Chung cư mang tên Các Mác ở thủ đô Viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đi ở thủ đô Áo, chúng tôi đã gặp khu chung cư – nhà ở xã hội có chiều dài hơn một cây số mang tên lãnh tụ Các Mác. Nó tiêu biểu cho một mô hình nhà ở dành cho người lao động có thu nhập thấp đã tồn tại xấp xỉ 100 năm và vẫn đang chứng tỏ sức sống ở một trong những thủ đô phồn hoa nhất châu Âu.

Năm 2018, vợ chồng tôi cùng mấy người bạn đi phượt ở châu Âu, qua thành Viên, thủ đô Áo, gặp vợ chồng anh Thành - chị Thủy, những người đã sống ở đây đến trên dưới 40 năm, được anh chị dẫn đi thăm thú nhiều nơi. Năm nay, nhân chuyến công tác, tôi lại qua Viên, tình cờ gặp lại anh chị. Tôi cùng mấy người bạn trong đoàn được chính anh Thành lấy ô tô riêng chở đi chơi trọn một ngày khắp thành phố. Anh Thành là người thích kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử nên đến đâu cũng thuyết minh cho chúng tôi được.

Lúc đó, chúng tôi đang trên đường đến Grinzing, một ngôi làng cổ rất đẹp nơi nhạc sĩ Beethoven thuê lần lượt 3 ngôi nhà để sống và sáng tác thì anh Thành bỗng nói, khu chung cư Các Mác ở ngay gần đây, các cậu muốn ghé xem không? Sau khi hỏi lại để chắc chắn rằng hiện khu chung cư vẫn mang tên nhà triết học vĩ đại, tác giả chính của “Tư bản luận” và “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, 4 hành khách trên xe gồm tổng biên tập các báo Hà Nội Mới, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên và Tiền Phong thấy nhất định phải rẽ xem.

Chung cư mang tên Các Mác ở thủ đô Viên ảnh 1

Cư dân của Chung cư Các Mác. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Anh Thành chỉ cho chúng tôi toà nhà sơn hai màu đỏ nâu và vàng, trên có đề chữ “Karl Marx Hof” rồi đỗ xe. Chúng tôi háo hức bước xuống tiến lại gần lối ra vào chính được xây hình vòm của toà nhà. Đó là một khu nhà gồm nhiều khối cao từ 5 đến 7 tầng, lối kiến trúc khá cũ nhưng không phải là cổ tuy trên mặt ngoài tường ở khoảng tầng 2 có gắn một số bức tượng. Các cửa sổ đều bằng chất liệu giống như khung nhôm kính, không có cánh cửa gỗ bên ngoài, có ô mở thấy có người đàn ông cởi trần nhô người nhìn ra, điều cho thấy cư dân ở đây khá bình dân. Đặc điểm cư dân đó càng thấy rõ khi nhìn mấy người đàn ông đứng tuổi, chủ yếu quần soóc áo phông, tụ tập bên cái ghế băng bằng gỗ đã cũ, nhìn ai cũng có vẻ bình dân. Con đường ven chân toà nhà rải đá nhỏ, hai bên chỉ trồng cỏ mà không có hoa.

Chung cư Các Mác dài khoảng 1,1 cây số, các mặt của nó có 4 ga tàu điện ngầm, hình thành một khu dân cư có thể chứa hàng chục ngàn người và được xác định là một trong những công trình dân cư dài nhất thế giới.

“Đúng đây là chung cư dành cho giới bình dân. Ngay từ khi xây dựng vào khoảng những năm 20 - 30 thế kỷ trước, chức năng của nó đã là như vậy và giờ vẫn vậy”- Anh Thành nói. À ra vậy, tôi chợt ngộ ra, nhớ lại thời kỳ đó, cách đây đúng trăm năm, do ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, ở một số nước châu Âu có những đảng mang tên Dân chủ, Xã hội thiên về cánh tả cầm quyền đã xây dựng các công trình mang tính phúc lợi xã hội dành cho giai cấp vô sản mà chung cư Các Mác chắc là một sản phẩm của xu hướng đó.

Khi chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm xong và bước ra đường, anh Thành chỉ về hai hướng phố dài nói: “Khu chung cư Các Mác không chỉ là tòa nhà này đâu mà kéo dài suốt hàng cây số phố này đó. Nó là khu chung cư dài nhất của thủ đô Viên, mà chắc là nhất châu Âu cũng nên”.

Thực sự thì khu chung cư Các Mác quả là lớn, chính xác hơn là rất dài. Nó dài khoảng 1,1 cây số, các mặt của nó có 4 ga tàu điện ngầm, hình thành một khu dân cư có thể chứa hàng chục ngàn người và được xác định là một trong những công trình dân cư dài nhất thế giới. Ở đây có 1.382 căn hộ từ loại có kích thước 30 m2 (một phòng ngủ) và 60 m2 (loại có 2 phòng ngủ), tổng diện tích sàn lên tới 156.000 m2. Đây chắc chắn là một loại hình nhà ở xã hội vì nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho tầng lớp lao động nghèo mất nhà cửa sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất hoặc những người lao động điều kiện nhà ở quá eo hẹp. Và như thế, loại hình nhà ở xã hội đã có ở thủ đô nước Áo từ 100 năm nay.

Nguồn cơn bắt đầu từ năm 1919, Đảng Dân Chủ Xã hội thắng cử ở nước Áo vốn nằm trong thành phần của Đế quốc Áo - Hung tham gia Đại chiến Thế giới lần thứ nhất bên phe cùng với Đức, Thổ Nhĩ Kỳ… và bị bại trận. Có khoảng 250.000 người lao động Áo khi đó mất nhà cửa do chiến tranh, hoặc sống trong điều kiện nhà ở rất tồi tệ. Chính quyền thắng cử thông qua quyết định đầu tư xây dựng hàng loạt nhà tập thể giá hợp lý để những người lao động kia có thể thuê. Nhà ở xã hội ở Áo đã ra đời như thế.

