Chung cư chưa nghiệm thu chữa cháy dân đã vào ở: Nhờn luật

Chung cư Capital Garden (Trường Chinh) bị người dân phản đối vì chưa nghiệm thu PCCC. Ảnh: Trường Phong.
Chung cư Capital Garden (Trường Chinh) bị người dân phản đối vì chưa nghiệm thu PCCC. Ảnh: Trường Phong.
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận hiện nay có tình trạng mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tòa nhà.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), chưa đủ điều kiện nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng đã đưa người dân vào ở. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở khá lúng túng trong xử lý bởi quy định chưa rõ cấp quận có quyền tạm đình chỉ, ngăn không cho người dân vào ở trong các khu nhà này không?

Có lỗi cả chủ đầu tư và dân

Thực tế diễn ra hiện nay cho thấy, nhiều công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa người dân vào sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tính đến ngày 2/4, toàn thành phố có 29 công trình chưa khắc phục lỗi nghiệm thu về PCCC. Riêng quận Thanh Xuân, theo ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận, trên địa bàn có 3 công trình chưa được nghiệm thu đã đưa người dân vào ở. Quận Hà Đông cũng có hơn 10 công trình chưa nghiệm thu PCCC, đặc biệt, có 3 công trình cao tầng CT4, CT6, CT5AB Khu đô thị Văn Khê đã bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra do chây ì khắc phục an toàn PCCC.

Theo ông Khổng Minh Thảo, có thực trạng, người bán nhà muốn đưa dân vào ở sớm để thu nốt phần tiền còn lại. Cư dân sợ không vào ở sớm chủ đầu tư lại bán cho người khác. Ông Thảo đề nghị, cần có thêm hướng dẫn của thành phố về chế tài xử lý các trường hợp này. “Nếu chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện các chung cư không đủ điều kiện PCCC thì có đủ thẩm quyền để thông báo tạm đình chỉ hoặc đình chỉ các chung cư này không? Nếu kiểm tra xong bỏ đấy thì không giải quyết được gì? Cũng cần nâng cao ý thức người dân, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhưng thẩm quyền trao cho công tác này còn thiếu”, ông Thảo nói. Ông Thảo ví dụ, quy định hiện nay, nếu thông báo cho cư dân về chung cư đó mất an toàn PCCC thì có vi phạm pháp luật không. “Tất cả các vấn đề này khiến các đoàn công tác của thành phố, của quận đều vướng”, ông Thảo cho hay.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, điều cần giải quyết trước mắt là tình trạng “bán nhà trên giấy” của các chủ đầu tư. “Hầu hết chung cư đều mua bán nhà trên giấy. Mua bán khi chưa nghiệm thu. Chủ đầu tư không cho biết thì các cơ quan quản lý ở địa phương cũng không làm gì được. Chúng ta phải tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, chứ không thì mãi cứ lùng bùng. Cho dân vào ở, xong kiểm tra thiếu cái này cái khác”, ông Võ nói.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải có trách nhiệm về hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, thẩm định về PCCC, giấy phép xây dựng. Tổ chức thi công phải đúng theo hồ sơ thiết kế, nghiệm thu về công tác PCCC và chất lượng công trình. Tuy nhiên, chủ đầu tư có thể do lợi nhuận nên muốn thu hút người mua nhiều nhất, nhanh nhất nên xảy ra tình trạng đưa dân vào ở trước. Ông Vụ cũng không bỏ qua trách nhiệm của cư dân khi đồng ý vào ở trong các chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC, nghiệm thu về chất lượng công trình. “Khi được bàn giao nhà, người dân cũng phải biết quyền của mình, yêu cầu chủ đầu tư công khai đã được nghiệm thu về PCCC chưa, nghiệm thu về chất lượng công trình chưa?”, ông Vụ nói. Theo ông Vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm, tới đây sẽ làm rất cương quyết như cắt điện, cắt nước các chung cư vi phạm PCCC.

Đề xuất nâng mức phạt

Về chế tài xử phạt, ông Vụ thông tin, nếu công trình đưa dân vào ở khi chưa được nghiệm thu, chỉ xử lý hành chính mức cao nhất là 80 triệu. “Tôi nghĩ chế tài này chưa đủ sức răn đe với chủ đầu tư trong khi công trình có thể đầu tư vài trăm tỷ, nghìn tỷ”, ông Vụ nói. Theo ông Vụ, với chức năng quản lý nhà nước, cảnh sát PCCC sẽ báo cáo với thành phố đề xuất Chính phủ sửa đổi bổ sung, nâng chế tài xử lý về PCCC trong đó có việc đưa công trình vào sử dụng khi chưa nghiệm thu về PCCC để nâng mức xử phạt. “Đây là một yếu tố tác động đến các chủ đầu tư phải tuân theo quy định của pháp luật”, ông Vụ nói. Cũng theo ông Vụ, hiện nay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, cơ quan chức năng có quyền tạm đình chỉ, đình chỉ công trình vi phạm. “Tạm đình chỉ có thời gian 30 ngày để chủ đầu tư khắc phục. Quá thời hạn đó thì lập biên bản xử lý, đình chỉ, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng có kế hoạch rút giấy phép”, ông Vụ nói.

MỚI - NÓNG