền biên tập. Có bài viết của Sơn Phong ( Sơn Tùng), Nam Huyền, Ngọc Liên do họa sĩ Hà Thanh minh họa và trình bày. Sách ra ngày 14/7/ 1969 tại rừng Tây Ninh đã được đưa tỏa rộng và được hoan nghênh. Đài phát thanh Giải phóng, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các báo chí, nhà xuất bản trong ngoài nước sử dụng lại nhiều bài trong đó vì ghi là Theo sách báo từ miền Nam gửi ra hoặc Theo TTX Giải phóng…

Từ năm 1969 đến tháng 4/1975 hơn 50 đầu sách các loại đã được xuất bản và phát hành. Độc đáo là loại sách xanh vỏ đỏ lòng được phát hành theo giao liên vào vùng địch. Bìa phải in cái tên khác để nghi trang. Nhà báo Lưu Quang Huyền phải trực tiếp mang hàng chục cuốn Thuyết đường diễn nghĩa nhưng nội dung là Những mẩu chuyện về đạo đức tác phong của Bác Hồ vào vùng địch Đức Hòa, Long An đầu năm 1973.

 Nhiều lần địch đánh phá trúng căn cứ T.Ư Đoàn TNNDCMMN và bộ phận Tủ sách Thanh Niên.  Kể sao xiết những lần anh em phải luồn tránh biệt kích, chạy càn.

Ngày 24/4/1971 là ngày kỷ niệm Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng. Cơ quan quyết định ra số báo đặc biệt. Buổi sáng ngày 15/4 anh em đang khẩn trương thực hiện số báo thì địch mở trận càn ác liệt vào căn cứ. Ẩn nấp dưới hầm, Sơn Tùng rất nóng ruột. Ông nhô người lên quan sát. Bất đồ một loạt M.79 phóng từ trực thăng xuống úp chụp lên căn hầm của Sơn Tùng!

Khi tỉnh lại Sơn Tùng mới hay người băng bó cấp cứu kịp thời đầu tiên cho mình là đồng chí Sáu Phong (tức đồng chí Nguyễn Minh Triết sau này trở thành Chủ tịch Nước). Sơn Tùng được anh em võng đi Bệnh viện đa khoa Dân Y Miền. Rồi Sơn Tùng được đưa ra Bắc sang cả Trung Quốc điều trị. Hàng chục vết thương phạm vào toàn chỗ hiểm. Sau rất nhiều cố gắng, ba năm sau người ta chỉ cứu được 3 ngón tay trái. Bàn tay phải đành để co quắp. Ba mảnh đạn đành lưu trong hộp sọ và thị lực còn 1/10 cùng những di chứng những cơn động kinh.

Cuộc chiến tranh đã thôi gào thét nhưng dư âm của nó khó đo đếm được. Các anh Tâm Tâm, Phạm Hậu ít nhiều dính chất độc hóa học lâm bệnh tật ốm yếu nay đã lần lượt về cõi. Chống chọi lại số phận nghiệt ngã cùng  vết thương sọ não, phóng viên Bùi Sơn Tùng đã trở thành nhà văn nổi tiếng, thành nhà Hồ Chí Minh học với các tác phẩm để đời cũng đã phải nằm liệt rất lâu rồi. Ông hàng xóm Lưu Quang Huyền vẫn tiếp tục khốn khổ với những di chứng chất độc da cam mà anh dính nặng nhất trong số mấy anh em những ngày ở Tây Ninh B2 ấy… Mấy năm trước lại thêm một nỗi buồn, anh con trai cả, một sĩ quan công an roi rói là thế đột ngột qua đời!

Vâng, có một câu mà trong những năm xa,  nhà báo Lưu Quang Huyền đã thốt lên với tôi kiêm cái thở dài rằng, hóa ra quãng thời gian ác liệt của ông những năm chi viện chiến trường ấy là đẹp nhất!

Có lẽ là thực, là chuẩn? Bởi khác đi làm sao ông có thể chắt gạn được chút sức tàn để hoàn thành cuốn  hồi ký kiêm tư liệu tày tặn xuất bản hơn 10 năm trước. Cuốn sách có tên là Những năm tháng hào hùng! 

Sau một thời gian anh em vượt Trường Sơn vào đến nơi thì Ban miền Nam của T.Ư Đoàn ở 60 Bà Triệu Hà Nội liên tiếp nhận được những báo cáo thư từ của các cán bộ Đoàn gửi ra phản ánh tình hình. Đặc biệt là khi chúng tôi nhận được những tờ báo Thanh Niên, những cuốn sách Thanh niên thành đồng và các sách khác của “Tủ sách Thanh Niên” miền Nam được biên tập in phát hành tại chiến trường do những nhà báo trẻ trong Đoàn đi B như Sơn Tùng, Phạm Hậu, Quang Huyền, Tâm Tâm, Khải Hoàn, họa sĩ Ái Nhi… Chúng tôi đã  chuyền tay nhau đọc vừa vui mừng vừa xúc động bởi nội dung báo và sách  rất phong phú đa dạng viết về những tấm gương sáng của đồng bào chiến sĩ, thanh niên ta ở chiến trường miền Nam.

( Trích hồi ức của đồng chí Vũ Quang)

MỚI - NÓNG