Chiều 1/3, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư (LLPBVHNT) tổ chức tọa đàm khoa học Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua, nhấn mạnh sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943).
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT T.Ư khẳng định, văn hóa là nền tảng mục tiêu, là động lực và sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Quá trình này tạo tiền đề để các ngành, bộ môn văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ, sự sáng tạo, truyền bá và thụ hưởng giá trị văn hóa, văn nghệ”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc đến nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chuẩn bị xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa.
Phát biểu tổng kết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý báu: “Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật”.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tham gia tích cực, phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình tổng kết đóng góp, tham mưu, tư vấn giúp Đảng tổng kết toàn diện sâu sắc Nghị quyết 23, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
NGỌC ÁNH
Theo Phó Thủ tướng, phải đưa ra được dự báo về sự phát triển của văn hóa trong xu thế mới. Thời gian qua nhất là giai đoạn sau đại dịch, nền kinh tế thế giới bắt đầu phân bổ lại, cấu trúc lại. Chính vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về lý luận, đưa ra những dự báo về thế giới, con đường phát triển văn hóa nghệ thuật.
Cần thêm tác phẩm nghệ thuật xứng tầm hơn nữa Ảnh: NHẬT MINH |
“Tôi rất mong các nhà khoa học, quản lý, văn nghệ sĩ đồng hành với Chính phủ xây dựng Chương trình tổng thể để chấn hưng văn hóa, chuẩn bị cho lộ trình phát triển mới, có những nền tảng mới tuy nhiên phải kế thừa lịch sử, nền tảng, bản sắc văn hóa dân tộc”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Chăm lo chấn hưng văn hóa
NGND Hà Minh Đức bàn về ảnh hưởng lớn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đối với các văn nghệ sĩ. “Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943) ra đời trong bối cảnh văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiêu điều. Đảng ta chủ trương đứng ra lãnh đạo nền văn hóa văn nghệ cách mạng, đề ra cương lĩnh hành động mang tầm thời đại. Đề cương về Văn hóa Việt Nam được sự tán thưởng sâu rộng của quần chúng và văn nghệ sĩ”, NGND Hà Minh Đức nhận định. Viện dẫn những tác phẩm như Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), Sống mòn (Nam Cao) … NGND Hà Minh Đức cho rằng phải có tư tưởng của Đề cương, các văn nghệ sĩ mới có được niềm tin vào tương lai.
“Một số tác phẩm nghệ thuật nhân danh đại chúng mà hạ thấp tính chuyên nghiệp. Nhạc thị trường, nhạc nhảm nhí, sản phẩm ngoại lai chất lượng thấp dần chiếm lĩnh, phủ sóng khắp nơi. Trong khi đó, các tài năng nghệ thuật, những loại hình bác học, kinh điển như kịch nói, giao hưởng, balê chưa được đầu tư”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đề xuất các giải pháp tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn nữa về vai trò, vị trí của văn hóa và tổ chức bài bản các chương trình văn hóa. Ông kiến nghị Bộ VHTTDL tiến hành rà soát các văn bản chỉ thị chương trình hành động văn hóa, làm rõ nguyên nhân vì sao có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tính hiệu quả của các chương trình chưa cao.
Trong bối cảnh văn hóa học đường xuống cấp, PGS.TS Đào Duy Quát nêu quan điểm coi trọng giáo dục: “Không lo chấn hưng giáo dục, văn hóa khó mà phát triển. Tất cả lĩnh vực như giáo dục, khoa học, báo chí xuất bản, di sản, văn học nghệ thuật… cần được xây dựng thành chương trình tổng thể quốc gia”.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhìn nhận, các thành tựu văn học nghệ thuật những năm gần đây chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng yêu cầu kỳ vọng của nhân dân. “Điều này thể hiện ở sự vắng bóng các tác phẩm tầm vóc, sự lúng túng, sa sút của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phân tích.
Soi chiếu từ ba nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, ông chỉ ra một số hạn chế. Xét theo tính dân tộc, một số loại hình nghệ thuật bị buông lỏng thiếu ý thức giữ gìn di sản cha ông, bóp méo các giá trị dân gian, dân tộc. Ông khẳng định tính khoa học chưa được đề cao khi nhiều sản phẩm thể hiện sự xô bồ, lai căng.