Môi trường suy thoái, cây quý vô sinh
Những năm 90 trở về trước, thủy tùng (thông nước) chỉ được xem là một loại gỗ tạp. Vì thế, hàng ngàn cây thủy tùng ở vạt rừng Ea Ral thuộc xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo và khu ruộng lầy ở buôn Trấp Ksơr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk (được giới khoa học khẳng định là nơi duy nhất trên thế giới còn tồn tại loài thủy tùng) đã bị chặt hạ, nhường chỗ cho công trình thủy lợi, nhà cửa, nương rẫy. Năm 1996, khi loài thủy tùng được ghi tên vào Sách Đỏ Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk mới nhận ra giá trị đặc biệt của loại cây này và tính tới việc bảo tồn. Lúc đó, thủy tùng Đắk Lắk còn lại chưa tới 200 cây.
Thớ gỗ mịn, không cong vênh, mối mọt, vân đẹp có mùi thơm… biến thủy tùng thành món hàng quý được giới chơi đồ gỗ săn tìm. Lời đồn đoán thủy tùng chữa được ung thư, trị bách bệnh càng khiến những người lắm tiền mạnh tay tậu bằng được thứ “thần dược” đắt hơn vàng. Trong khi đó, dân nghèo ngày đêm trầm mình xâm xới tìm hàng nuôi mộng đổi đời; thủy tùng ngắc ngoải cầu cứu.
Năm 2012, tỉnh Đắk Lắk công bố quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, đặt trụ sở tại buôn Trấp Ksơr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng để bảo vệ loại cây cổ nhất thế giới trước nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ có 161 cây thủy tùng nhưng phân bố rải rác ở hai huyện Ea H’Leo và Krông Năng, nên dự án phải lập 2 trạm, chia nhỏ lực lượng ngày đêm canh chừng.
Đưa tôi dạo quanh một vòng khu rừng, anh Tô Hữu Minh, nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ thủy tùng ở buôn Trấp Ksơr, cho biết, Trạm có 7 người, quản lý 18 cây thủy tùng phân bố rải rác trong 60 ha rừng. Ban ngày, đội chia thành 2 nhóm thay nhau tuần tra, tối đến mắc võng ngoài rừng canh giữ. Gần đây không còn cảnh cả đoàn người kéo nhau vào rừng đào bới thủy tùng công khai như trước, nhưng loài cây này vẫn đối mặt nguy cơ bị chặt hạ từng giờ. Từ khi tiếp quản đến nay, trạm chưa bị mất cây nào. Thỉnh thoảng có người lén lút đột nhập, trạm phát hiện đuổi ra ngay. Anh Minh nói, đây là loài quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao nên anh em không dám lơ đễnh, kẻo mất trộm thì nguy to.
Quần thể thủy tùng ở buôn Trấp Ksơr. Ảnh: H.T
“Người ta cứ đồn thổi gỗ thủy tùng xua được muỗi, đuổi được tà. Tà thì mình không biết chứ muỗi có đuổi được đâu. Muỗi ở đây chi chít chen nhau vo ve suốt cả ngày đêm. Cả rừng thủy tùng còn không xua muỗi được, huống chi vài miếng gỗ, vậy mà người dân cứ tin sái cổ”, anh Minh nói.
Huyện Krông Năng còn 3 cây thủy tùng mọc trong khu dân cư được giao khoán cho dân trông giữ với giá 300.000 đồng/cây/tháng. Anh Vũ Hùng Việt (thôn Trường Hà, xã Ea Hồ), một trong 3 hộ dân được giao giữ cây, cho biết: “Từ năm 2010, tôi đã nhận giữ cây thủy tùng gần nhà mình rồi. Biết loại cây quý, mình tuyên truyền cho bà con nghe hiểu nên họ không xâm phạm. Vả lại cây mọc sát nhà, mình để mắt thường xuyên, bọn lâm tặc có muốn cũng đứng xa nhìn chứ không chặt được đâu”.
Công phu nhân giống
Ngoài quản lý cây sống, nhiệm vụ cấp bách của dự án là nhân giống. Bởi số cây may mắn sót lại đang suy giảm nghiêm trọng cả về chất lượng lẫn số lượng. Cây lớn thì thoái hóa, chết dần. Cây còn lại sức sinh trưởng kém, tuy vẫn ra hoa, kết quả nhưng cho hạt lép. Gần 40 năm qua, cả hai khu quần thể thủy tùng vẫn không có cây con nào. Mầm sống của loài cây “vô sinh” trông chờ bàn tay ghép tạo của con người.
Đã có nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu nhân giống. Nhưng thành quả bước đầu mới chỉ ghi nhận trong phòng thí nghiệm, vườn ươm, còn ngoài thực địa, chúng phát triển không như mong đợi.
