Chuyện chị em đi “cave”

Đoàn thám hiểm trong một hang nước ở Thái Nguyên. Ảnh: nam long
Đoàn thám hiểm trong một hang nước ở Thái Nguyên. Ảnh: nam long
TP - “Cave expedition” (thám hiểm hang động) là một hành trình gây kích thích, hứng thú đối với những người mê du lịch mạo hiểm Việt Nam vài năm trở lại đây. Và nó không còn là “đặc quyền” của riêng cánh mày râu.

Đi ngắm kỳ quan không có trong máy ảnh

Theo anh Tạ Nam Long (chủ tịch Hội Thám hiểm hang động Việt Nam), hiện nay, hội có khoảng gần 4.000 thành viên, trong đó hơn 1.000 người là nữ. Tuy nhiên, những chị em có thể tham gia thường xuyên những chuyến đi hang cùng hội chỉ khoảng 15- 20 người.

Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh năm 1987) đến với chuyến đi hang đầu tiên như một thử thách giới hạn bản thân. Mai sợ nước từ bé. Dù thích mạo hiểm, hay đi phượt nhưng hầu như cô không dám xuống nước. “Chuyến đi khám phá hang Nàng Tiên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) lần ấy có khoảng 4 – 5 bạn nữ cùng đăng ký với tôi. Đến phút cuối, các bạn ấy báo bận không đi nữa.

Mọi người nhìn sang tôi e ngại, tôi cũng hơi chùn chân bởi đây là lần đầu, lại bơ vơ một mình là nữ. Nhưng rồi vẫn quyết tâm đi, tự nhủ đi một lần cho biết “mùi” hang. Lúc bước chân xuống nước cũng hoảng lắm, cảm giác sợ vì không biết dưới chân mình có gì. Cả đoàn động viên nhiệt tình nên tôi cứ liều nhắm mắt đưa chân. Và kết thúc chuyến đi, tôi quyết định sắm thêm đồ cho những chuyến sau”, Mai hào hứng kể.

Sau 2 năm gắn bó với môn thể thao thám hiểm hang động, suy nghĩ của Đặng Diệu Linh cũng đã thay đổi hẳn. “Trước đây, tôi nghĩ trong hang sẽ bẩn thỉu, nhớp nhúa và hôi hám. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược”. Chìa ra những tấm hình chụp được sau những lần đi hang, cô khoe: “Đây mới chỉ là những góc nhỏ, chưa đủ để tả hết vẻ đẹp của hang.

Chuyện chị em đi “cave” ảnh 1 Diệu Linh bơi qua hồ nước sâu trong hang Thẳm Phày, Bắc Kạn

Trong hang độ ẩm cao, dễ hỏng máy móc nên mọi người cũng không dám mang theo máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp. Hơn nữa, cũng không có máy ảnh nào có thể thu hết vẻ đẹp của hang vì nó quá kỳ vĩ, hoành tráng. Và bởi vì có tiền mà không có sức khoẻ, sự quyết tâm thì sẽ không thể trải nghiệm được nên càng thấy thích thú. Cứ muốn đi và đi tiếp”, cô gái sinh năm 1985 thổ lộ.

Bắt đầu đi hang từ năm 2015, Thanh Nga là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của Hội Thám hiểm hang động Việt Nam. Tính đến nay, cô gái này đã chinh phục được hơn chục hang động khắp mọi miền đất nước. “Đẹp nhất là hang ở Đồng Tĩnh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Những kỳ quan khó có thể bắt gặp ở hang khác như vòi hoa sen tự nhiên, mỏm đá “Pha Luông” hay những lớp thạch nhũ chồng lên nhau như ruộng bậc thang.

Sự kiến tạo địa chất hàng triệu năm mà có lẽ ít người được nhìn thấy. Tôi đã bơi ngửa trong hang để ngắm nhìn thạch nhũ ngay trên đầu mình, nhiều đoạn chỉ cần chạm tay là tới. Hay lần khác, ở hang Chùa Hao (Ninh Bình), tôi phải bò trên đất bùn một đoạn dài để đến được điểm ấn tượng nhất là “bầu trời đầy sao” do các hạt nước bám ở trần hang cách mặt người chỉ 60cm. Rồi chuyến khác nữa, khi vào sâu trong hang, cả đoàn tắt hết đèn, đứng im một chỗ và lắng nghe những giọt nước rơi tí tách…. Những trải nghiệm đó, không phải ai và không phải ở đâu cũng có được”, Thanh Nga chiêm nghiệm.

Chuyện chị em đi “cave” ảnh 2 Thanh Nga tận hưởng vòi sen tự nhiên trong hang nước ở Thanh Hóa

Không dành cho những cô nàng “bánh bèo”

“Khám phá hang động là một môn thể thao mạo hiểm, kén người chơi, có người chỉ thử được một đoạn đường, có người đi một lần và không bao giờ dám quay lại lần sau. Và đặc biệt không dành cho những cô nàng “bánh bèo”. Bởi người chơi không chỉ phải trang bị kỹ năng sinh tồn, đồ chuyên dụng đầy đủ mà còn phải có “máu” dấn thân và sức khoẻ bền bỉ”- Chủ tịch Hội Thám hiểm hang động Việt Nam cho biết.

“Có khi đang đi trên cạn lại mò xuống nước lạnh, đến khi bơi ấm ấm người lại leo lên cạn, chân và người luôn ướt nên nếu không có sức khoẻ tốt thì rất dễ bị sốc nhiệt. Ngoài ra, phải có cơ tay thật chắc để đu vách hoặc bám tường đá”, Diệu Linh kể thêm. Trong nhóm, Linh thuộc hàng “bé hạt tiêu” nhưng lại nhanh nhẹn và dai sức. Hạn chế lớn nhất của Linh có lẽ là… chân ngắn. Có những khoảng giữa hai vách đá hoặc từ dưới bước lên mỏm đá to, với chị em chân dài sẽ thực hiện dễ dàng thì Linh luôn được các anh trong đoàn ưu tiên đưa tay làm bệ đỡ để cô nàng đạp chân lên.

