Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Phó CT hội nhà văn HN:

Chúng tôi chỉ chịu sức ép từ chính mình

Chúng tôi chỉ chịu sức ép từ chính mình
TP - Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay lại gây xôn xao với quyết định trao cho “Thơ Trần Dần” (NXB Đà Nẵng, Nhã Nam) giải thành tựu trọn đời, đồng thời không trao giải phê bình và văn xuôi.
Chúng tôi chỉ chịu sức ép từ chính mình ảnh 1
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Xung quanh việc xét và trao giải này, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn với Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Phó CT Hội Nhà văn HN.

Thưa anh, giải thưởng của Hội Nhà văn HN năm nay đã trao giải cho cuốn “Thơ Trần Dần” giải thành tựu trọn đời về thơ, xin anh một vài nhận xét cá nhân về tác phẩm và tác giả này?

Trần Dần đã sống vì thơ, xả thân vì thơ và chết vì thơ. Cuộc đời thi sĩ của ông là rất đáng kính trọng và khâm phục. Nhưng quan trọng hơn, phẩm chất thi sĩ ở Trần Dần là sáng tạo trên hết, sáng tạo không ngừng, sáng tạo như một lý do sống duy nhất của người làm thơ.

Tư cách của nhà văn chính là văn cách của người đó, ông đã từng nói vậy, và đã làm thơ theo đúng tinh thần đó. Kết quả là Trần Dần đã để lại một khối lượng thơ chất chứa nhiều tìm tòi, khám phá, di sản của ông là một thứ thơ Trần Dần đặc hiệu, đọc thấy mới mẻ và khác lạ, vừa hấp dẫn vừa thách thức mỹ cảm của độc giả.

Tập “Thơ Trần Dần” ngay từ khi biết tin chuẩn bị bản thảo đến khi ra mắt nhân kỷ niệm mười năm mất của ông, tôi đã rất thích và hết lòng ủng hộ.

Trong quá trình xét giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2008, các hội đồng chuyên ngành và Hội đồng chung khảo qua các cuộc họp đều nhất trí cao về việc cần trao tặng cho Trần Dần một giải thưởng nhân tập thơ mới ra này của ông.

Và chúng tôi đã quyết định giải thưởng đó mang tên giải “Trao tặng thành tựu trọn đời về thơ”. (Giải loại này trước đây đã được trao một lần cho nhà thơ Bằng Việt “thành tựu trọn đời về dịch thơ”).

Công lao đóng góp thơ và thúc đẩy thơ của Trần Dần rất lớn và quan trọng. Bằng giải thưởng này cho Trần Dần, Hội Nhà văn Hà Nội không chỉ khẳng định và tri ân những thành quả thơ của nhà thơ, chúng tôi còn muốn khẳng định tinh thần sáng tạo, cách tân của sáng tạo văn chương nghệ thuật nói chung, và cổ vũ các nhà thơ, nhất là lớp trẻ, phải luôn vươn tới cái mới và kiên trì trên con đường đi tìm cái mới.

Chỉ mới đây thôi, nhân dịp Ngày thơ VN, cuốn Thơ Trần Dần đã bị ngưng phát hành, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Ôn ào xung quanh cuốn sách này vẫn chưa lắng xuống, trong bối cảnh đó, giải thưởng được trao đã gây chấn động, thậm chí có người nhận xét giải thưởng của Hội NV HN gây sốc (và đây không phải lần đầu tiên). Anh có  thể lý giải đôi chút về quyết định này?

Có “sốc” gì đâu nhỉ! Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội hàng năm xét trao giải cho những tác phẩm xứng đáng được xuất bản từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau.

Cuốn “Thơ Trần Dần” ra trong khung thời gian đó và đầy đủ quyền tham dự xét giải. Sự thực thì như anh nói, nó đã bị những trục trặc lúc đầu như không được phát hành trong Văn Miếu dịp ngày thơ Việt Nam 2008, bị ngưng phát hành để kiểm tra hành chính, và có nguy cơ bị thu hồi.

Và đã có một lá thư ngỏ gửi các cơ quan chức năng nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị cho tập thơ được sống đời bình thường của một cuốn sách, một tác phẩm văn học.

Tôi là một trong những người khởi thảo lá thư đó. Sau đấy thì như anh biết, tập “Thơ Trần Dần” đã được phát hành bình thường, sách đã được nhiều người mua đọc. Cho nên tác phẩm đó hoàn toàn được quyền dự xét giải và nhận giải.

Nếu có “sốc” như anh nói, thì có lẽ là đối với một số ít người nào đó thôi. Còn đối với đông đảo những người yêu quý thơ, yêu quý Trần Dần, thì tôi tin giải thưởng này là một tin vui tin mừng. “Những bản thảo không cháy”, thật đúng vậy!

Chúng tôi chỉ chịu sức ép từ chính mình ảnh 2

Trong quá trình xét giải cho đến nay, các anh có chịu sức ép gì không?

Hoàn toàn không. Sức ép từ các cấp nào đó đối với chúng tôi là không có. Chúng tôi chỉ phải chịu sức ép từ chính mình. Đó là cố gắng khách quan, trung thực cao nhất, cố gắng giữ vững tiêu chí của giải là lấy chất lượng nghệ thuật làm đầu, mỗi bộ môn chỉ trao một cuốn, bộ môn nào không có sách đủ phiếu bầu thì để trống.

