Chuột ăn hoa sen

Minh họa: Quang Khanh
Minh họa: Quang Khanh
TP - -Ly chi mô? -Ly Chén Người người lắc đầu tránh xa. Kể cả mấy cán bộ có cách hỏi như vậy cũng cụp mắt tránh xa. Ly Chén, ghép Ly với tên chồng là Chén,  người ở thị trấn này thường gọi ghép tên chồng vợ, vợ chồng kiểu đó.

Cặp Ly Chén, Chén Ly này có gì đó làm người ta ngán, không phải chỉ sự trùng hợp buồn cười vì ly và chén là những thứ đựng nước uống, thức ăn, cũng không phải vì nghĩa bóng chỉ những kẻ xôi thịt, nguyên nhân làm người ta ngán còn xa hơn những chuyện ấy cả cây số.

Trong bữa ăn thừa mứa cao lương mỹ vị và có uống mấy lon bia, máu bốc, vui miệng, hào hứng, Ly kể cho chồng nghe chuyện ngày xưa. “Chán cái mớ đời!” - Ly thường bắt đầu mọi chuyện bằng câu ấy.

…Giường tầng. Chán cái mớ đời! Ăn cũng giường, ngủ cũng giường, không biết có ai len lén làm chuyện ấy trên chiếc giường tầng đó không nhưng chắc chắn một điều cái giường tám tấc chiều ngang đó, dù trên hay dưới, là nơi diễn ra rất nhiều chuyện động trời của bọn sinh viên nữ. Tối thứ bảy hay tối chủ nhật chỉ còn bọn nghèo mạt từ đường bám trụ và những trò nghèo mạt từ đường cũng thường diễn ra trên giường. Hôm ấy, món lòng xào dọn ra trên hai cái dĩa và cái tô cũ, mấy ổ bánh mì cứng ngắc đặt trên giấy báo. Ly học về, mở rương quăng cái túi dết vào, uể oải với một chân lên chiếc giường bên trên rồi trườn mình, cặp đôi y tá, (học y tá đi thực tập ở bệnh viện sản nhưng ở chung ký túc xá với Ly), mỗi người một tay, đỡ Ly lên chỗ trống tránh đụng vào những thức ăn mà bọn họ lụi hụi xào nấu nãy giờ. Gọi là xào lòng nhưng lòng nhiều, chỉ vài lát dứa thơm, vài lát dưa leo, trái cà chua bổ làm mười sáu, cặp đôi y tá nói “xào nhiều lòng cho mày bồi dưỡng, nhìn cái mặt xanh mét chịu hổng nổi”. Cả ba xì xụp một loáng đã xong bữa “đại tiệc cuối tuần”.

Đến bữa tiệc thứ ba, Ly mới thắc mắc, tụi mày làm gì có tiền mà lòng xào miết vậy, lúc đó không giữ nổi bí mật nữa nên hai cô bạn  đành “bật mí”, món lòng xào được phơi ra ánh sáng. Ly nhào một phát từ trên giường tầng xuống đất, móc họng nôn thốc nôn tháo. Mẹ ơi, tụi nó xào nhau thai lấy ở chỗ thực tập về. “Ói! Ói ra mật xanh mật vàng, chứ sao không ói! Nhưng sau đó, hết cơn rồi, không còn thứ gì làm mình ói được nữa, có móc họng cũng không ói. Cổ họng làm như đơ ra, không biết nhợn nữa”.

Vợ chồng Ly Chén lại cụng ly. Chén không bình luận gì chuyện cái cổ họng bị đơ của vợ. Chén chỉ thấy một cơn hứng khởi muốn kể chuyện ngày xưa của mình. Nghe vợ kể lại chuyện của thời gian khổ ấy, Chén cũng tham gia theo đúng mạch những chuyện đặc biệt đã xảy ra trong đời sinh viên: “Ngày đó, vì không có tiền nộp học phí, tôi đành khai với nhà trường là ba má tôi chết hết rồi để được hưởng diện miễn phí của con mồ côi. Tôi năn nỉ một ông anh quen thân làm việc ở xã xác nhận, đóng dấu cho. Về nhà, tôi không bao giờ dám nhìn thẳng mặt ba má, mắt tôi cụp xuống mãi thành tật đến giờ. Nhiều lúc tôi muốn chạy về, quỳ xuống lạy xin ba má tha tội cho đứa con bất hiếu nhưng không đủ can đảm. Sau, tôi lặn luôn, ít dám về nhà. Nhờ vậy mà qua các năm đại học! Cũng hay nhưng sau này đến khi ba má tôi chết thật thì bạn bè không đứa nào về dự đám tang vì chúng nghĩ tôi đùa. Chuyện động trời ấy cũng luyện cho mình làm được bao nhiêu việc sau này mà không phải áy náy nhiều”.