Năm 2007, tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, bắt tay nghiên cứu nhân giống thủy tùng bằng 3 phương pháp: nuôi cấy mô, giâm hom và ghép chồi. Kết quả nuôi cấy mô và giâm hom bị loại bỏ bởi cây chỉ phát triển được thời gian đầu rồi chết. Ông tập trung phương pháp ghép chồi thủy tùng với loài cây gần họ hàng như samu nhưng tỷ lệ sống vẫn không cao. Kiên trì đến đầu năm 2011, ông thành công bằng cách ghép chồi thủy tùng trên gốc của cây bụt mọc xuất xứ từ Mỹ (tên khoa học là Taxodium distichum), loài có quan hệ gần nhất với cây thủy tùng.
Cây trồng thử nghiệm tại nhà tiến sĩ Vinh
Năm 2012, mầm ghép thủy tùng được trồng tại nhà tiến sĩ Vinh sinh trưởng, phát triển ổn định. Năm 2013, cây được đưa về các huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pắk và Lắk trồng thử nghiệm trên đất cạn ẩm ướt có tưới nước và khu đầm lầy. Kết quả, cây trồng trên cạn tỷ lệ sống đạt 90%, sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là ưu thế vượt trội của cây ghép thích ứng tốt với môi trường trên cạn so với cây mọc tự nhiên. Dự đoán sau 3 năm, trung bình cây cao 7m, đường kính gốc đạt 25cm. Còn ở môi trường sình lầy tại nơi phân bố do mực nước cao nên cây lớn chậm hơn, tỷ lệ sống thấp hơn (đạt 70%), sau 3 năm cây cao khoảng 2,5m, đường kính gốc 8cm. Tiến sĩ Vinh lý giải, trước đây, môi trường nguyên sản lý tưởng của thủy tùng là khu sình lầy, mực nước thấp ổn định và lên xuống theo mùa. Nhưng nay, môi trường sinh thái đã biến đổi, việc đắp đập lấy nước tưới khiến mực nước trong khu phân bố khá cao, trồng lại rất khó khăn, không có chân đất cho rễ bám.
Ngay cả những cây nguyên thủy cũng không thích ứng kịp nên thoái hóa rất nhanh. Đây mới là giai đoạn trồng thử nghiệm, cần thêm thời gian để đánh giá chính xác môi trường tương ứng nhất với loại thủy tùng ghép này. Ngoài giá trị về kinh tế, thủy tùng còn có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường. Nếu trồng thử nghiệm thành công, loài cây này sẽ được đưa vào trồng ở nhiều hệ sinh thái khác nhau như hồ đập, bờ sông, rừng đầu nguồn… nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Song song với việc trồng thí nghiệm cây thủy tùng ghép do tiến sĩ Trần Vinh cung ứng, Khu bảo tồn còn ghép chồi thủy tùng với rễ thở của cây. Anh Nguyễn Văn Khương, Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ thủy tùng ở buôn Trấp Ksơr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, cho biết, hơn 10 mắt ghép trạm thử nghiệm đều sinh trưởng phát triển bình thường. Chúng trực tiếp hút chất dinh dưỡng từ cây mẹ nên độ thuần chủng đạt 100%. Tuy vậy, cũng cần thời gian để theo dõi, xem xét chúng có thích ứng được với môi trường nguyên thủy hay không.
Thủy tùng là loài cổ thực vật nên theo thời gian, môi trường sống thay đổi, cây bị thoái hóa cũng là lẽ thường. Thay vì cố chống lại quy luật tự nhiên, ta tập trung nhân giống bảo vệ chúng. Thành công bước đầu trong ghép chồi thủy tùng, chứng minh việc tạo ra các quần thể nhân tạo là điều không khó. Nếu trồng với số lượng đủ lớn, sinh cảnh phù hợp, thủy tùng hoàn toàn có khả năng tự thụ phấn, sinh sản bằng hạt. Vấn đề là cần có một dự án quy mô lớn cả về tài chính, con người, khoa học-kỹ thuật để cứu vãn thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu chậm trễ, e rằng ngay cả tìm chồi cây để nhân giống cũng khó, tiến sĩ Trần Vinh khẳng định.
Vẻ đẹp khó cưỡng của màu vân gỗ thủy tùng khiến loài thực vật cổ sinh này bị lâm tặc săn lùng ráo riết. Tại hai quần thể thủy tùng cuối cùng của thế giới còn sót lại ở tỉnh Đắk Lắk, suốt 4 thập kỷ qua không mọc được thêm một cây thủy tùng con nào. Điều đó thôi thúc giới khoa học tìm mọi cách giúp thủy tùng sinh sản nhân tạo...