Năm 1923, Hội đồng thành phố Viên quyết định xây 25.000 căn nhà ở xã hội cho người nghèo. Để có tiền xây nhà, người ta đã đánh thuế nặng vào những ngành kinh doanh xa xỉ như sâm panh, nhà thổ, dịch vụ ăn uống cao cấp, cưỡi ngựa, xe hơi… Không phải vì xây nhà cho người nghèo mà người ta không quan tâm đến chất lượng của nó. Những kiến trúc sư giỏi nhất của đất nước đã được thuê để thiết kế nhằm thực hiện bằng được mục tiêu mà chính quyền thành phố đặt ra là tạo ra một xã hội mới, thay đổi cuộc sống tầng lớp lao động (“Những gì chúng ta muốn là không khí và ánh sáng" là khẩu hiệu của chính quyền khi đó thực hiện chương trình nhà ở). Các chung cư nhà ở xã hội đã được thiết kế chắc chắn, có tính nghệ thuật cao. Cùng với các khu nhà ở là các thư viện, bể bơi, cơ sở thể thao công cộng và các diện tích tập thể dục ngoài trời. Chính mô hình này giải thích vì sao Chung cư Các Mác lại có tên chính thức là “Karl Marx - Hof”, mà trong đó chữ “hof” tiếng Đức có nghĩa “sân”, “cung điện”, “khu vườn”. Một nhà quy hoạch phát triển đô thị của Viên tên là Kurt Hofstetter đã gọi mô hình này là "cung điện cho công nhân".

Chung cư mang tên Các Mác ở thủ đô Viên ảnh 2

Một tòa nhà trong Chung cư Các Mác ở Viên. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Quả thật là đối với một gia đình công nhân nghèo đang không có nhà ở hoặc đang trọ trong những điều kiện chật chội và bẩn thỉu thì Chung cư Các Mác được khởi công năm 1927, khánh thành năm 1930 này thực sự là cung điện. Nó có các hệ thống cơ sở hạ tầng, các cửa hàng bách hoá, dịch vụ, có trường học, cơ sở y tế, các hiệu thuốc, trung tâm thể thao, thanh thiếu niên, sân chơi… Đây cũng là toà nhà dành cho người lao động đầu tiên của thành phố Viên có nhà vệ sinh gắn với nguồn nước xả và có ban công riêng, khác hẳn với các toà nhà cùng loại lúc đó chỉ có nhà vệ sinh công cộng. Đặc biệt là ban công riêng cho mỗi căn hộ được coi là vô cùng sang trọng, mà giới bình dân chưa từng được hưởng trước đó.

Sau trên dưới 100 năm ra đời, các nhà ở xã hội đời đầu như Chung cư Các Mác vẫn là nơi ở ưa thích của những người thu nhập thấp và cả người có thu nhập trung bình ở Viên. Điều thú vị là loại hình nhà ở xã hội khởi đầu từ những năm bi đát đầu thế kỷ 20 ấy cho đến nay vẫn tiếp tục được duy trì, thậm chí càng tỏ rõ sức sống ở thủ đô Áo, một trong những thành phố luôn được xếp vào thành phố tốp đầu được gọi là “nơi đáng sống” nhất. Nhà ở xã hội được duy trì việc xây dựng từ bấy đến nay qua các giai đoạn của lịch sử và hiện vẫn được tiếp tục xây dựng, gần đây có một khu nổi tiếng tên Seestadt Aspern - xây dựng trên một sân bay bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Viên thu hút hàng chục nghìn người đến ở.

Mô hình nhà ở xã hội của thành phố Viên được coi là thành công nhất châu Âu bởi nó cung cấp được số lượng căn hộ đủ để đối tượng rộng rãi tiếp cận và luôn duy trì được chất lượng. Sở dĩ được như thế là vì ở Viên người ta thực hiện hai loại hình nhà ở xã hội. Một loại do chính quyền thành phố đầu tư, sở hữu, vận hành và trực tiếp cho thuê. Một loại do "Hiệp hội nhà ở lợi nhuận thấp" phát triển. Các hiệp hội này được hưởng ưu đãi là các khoản vay lãi suất rất thấp để thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhưng đổi lại là phải chịu sự kiểm soát về giá thuê. Bởi vậy mà người thuê nhà ở xã hội ở Viên cực kỳ yên tâm ở hai lợi thế. Một là hợp đồng thuê không có thời hạn, bên cho thuê không thể đơn phương huỷ hợp đồng ngay cả khi người lúc bắt đầu thuê là người thu nhập thấp nhưng dần dần đã trở nên khá giả. Hai là không có chuyện chủ cho thuê tự động nâng giá cho thuê vốn đã thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung ở một nơi cuộc sống chất lượng cao nhưng đắt đỏ như thủ đô Áo.

Người ta nói rằng không chỉ người thu nhập thấp mà cả người có thu nhập trung bình cũng có thể là đối tượng được thuê quỹ nhà này. Điều đó dẫn đến một con số mà thoạt đầu tôi đọc thấy khó tin là khoảng 60% dân số thành phố Viên sống trong các toà nhà có nguồn gốc là nhà ở xã hội. Việc quỹ nhà này không bị xây ở những vùng tách biệt mà tích hợp vào các khu dân cư kèm các chính sách cần thiết khiến nó không bị xã hội nhìn bằng thái độ kỳ thị đã đảm bảo được chất lượng và môi trường sống, không bị biến thành các khu ổ chuột như nhà ở xã hội ở nhiều nước châu Âu khác mà điển hình là một số khu ở Pháp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.