“Đừng tiết lộ với ai nhé!”.

Vợ Chén phẩy tay “Chán cái mớ đời!”.

“Chán cái mớ đời!” - Vợ Chén vừa dọn bàn ăn vừa tủm tỉm cười những câu chuyện xưa cũ của hai vợ chồng. Giờ, vợ chồng Ly Chén không còn thiếu thứ gì trên đời, thậm chí nhiều thứ họ có những kẻ khác không thể có được. Chỉ một điều họ không có con, cũng thuốc thang, rượu ngâm ba tủ đầy nhưng nhà vẫn vắng tiếng trẻ thơ. Sau, biết là không làm gì được nữa, Chén chuyển sang chơi thú cưng, cho đỡ phần quạnh vắng.

***

Cây tăm xỉa răng vẫn còn chạy qua chạy lại trên hai mép miệng, Chén xách cặp ra xe rồi mà mắt vẫn ngước ngược lên lầu, nơi có cái lồng gỗ tiện cao cấp và “chú bé” Hăm- tơ lông trắng muốt. Sen thường chỉ nở hoa mùa hạ nhưng Chén mướn người thiết kế một khu nhà kính với đầy đủ những thiết bị làm thay đổi nhiệt độ, ánh sáng và cả độ ẩm nữa để sao cho sen phải nở hoa bốn mùa để có thức ăn đều đặn, đủ đầy quanh năm cho Hăm-tơ.

Tới cơ quan rồi, ngồi vào chiếc bàn làm việc thân thuộc rồi nhưng lòng Chén cứ hướng về Hăm-tơ. Nghề chơi nào cũng lắm công phu! Chơi cho bù những ngày gian khổ! Chén ước sao mọi thứ hắn đều phó mặc được hết cho Ly để có thời gian sống trọn vẹn với Hăm-tơ. Vợ hắn, cái bà “chán cái mớ đời” ấy, kể ra cũng đã đảm đang chu toàn khá nhiều việc, từ khâu thu chi đến việc lễ nghĩa phải không với cấp trên. Tất tần tật. Nhưng việc phải có mặt tại cơ quan là điều bắt buộc, Ly không thay thế được.

Từ ngày xây xong ngôi biệt thự, Chén chỉ muốn ở nhà.

Chén mê cái thứ ánh sáng phản quang lấp lánh trong tia nắng chiếu qua giếng trời. Chén ngước lên ngắm như bị thôi miên. Bộ lông con Hăm-tơ nhìn kỹ cũng óng ánh, lấp lánh như ánh tuyết. Chén thích cái gì đó lấp lánh, không biết mình thích như vậy từ lúc nào, chỉ biết mỗi lần thấy cái gì lấp lánh là người Chén như có luồng điện chạy qua, sướng rân cả người.

Mãi lúc sau nghe tiếng Ly la mắng, “chán mớ đời”, “chán mớ đời” với ai đó Chén mới tỉnh người, rứt một cánh sen trắng nhét vào chiếc chuồng gỗ tiện cao cấp, cho con chuột cưng. Chén tập cho nó từ nhỏ đến giờ, từ khi nắm cánh sen trong tay nhẹ nhàng đưa từ phải qua trái rồi ngược lại, từ khi không dám tắm mấy ngày liền sợ bé Hăm-tơ lạ mùi, đến giờ này bé đã là con chuột biết ăn hoa. Chén gọi bé là “siêu chuột Hăm-tơ” bằng một giọng hết sức tự hào, (Con Hăm-tơ lông trắng muốt này người tặng cho Chén nói khi còn tí tẹo đã mua cả mấy triệu đồng). Siêu chuột của Chén sau khi ăn được hoa đã đẹp da mướt lông trông thấy và đôi mắt càng lúc càng tinh anh đến mức kinh ngạc. Chén nói với Ly: Chuột ăn tạp thì thường lắm, đẳng cấp là phải biết ăn hoa, tức là ăn thứ gì kẻ khác không ăn được. Ly nói: Chán cái mớ đời! Sao giống như chuột giả. Chén cười: Ừ, cũng giống, thật mà cứ giống giả, giả mà giống hơn thật mới gọi là đẳng cấp. Từ ngày Chén nghe đâu đó hai tiếng “đẳng cấp” vậy là Chén cứ hay dùng đến nó, nhất là thời gian Chén đã lên chức trưởng phòng, Chén nghĩ dùng hai tiếng này nghe có vẻ cao thủ.