Các thành viên của Hội đồng chung khảo (gồm Ban chấp hành và các chủ tịch hội đồng chuyên ngành) không tham gia dự giải nếu trong năm đó có sách của mình xuất bản và được đề cử đưa vào.

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội mấy năm gần đây gây được tiếng vang nhất định, khi công bố đều tạo được chú ý của dư luận, lời khen có, và có cả những lời phản biện, đôi khi khá gay gắt.

Chúng tôi vui vì công việc của mình góp được phần nào thúc đẩy đời sống văn học, và chúng tôi bình tĩnh lắng nghe ý kiến mọi người, lắng nghe mình, để mỗi mùa giải có thêm những giải thưởng xứng đáng, đúng với tầm vóc của một hội nhà văn thủ đô.

Ở đây, chúng tôi phải nói lời cám ơn những người lao động văn chương và những người làm sách. Công lao và công phu của họ là một sức ép dễ chịu với chúng tôi mỗi khi xét giải.

Vì sao văn xuôi và lý luận phê bình lại không có giải nào? Trong khi những người có tác phẩm được đề cử khá nhiều người có uy tín như Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Chu, Tạ Duy Anh…? Đây có phải là dấu hiệu của một sự khủng hoảng nào đó không?

Tôi đã nói ở trên là bộ môn nào không có sách đủ phiếu bầu thì để trống. Năm nay văn xuôi có hai cuốn, lý luận phê bình có hai cuốn đều không hội đủ số phiếu cần thiết của Hội đồng chung khảo.

Giải là xét cho tác phẩm chứ không phải là tác giả. Sự bỏ trống giải ở hai bộ môn này là một đánh giá của chúng tôi, ít nhất là trên địa bàn Hà Nội, và cũng có thể coi đó là dấu hiệu của một sự khủng hoảng nào đó như anh nói.

Quả thật, văn xuôi và lý luận phê bình của ta hiện nay đang rất cần một sự đổi mới, bứt phá, văn thì theo lối kể, phê bình thì theo lối tán, lý luận thì theo lối chắp vá đang là những thứ phổ biến.

Cá nhân tôi, trong tương quan bốn cuốn ở hai bộ môn này, tôi thích “Thăm thẳm bóng người” của Đỗ Chu…

Các tác phẩm vào chung khảo gồm có:

- Thơ: Thơ Trần Dần, U75 từ tình (Lê Đạt), Vệt trăng và cánh cửa (Hoàng Việt Hằng).

- Văn xuôi: Thăm thẳm bóng người (Đỗ Chu), Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh).

- Lý luận - phê bình: Văn hóa văn minh, văn hóa chân lý & văn hóa dịch lý (Hoàng Ngọc Hiến), Thơ Việt Nam, tìm tòi và cách tân (Nguyễn Việt Chiến).

- Dịch văn học: Nửa kia của Hitler (Eric-Emmanuel Schmitt, Pháp, Nguyễn Đình Thành dịch), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Nhật Bản, Dương Tường dịch), Những kẻ thiện tâm (Jonathan Littell, Mỹ, Cao Việt Dũng dịch).

“Cả ba bản dịch được đề cử đều xứng đáng đoạt giải, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội đã chọn dịch giả Nguyễn Đình Thành nhằm khích lệ một dịch giả trẻ với bản dịch đầu tay” – đó là nhận xét của BCH? Nếu như vậy nghĩa là Hội Nhà văn HN có tiêu chí “khích lệ” người trẻ chăng?

Vào cuộc xét giải năm nay, có thể nói hai bộ môn thơ và dịch thuật là đạt được sự đồng thuận và nhất trí cao ngay từ những vòng đầu, còn văn xuôi và lý luận phê bình thì còn nhiều băn khoăn, tranh luận.

Mấy năm qua thị trường dịch văn học ở nước ta phát triển tốt, nhiều tác phẩm hay, mới mẻ của nước ngoài kịp có mặt ở Việt Nam bằng những bản dịch có chất lượng và được in ra qua những nhà sách nghiêm túc.

Thực tế đó thấy rõ ở danh sách dự giải hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Năm nay, ba tác phẩm dịch vào chung khảo đều xứng đáng. Nguyễn Đình Thành là một dịch giả mới, cuốn “Nửa kia của Hitler” là tác phẩm dịch đầu tiên của anh, nhưng xét ở việc chọn tác phẩm tác giả để dịch, ở chất lượng bản dịch thì Thành đã tỏ ra là một dịch giả vững tay nghề.

Giữa ba tác phẩm dịch “bên tám lạng bên nửa cân” như vậy, chúng tôi có ý thiên về người mới, người trẻ, để ghi nhận thành công bước đầu và khích lệ.

Nguyễn Đình Thành “ăn giải” dịch năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội là xứng đáng, và chúng ta mừng là đội ngũ dịch văn học thêm một dịch giả đầy triển vọng.

Xin cảm ơn anh!

Lê Anh Hoài
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.