Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Việc lựa chọn chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" có mục đích huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng. Đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới có chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra trên cả nước từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2016.
Theo đó, có các hoạt động như: Đối thoại chính sách với giới trẻ; Công bố kết quả nghiên cứu về thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; Ngày hội bóng đá - Giao lưu văn nghệ với chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Ngày hội Howabnormal - Chung tay xóa bỏ định kiến giới; Chia sẻ kết quả của dự án Nam giới tiên phong tình nguyện trong chuyển đổi các chuẩn mực nam tính nhằm phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ; Hành trình xe bus và tranh biện dành cho thanh niên về không gian công cộng an toàn và thân thiện; nghiệm thu chương trình can thiệp Thành phố an toàn …
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, cho biết: Lễ khởi động Tháng hành động năm 2016 sẽ là dấu mốc đầu tiên của một Chiến dịch truyền thông cấp quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tổ chức bộ máy về bình đẳng giới từng bước được xây dựng, củng cố, kiện toàn để làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước.
Kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có thêm nhiều điểm sáng như: Lần đầu tiên chúng ta có 3 đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị, có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Việt Nam xếp thứ 60/193 quốc gia trên thế giới và xếp thứ 4/11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Lao động nữ chiếm tỷ lệ 48,3% trong lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trong độ tuổi từ 15-24 đạt 96,5%…
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe…
Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam va nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Đáng chú ý, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Một nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2013 cho thấy, 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình tức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ và có tới bảy trong 10 phụ nữ phải đối mặt với tình trạng lạm dụng này ở một số nước.
Trên thế giới, hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ. 250 triệu người trong đó đã kết hôn trước 15 tuổi. Những cô gái kết hôn trước tuổi 18 ít có khả năng để hoàn thành việc học tập của mình và đồng thời có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình và biến chứng khi sinh con.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy: 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục; 58% phụ nữ cho biết, đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.