Mới sáng mùng một Tết, nằm bơi ngửa trong hồ nước trên lầu, chợt đầu Chén lóe ra một ý nghĩ cực kỳ quan trọng là sao không đem con Hăm-tơ ra tắm chung, không biết bơi ư, Chén sẽ tập bơi. Chén nghĩ mình có khả năng tập cho cá đi bộ trên bờ còn được nữa là. Chén đã tập cho Hăm-tơ ăn hoa được thì tập cho nó tắm chỉ là chuyện nhỏ. Nghĩ vậy Chén làm liền, Chén bế con Hăm-tơ từ trong lồng ra, hai tay nâng nâng cho bơi, thả hai tay, con chuột vẫn bơi được, Chén mừng quá rú lên “u ra… ua ra” như kiểu Acsimet lần đầu tìm ra lực đẩy của nước. Chén dành nguyên cả buổi sáng mùng một Tết để tập bơi cho nó, để tập gọi tên nó sao cho thật điệu nghệ, Hăm-tơ thích nghe âm thanh du dương. Một siêu chuột biết ăn hoa, sống trong nước và biết nghe theo tiếng gọi du dương… Ha ha ha… Đúng là ý nghĩ độc đáo! Từ Tết này, hắn sẽ dành cái hồ tắm thiên đường trên lầu hơn trăm triệu này cho con Hăm–tơ. Chén thầm thán phục mình có thú chơi không đụng hàng. Trăm triệu, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!

***

Mọi chuyện bắt đầu từ tờ báo Buổi Chiều, giật tít ấn tượng “Ai tàn sát hoa sen?” nhưng nội dung bài thì chẳng có gì, chỉ là nói về cái dự đoán loài sen trắng truyền thống sẽ tuyệt chủng nay mai, sen chỉ còn lưu dấu hình ảnh của mình trên những tác phẩm nghệ thuật và sách báo, nếu để cho giống chuột ăn sen phát triển như hiện nay… Kể cũng lạ loài chuột này cứ nhằm vào món khoái khẩu sen thuần Việt mà ăn. Xưa rồi Diễm! Chén mơ màng nghĩ vậy, gấp tờ báo lại đút xuống hộc bàn, chợt Chén lại lôi tờ báo ra, “Có loài chuột ăn sen thật à?”, “Chuột thường ăn thóc lúa bắp khoai chứ, táo tợn lắm cũng chỉ đớp bánh trái bơ sữa trong tủ, chuột ăn bông sen chắc là giống chuột nhà phú quý, không ai dám đánh bắt. Chuột đẳng cấp nhỉ! Khôn thật, ăn là ăn tinh túy của đất trời tích chứa trong ấy, là ăn hồn chứ không thèm ăn xác. Đẳng cấp! Đẳng cấp!

Chén chợt thấy choáng đầu choáng óc khi mường tượng tới con chuột thật đẹp chễm chệ trên những chiếc mô tô Harley mắc tiền nhất thế giới đang lao ầm ầm như muốn xé rách tơi vụn con đường và cả không gian của cái huyện nhỏ nghèo nàn lạc hậu của Chén. Chuột đẹp đeo kính đen, râu hai bên vểnh ra cong vút, vừa lái xe vừa gặm gặm khoái trá, đóa sen đang bị rách tung từng phần vẫn cố tỏa hương ngọt thơm ngào ngạt xung quanh. Những cánh sen rách do gặm vội tơi tả rơi bay ngược về phía sau nhuộm trắng những cơn gió bấc vốn đầy bụi bặm nâu đen, vốn đầy những dáng người lùi lũi nâu đen, vốn đầy những khuôn mặt khắc khổ khô quắt nâu đen…

Chén lại thấy rõ mồn một gã chuột đẹp hai chân tréo nhau như cách con người ngồi tréo nguẩy trên bộ sa lon dát vàng cao cấp, trước mặt là bông sen trắng lớn và một chai rượu Vodka Beluga- cá tầm. Chốc chốc chuột đẹp lại bóc một cánh sen nhăm nhăm rồi dốc chai làm một ực rượu thơm phức, xong, lại điệu nghệ đưa hai ngón tay vân vê mấy cọng râu kẽm hai bên cái miệng nhọn hoắc, gã lim dim
nhìn đời…

Chén chợt cười khằng khặc, dụi mắt, ra khỏi những mường tượng thích thú, ra khỏi giấc mơ ban ngày vừa rồi. Chén tự hỏi cũng là tự trả lời: “Tại sao không?!”