Thanh Mai thì cho rằng thiệt thòi nhất khi chị em tham gia thú chơi này là “phải tạm biệt các thể loại váy”. Đường đi trong hang leo qua vách đá. Có những quãng phải bơi qua hố nước đầy đá lởm chởm nên sau mỗi chuyến đi, chân cẳng các nàng đều thâm tím, đầy sẹo.

Thường, hội chỉ chọn những hang tự nhiên, nguyên sơ. Rất nhiều hang, để vào đến cửa phải đi bộ qua ruộng hay rừng, nên bị vắt hay đỉa cắn là chuyện thường xuyên. Vào hang gặp trăn, rắn, rết, bọ cạp… là chuyện thường ngày. Hay chuyện cả đàn dơi ào vào tối tăm mặt mũi là chuyện dễ hiểu. Không ít chị em, sau khi đối mặt với những sinh vật của hang đã quyết định “bỏ của chạy lấy người”.

Nhưng với cánh chị em đi hang chuyên nghiệp thì chúng đều là “muỗi”. “Cơn ác mộng” thực sự chính là đang ở trong hang mà ngoài trời đổ mưa. Do đó, trước mỗi chuyến đi, luôn có nhóm tiền trạm để nắm tình hình. Mọi người bám sát thông tin thời tiết và xem dòng nước, nếu thấy nước đục lên là cả nhóm lập tức rút lui.

Chuyện chị em đi “cave” ảnh 3 Thanh Nga đu dây xuống hố sâu 40m trong hang Na Phòng, Bắc Kạn

Những vật dụng quan trọng như đèn pin, giày, túi chống nước… được xem là “vật bất ly thân” của các thành viên đi hang. Chúng đều có giá vài triệu đồng và chủ yếu phải đặt mua từ nước ngoài. Diệu Linh ưu tiên đầu tư nhất đôi giày bởi theo cô, nếu không biết bơi thì đi hang cạn, quên mang đèn thì có thể mượn đèn nhưng nếu không có một đôi giày tử tế thì không ai giúp được mình. Còn với Thanh Nga thì “bùa hộ mệnh” chính là chiếc còi bằng bạc luôn đeo ở cổ như trang sức, đề phòng lúc bị lạc có thể thổi lên kêu cứu.

Khi tham gia vào hội thám hiểm hang động, chị em sẽ được những thành viên kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn các kỹ năng cơ bản, những vật dụng cần thiết phải mang theo và cách xử lý khi xảy ra tình huống. “Tính kỷ luật và đoàn kết trong hội là rất cao. Thành viên tham gia mỗi chuyến thám hiểm đều phải tuân thủ nghiêm những quy tắc an toàn. Chúng tôi cũng hướng dẫn các hội viên những cách sơ cứu vết thương và những kỹ năng cứu hộ cơ bản phòng trường hợp xảy ra sự cố”, anh Tạ Nam Long chia sẻ.

“Đã vào hang thì phụ nữ cũng như đàn ông. Mỗi người đều phải tự nỗ lực, chủ động giữ an toàn cho bản thân. Như lần đi hang Bè ở Thái Nguyên, địa hình đá lởm chởm lại trơn rất khó đi. Nước trong hang lạnh đến mức tôi buốt hết cả đầu, răng va vào nhau như đánh đàn. Lúc bước chân lên một mỏm đá, do vội vàng nên tôi bị mất trọng tâm và ngã ngửa ra. Cũng may tôi nhanh trí giang tay rộng hết sức để người không lọt xuống hố phía dưới. Sau lần ấy, tôi luôn dặn mình phải cẩn thận từng bước chân nếu không muốn ra khỏi hang bằng cáng”, Diệu Linh nhớ lại.

“Mọi người nói đi hang là mạo hiểm nhưng tôi nghĩ không hẳn thế. Nó cũng chỉ là một môn thể thao khám phá nên quan trọng nhất vẫn là tuân thủ nghiêm quy định của nhóm, đoàn kết và cẩn thận”, với vốn kinh nghiệm dày dặn của một chuyên gia “săn” cave, Thanh Nga nhận định. Thời gian này, Nga đang phải tạm dừng các chuyến đi để sang làm nghiên cứu sinh tại đại học James Cook, Australia.

Phụ huynh rồi cũng quen

Thường các chuyến đi hang được tổ chức vào cuối tuần hoặc ngày lễ để các thành viên dễ dàng thu xếp tham gia. Tuy nhiên, công việc của Thanh Mai lại bận rộn hơn, nên để đi cùng nhóm, cô phải dồn việc trước mấy ngày, đến nỗi mẹ Mai đã quá quen với “hành tung” của con gái, cứ đợt nào thấy làm việc quên ăn quên ngủ là kiểu gì cuối tuần cũng “tót đi”.

Lần đầu tiên nhìn thấy ảnh “con gái rượu” đu mình trong hang động như dơi, gia đình Diệu Linh không khỏi tá hoả. Cô cười kể lại: “Ban đầu bố mẹ hoảng hốt, lo lắng, sợ tôi nghịch dại nhưng cũng hiểu cá tính con gái và vì trước giờ tôi cũng hay tham gia các hoạt động dã ngoại, leo núi… nên khi nghe tôi giải thích rõ ràng, bố mẹ mới yên tâm”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.