Mọi món ăn đều được kiểm soát
“Về nguyên tắc, không có thức ăn nào được đưa ra cho Tổng thống trừ khi chúng ta biết nó đến từ đâu và ai đã xử lý nó”, theo cựu nhân viên mật vụ Mỹ Joseph Petro và là đồng tác giả cuốn sách “Standing Next to History”. Ông Petro tiết lộ, khi tổng thống đi công du nước ngoài, những người quản lý thực phẩm đặc biệt của Nhà Trắng được biết trước danh sách món ăn của tiệc chiêu đãi chính thức. Họ sẽ đem theo nguyên liệu từ Mỹ, chuẩn bị thức ăn và phục vụ riêng cho tổng thống. Nhìn bề ngoài, món ăn của tổng thống giống của những vị khách khác, nhưng thực tế nó đã được kiểm soát.
Khi Tổng thống Bill Clinton tới một nhà hàng ở Los Gatos, bang California năm 1993, phương tiện truyền thông địa phương đã nhắc tới một nhân viên thử đồ ăn của ông Clinton. Nam nhân viên không nêu tên này được biết tới là người đã phục vụ 3 đời tổng thống.
Cựu Tổng thống George H.W.Bush thường xuyên ra ăn ngoài và theo một bài viết trên tờ Washington Post (WP) hồi tháng 7/1990, ông luôn mang theo người thử đồ ăn của mình, nước đóng chai và các loại gia vị riêng khi tới một nhà hàng.
Tin đồn về người thử thức ăn của Tổng thống Mỹ Barack Obama dấy lên nhiều vào tháng 3/2013, khi ông không dùng bữa với các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong lúc các nghị sĩ thưởng thức món tôm hùm, khoai tây chiên và bánh việt quất, tổng thống không hề đụng dao dĩa. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Susan Collins tiết lộ, tổng thống không thể dùng bữa vì lý do an ninh. Cơ quan Mật vụ Mỹ giữ bí mật tất cả những phương thức bảo vệ tổng thống, nhưng luôn có đồn đoán là một nhân viên được giao nhiệm vụ làm người nếm thức ăn cho ông Obama.
Năm 2012 cũng xuất hiện thông tin về người thử món ăn cho ông Obama, khi Tolan Florence, vợ của đầu bếp nổi tiếng Tyler Florence, người chuẩn bị thức ăn cho một sự kiện ở Tampa, Florida, viết trên Twitter rằng, đầu bếp Andrew ở Nhà Trắng là người thử các món ăn. Nhưng chỉ vài giờ sau, cô đã xóa bài viết này.
Tại những nhà hàng là điểm dừng chân trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Mỹ, ít nhất 2 đầu bếp là Christopher Meyer ở bang Colorado và Rick Bayliss ở Chicago khẳng định, một nhân viên mật vụ đã đứng cạnh họ trong bếp để theo dõi quá trình chuẩn bị bữa ăn cho ông Obama.
Những đồn đoán về người thử thức ăn của tổng thống cuối cùng cũng được làm rõ trong những chuyến công du nước ngoài. Tháng 11/2010, trước khi Tổng thống Obama tới thăm Ấn Độ, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, đội ngũ bác sĩ ở thành phố Mumbai đã được yêu cầu làm nhiệm vụ kiểm tra thức ăn cho chuyến viếng thăm.
“Mặc dù Tổng thống Mỹ được những người nếm thực phẩm tháp tùng ra nước ngoài, nhưng nghi thức ngoại giao đòi hỏi chúng tôi cũng phải cung cấp một số nhân viên của mình” - ông TP Lahane, một cán bộ cao cấp thuộc bệnh viện JJ ở Mumbai cho biết.
Khi ông Obama tới kinh đô Ánh sáng hồi năm 2009, một bồi bàn người Pháp ở nhà hàng La Fontaine de Mars cho biết, có một thành viên trong đội mật vụ Mỹ đã thử các món ăn.
Các bếp trưởng của Nhà Trắng
Không chỉ khi công du, mà ngay tại Nhà Trắng, chuyện ăn uống của các tổng thống Mỹ và gia đình Đệ nhất cũng luôn được coi trọng và do những “siêu đầu bếp” đảm nhận. Bà Cristeta Comerford, sinh năm 1962, người Mỹ gốc Philippines đã vượt qua 450 ứng viên để trở thành bếp trưởng của Nhà Trắng từ năm 2005. Bà là phụ nữ châu Á đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Bếp trưởng Nhà Trắng chịu trách nhiệm quản lý các bếp ăn ở đây, lên kế hoạch cho tất cả thực đơn, trong đó có các bữa ăn lẫn hoạt động giải trí riêng của Tổng thống Mỹ và gia đình Đệ nhất, cũng như các bữa tiệc cấp quốc gia tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington.
Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy là người tạo ra danh hiệu Bếp trưởng đầu tiên cho Nhà Trắng từ năm 1961. Bà Kennedy thuê một đầu bếp tên Rene Verdon sinh ra và được đào tạo ở Pháp. Đầu bếp này đã làm việc ở Nhà Trắng tới năm 1965. Verdon xây dựng một tiêu chuẩn mới cho các bữa ăn ở Nhà Trắng, một trong số đó là chỉ những nguyên liệu chất lượng cao nhất và những kỹ thuật nấu ăn ngon nhất mới được chấp nhận. Bữa tiệc ngoại giao đầu tiên Verdon phục vụ ở Nhà Trắng là tiệc dành cho 16 quan khách, trong đó có Thủ tướng Anh Harold Macmillan. Thực đơn cho yến tiệc này sau đó đã xuất hiện trên trang nhất của tờ New York Times.
Năm 1966, đầu bếp người Thụy Sĩ Henry Haller được chọn dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson. Haller gắn bó với Nhà Trắng từ năm 1966-1987, tức là suốt 5 nhiệm kỳ tổng thống khác nhau - từ Johnson, Nixon, Ford, Carter đến Reagan. Sau đó, Jon Hill được phu nhân Tổng thống Reagan là bà Nancy tuyển dụng từ tháng 10/1987 đến tháng 1/1988. Thay thế đầu bếp Hill là trợ lý đầu bếp trưởng Hans Raffert - một người sinh ở Đức và được đào tạo nấu ăn khắp châu Âu.
Ông Raffert trở thành bếp trưởng của Nhà Trắng ở tuổi 60 và về hưu năm 1992. Một đầu bếp khác tên Pierre Chambrin, sinh ra và đào tạo tại Pháp đã vào vị trí bếp trưởng Nhà Trắng. Nhưng ông Chambrin bị yêu cầu từ chức năm 1994 sau khi từ chối nấu những món ăn Mỹ ít béo cho Tổng thống Bill Clinton.
Vị trí “chủ bếp” Nhà Trắng vào tay Walter Scheib năm 1994. Ông Scheib được cho là người nấu ăn hợp với khẩu vị của gia đình Tổng thống Clinton. Nhưng ông Scheib lại có một thời gian khó khăn khi phục vụ Tổng thống George W. Bush. Ông Bush được cho là không thích món súp, sa lát hay cá kho - những món sở trường của đầu bếp Scheib. Ông Scheib nghỉ việc tại Nhà Trắng năm 2005 và từ đó tới nay, bà Cristeta Comerford nắm giữ vị trí này.