***

Đời Chén thay đổi nhiều từ lúc tự hỏi và cũng là tự trả lời ấy. Tối ấy, Chén chọn trong đống quà cáp ra chiếc lồng chuột và con chuột Hăm-tơ này, thích thú vô cùng, Chén nghĩ, đúng là thích của nào trời trao của ấy. Chén thì thầm với Ly thâu đêm về những kế hoạch, vợ hắn nói: “Chán cái mớ đời! Anh lên trưởng phòng đã ba tháng rồi. Quan nhất thời, phải biết chớp thời cơ thôi!”. Chén gật. Mấy ngày sau, người ta thấy trước nhà hắn treo bảng “Bán bảo hiểm ô tô”, ông đi qua bà đi lại bàn tán, chồng quản lý xe, vợ bán bảo hiểm, không mua mà được à?”. Mấy tháng sau, hai cây xăng Ly đứng tên liên tiếp khai trương trên các vị trí đắc địa dọc theo quốc lộ. Nhà xe bàn tán: “Chồng sếp, vợ bán xăng, không ghé đổ xăng mà chạy xe làm ăn trên đường được à?!”.

Mấy năm sau, Chén mua thêm các lô đất liên cư, đập hết, xây một biệt thự kiểu nửa Tây nửa ta. Những kẻ nhiễu sự qua lại cứ đứng nhìn một thôi một hồi rồi lắc đầu. Chén đứng bên cửa sổ nhìn xuống, nghe cả tiếng thở dài thườn thượt của mấy người đó, thấy hết, thấy cả những chỉ trỏ, cả những cái lắc đầu, nhưng Chén chỉ cười gằn, buông gọn một câu: “Tức đập ngực mà chết!”

“Vợ chồng Ly Chén làm ăn lương thiện. Chén có ép ăn cái gì của ai đâu, quà cáp, tiền bạc là do dân làm ăn tự nguyện, tình thương mến thương thôi mà!”. Nghĩ vậy, Chén kéo màn, quay gót. Chén lại vào với cái lồng siêu chuột Hăm-tơ. Chén hết lòng hết dạ với con chuột này từ đó.

***

Có khi Chén cũng sa đà, có người tặng Chén tấm da chuột còn nguyên bộ lông mượt mịn như nhung. Đó là bộ da lông khổng lồ nhập từ nước ngoài về, với những đường vằn vện mờ ảo đẹp mắt, Chén mừng quýnh quíu sai người khoan lỗ treo trên giữa bức tường phòng khách. Chén mê đắm tất cả những gì liên quan đến chuột vì từ ngày mê chuột cơ ngơi Chén đã ra thế này, cuộc đời Chén đã được thế này.

Đêm, Chén đang ngồi viết báo cáo chợt thấy tấm da lông chuột dịch chuyển qua lại, Chén đứng dậy đi kiểm tra cửa sổ, tất cả đều đóng kín, cài chốt bên trong. Không cơn gió nào lọt vô được, cũng không có động đất, sao có sự chuyển động lạ vậy? Chén vừa ngồi lại bàn viết thì tấm da lông chuột lại lắc đều. Một luồng khí lạnh vừa thốc vào lồng ngực làm Chén rùng mình. Vừa với tay giữ tấm da lông ấy đứng yên trên tường thì mấy ngón tay của Chén bị một lực hút rất mạnh hít chặt vào tấm da lông, Chén thoáng thấy sự chao đảo xung quanh và có tiếng thì thầm âm âm bên tai: “Thôi thôi đã mắc vào vành… chẳng sai”… Chén giật mình, ở đâu ra cái câu ghê gớm ấy. Chén tìm quẩn quanh một hồi, có vẻ là một câu Kiều, nhưng ở đâu ra mới được, làm gì có ai quanh đây. Tìm mãi, cơn tức tối và cả sợ sệt ám ảnh ngày càng tăng làm Chén bấn loạn, Chén giật tấm da lông chuột đập mạnh xuống đất. Bước chân đưa Chén vòng vòng một hồi rồi dừng lại trước tấm da lông bẹp nhẹp dưới nền nhà, Chén lầm bầm:  “Còn nói nữa thôi!”. Ở cơ quan, bao nhiêu thằng thóc mách Chén đều trù cho điêu đứng huống chi là tấm da chết. Chén dứt khoát từ đây chỉ chơi với chuột sống, chuột chết dù linh ứng cỡ nào cũng phải ra xe rác, nhà Chén không có chỗ.

