TPO - Việc có hay không mối liên hệ giữa vi phạm ATTP ở trường Thanh Khương, Bắc Ninh với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán lợn thì theo Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong, tới nay chưa có cơ sở để khẳng định.
Trước thực trạng người dân Bắc Ninh đổ dồn về Hà Nội để xét nghiệm xem có nhiễm sán lợn hay không, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong rất chia sẻ với các phụ huynh ở Thuận Thành và cho rằng: "Tôi có con mà không có chuyên môn và trong điều kiện như vậy thì tôi cũng rất lo và làm như vậy...". Tuy nhiên, việc có hay không mối liên hệ giữa vi phạm ATTP ở trường Thanh Khương với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán lợn thì theo ông Phong, tới nay chưa có cơ sở để khẳng định. Bởi lẽ, thứ nhất, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Thứ hai, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.... Phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ, rất tiếc hôm nay đại diện của Tổ chức Y tế thế giới không thể tham dự do có cuộc họp quan trọng. Trước đó, khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã tham vấn thông tin từ đại diện Tổ chức Y tế thế giới, họ khẳng định “giun sán có ở mọi nơi”. Cũng theo ông Phong, không phải chỉ cháu nhỏ mà cả người lớn cũng có thể nhiễm sán. Qua điều tra dịch tễ, không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà nhiều tỉnh khác cũng có sán, giun, ký sinh trùng đường ruột. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… có điều kiện kinh tế, khí hậu như chúng ta thì việc tồn tại ký sinh trùng đường ruột, trong đó có sán là phổ biến. Do lo lắng cho sức khỏe của con em mình, hàng nghìn phụ huynh ở Bắc Ninh đã đưa con xuống Bệnh viện ở Hà Nội để khám và xét nghiệm xem có nhiễm sán lợn hay không. (Ảnh chụp tại Hội trường Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ ngày 15/3/2019) Còn theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), sán trưởng thành nằm trong ruột người, rồi đẻ ra trứng và xuất hiện trong phân người, nếu điều kiện vệ sinh kém, trứng sẽ nhiễm vào nguồn nước/rau, nếu rửa không sạch. Trứng từ đó vào cơ thể người nếu ăn rau sống, thức ăn nấu chưa chín, hoặc uống nước chưa đun sôi và tạo ra các ấu trùng. Ở lợn, ấu trùng có trong thịt (lợn gạo), còn ở người, ấu trùng tạo ra các nang có thể chạy vào não, cơ, mắt... Bệnh này phải sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau mới phát. Việc xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh. Nếu xét nghiệm máu dương tính cũng chỉ khẳng định là có phơi nhiễm ấu trùng, mà nhiễm ấu trùng là do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, chứ không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng. Để khẳng định do ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán (trưởng thành) thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không, lúc đó mới khẳng định các cháu bị bệnh sán trưởng thành, chứ không phải bị bệnh do nhiễm ấu trùng.
Từ trước đến nay xét nghiệm chẩn đoán sán lợn thường chỉ làm cho người có nguy cơ hoặc triệu chứng, như bệnh nhân bị động kinh không rõ nguyên nhân, hay bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, khi bị các nốt dưới da... thì phải làm xét nhiều xét nghiệm khác như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết,... để khẳng định, và xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Còn xét nghiệm hàng loạt thì chỉ áp dụng trong điều tra dịch tễ học, vì nếu phát hiện ca bệnh dương tính vẫn phải làm thêm các xét nghiệm khác để khẳng định có bị bệnh hay không để điều trị.
Vì thế, 209 cháu bị dương tính với sán lợn không có nghĩa 209 cháu đang mắc bệnh. Cần phải xem lại ở quần thể khác, như người lớn ở đó, hoặc các cháu học sinh ở tỉnh khác, rồi so sánh xem con số đó thực sự cao hay không rồi có các chuyên gia dịch tễ học phân tích tìm mối nguy cơ. Trường hợp các cháu ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, tức là chỉ phơi nhiễm với bệnh, thì không cần phải điều trị.