Chứng chỉ công chức, lo ngại biến thành 'giấy phép con'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Theo phương án Bộ Nội vụ đưa ra, chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức tới đây sẽ là một trong những điều kiện để công chức được đăng ký dự thi, xét nâng ngạch, bổ nhiệm. Chuyên gia lo ngại, đây sẽ lại là một loại “giấy phép con” hành công chức.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Lý giải về việc sửa đổi, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2020. Trong đó bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Tân, thời gian qua việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gặp nhiều khó khăn do chưa có các quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Vì thế, việc bổ sung các quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với đối tượng này là cần thiết, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng được triển khai thống nhất, đồng bộ.

Nghị định sửa đổi lần này bổ sung việc Bộ Nội vụ quản lý chương trình bồi dưỡng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung quy định các chương trình bồi dưỡng viên chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.

Ban soạn thảo đã bỏ quy định “Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là điều kiện được học các chương trình bồi dưỡng cao hơn liền kề”. Điều này nhằm phù hợp với việc quản lý công chức, viên chức được chuyển dần sang quản lý theo vị trí việc làm.

Về đơn vị đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia (thuộc Bộ Nội vụ) được bổ sung là đơn vị tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính và tương đương. Đồng thời Học viện này còn được trao quyền tổ chức bồi dưỡng chương trình bồi dưỡng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Đáng lưu ý, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức chuyên ngành là một trong những điều kiện để công chức được đăng ký dự thi, xét nâng ngạch, bổ nhiệm ngạch tương ứng.

Cùng với dự thảo nghị định này, Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị soạn thảo đề án “thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức", đồng thời được giao “ôm” luôn việc kiểm định này. Qua đó, người muốn vào công chức phải tham gia kỳ kiểm định tập trung (mỗi năm 2 lần) và sẽ được cấp giấy chứng nhận có hiệu lực trong vòng 1 năm để xét tuyển.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia lo ngại, quy định này sẽ trở thành một loại “giấy phép con” hành công chức trong giai đoạn tới. “Nếu theo quy định này, khi đó công chức bắt buộc phải có được chứng chỉ này mới thi, xét nâng ngạch và bổ nhiệm”, một cán bộ chuyên gia trong ngành nội vụ cảnh báo.

Vấn đề văn bằng, chứng chỉ hành công chức, viên chức đã từng được đề cập đến nhiều trên báo chí và tại diễn đàn Quốc hội. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, nhiều cử tri, công chức, viên chức bức xúc phản ánh, ngoài 3 loại bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, lâu này còn “đẻ” thêm rất nhiều chứng chỉ “trên trời” khác. Thực tế này làm mất thời gian, công sức và tiền bạc của công chức, viên chức.

“Để thu hút được người tài tham gia vào bộ máy, tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức thì phải giảm bớt tối đa các loại văn bằng chứng chỉ không cần thiết, đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện”, ông Hòa đề nghị.

MỚI - NÓNG