Trong thâm tâm, Chén lại tin là điềm không lành nhưng vẫn cố phớt tỉnh, Chén lơ với ai được nhưng không lơ được với mình, nửa đêm về sáng, lòng cứ bất an, giấc ngủ cứ trằn trọc. Chén lại bật đèn bước đến chiếc lồng gỗ tiện cao cấp, Chén đưa bàn tay, con chuột khúm núm trèo lên, đưa mắt nhìn hắn trìu mến, biết ơn, Chén nhìn bộ lông lấp lánh của bé chuột mọi lo nghĩ trong lòng Chén nhanh chóng tan biến, bây giờ thành thói quen rồi, cứ nhìn thấy những thứ lấp lánh là Chén quên hết mọi thứ. 

***

Chén tưởng mình đã luyện con Hăm-tơ này có thể tung hoành ngang dọc rồi nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn có điều bất an. Chén sợ, rất sợ, ngay khi vừa nghĩ tới đã sợ! Chén sợ một ngày nào đó, hoặc giả Chén rời chiếc ghế ấm áp ở cơ quan, hoặc giả đột ngột bị ung thư, huyết áp gì đó mà qua đời, hoặc giả vì lý do trên trời rơi xuống con Hăm-tơ vào tay một chủ nuôi khác, những kẻ ngu ngốc sẽ không hay biết gì về việc có một siêu chuột đã được luyện ăn hoa, được luyện sống dưới nước và được nghe những tiếng gọi du dương, do đó mà họ cứ đổ thóc lúa, các loại hạt vào cho nó, đổ mãi, đổ mãi và la hét, trợn mắt nhìn nó chết dần chết mòn vì đói khát. Càng cả nghĩ Chén càng bất an, mồ hôi lạnh lại rịn ra hai bên thái dương, nghĩ tới thôi Chén đã muốn bệnh, huống chi đó là sự thật. Chén đã từng nằm mơ thấy con Hăm-tơ tội nghiệp chết khô vì không biết ăn thóc lúa đã đành, cả hạt hướng dương thơm tho cũng không màng tới. Chén thấy thương quá nhưng không làm gì được. Mắt Chén nhíu lại, các cơ mặt đều kéo dùn lên và cuối cùng Chén ép ra được một thứ nước đùng đục, một dòng lệ xót thương dành cho Hăm–tơ yêu quý. Đột nhiên Chén thấy da mặt mình căng đau, xương hàm từ từ đưa ra phía trước, hai cái răng cửa lớn dần, lớn dần, râu Chén thường nhẵn sạch chợt rắc rắc mọc ra tua tủa hai bên miệng… Chén đưa tay rờ rẫm khuôn mặt mình, một khuôn mặt đang biến dạng trở nên nhọn hoắt một cách kỳ lạ. Mồ hôi lạnh rịn ướt hai bên thái dương. Cơ thể lên cơn sốt hầm hập. Tim Chén đập thình thịch trong lồng ngực. Chén bò khắp nơi, ăn không từ thứ gì, ăn không còn thứ gì. Chén hoảng hốt rú lên nhưng từ miệng Chén chỉ phát ra được mấy tiếng chét chét chít chít. Chén bàng hoàng lúng ta lúng túng co rút người lại, hai tay ôm lấy mặt…

- Anh Hai Đẳng Cấp! Có tiếng ai đó. Chén lắc lắc đầu, từ từ mở mắt, buông tiếng trách móc: “Vào phòng, sao không gõ cửa?!”. Thật ra thì lúc ấy tâm trí Chén vẫn chưa dứt khỏi cái khuôn mặt trong giấc mơ và những cánh sen đang gặm nửa chừng. Thật là “chán cái mớ đời”, Chén ngạc nhiên nghe mình thốt lên ngay cái câu cửa miệng của Ly, người đàn bà định mệnh của Chén. 

Chuột ăn hoa sen ảnh 1

Trong thiên truyện ngắn đầy giễu nhại, có màu sắc siêu thực dưới đây, Nguyễn Hiệp không chỉ cô đọng một loại nhân vật điển hình của thời mạt pháp (từ nhiều người dùng gần đây trong các văn cảnh khác nhau), mà còn cảnh báo về một nguy cơ thất truyền cái đẹp và sự trong trắng. Thì chẳng phải Hoa Sen, mà sen trắng là vậy sao? Thì chẳng phải Chuột, dù là chuột có lóng lánh đến độ nào, thì vẫn là vậy sao?

Nhà văn Nguyễn Hiệp viết nhiều thể loại. Anh sống và làm việc tại Bình Thuận.

                    L.A.H

MỚI - NÓNG