Chưa Tết đã gia tăng bệnh nhân ngộ độc rượu

Dịp giáp Tết, ngày nào Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cũng có bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. Ảnh: Như Ý.
Dịp giáp Tết, ngày nào Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cũng có bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. Ảnh: Như Ý.
TP - Dịp giáp Tết này, ngày nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng có bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, vào dịp trước và sau Tết, ngộ độc rượu cấp tính thường tăng 2-3 lần.

Tử vong vì rượu chứa cồn công nghiệp

Bác sĩ Nguyên lo ngại, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận. Trong đó phải nói đến những bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) nguy hiểm hơn rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận, rất dễ dẫn đến tử vong. Những trường hợp này, nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng ở não bộ.

Mới đây, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân N.Đ.T. (47 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim. Người nhà bệnh nhân cho biết, anh T. ăn cỗ cưới ở xóm nên uống rượu liên tục hơn 3 ngày. Khi bệnh nhân rơi vào trạng thái đau đầu, mờ mắt, tri giác lơ mơ, người nhà đưa thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã nỗ lực cấp cứu cho tim đập trở lại, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, điều trị rối loạn suy thận. 

Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu. Theo khuyến cáo, với nam giới lượng rượu nên uống một ngày không quá 50 ml loại rượu 39 – 40 độ, bia không quá 400ml. Còn nữ giới lượng chỉ nên bằng một nửa của nam giới.

Các bác sĩ cho hay dù được lọc máu, dùng các thuốc giải độc và sử dụng tất cả các máy trợ tim mạch ngay khi nhập viện nhưng kết quả đánh giá cho thấy bệnh nhân bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa nên gia đã xin đưa bệnh nhân T. về nhà.  Khi làm xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân này lên tới gần 300 mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc methanol).

Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị. Đáng nói số bệnh nhân tăng lên vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, tết, có ngày 2-3 ca cấp cứu. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc rượu cồn công nghiệp như bệnh nhân T.

Bác sĩ Nguyên lý giải, rượu cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu loại này có tác dụng tương tự như rượu thông thường (sản xuất từ cồn thực phẩm ethanol) nhưng vào cơ thể, cồn được chuyển hóa trở thành các a-xít gây tổn thương các tế bào đặc biệt là ở mắt, não gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác ở mắt nên gây mù vĩnh viễn. Với những bệnh nhân có biểu hiện như anh T. mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê thì đã nặng. Đó là nguyên nhân khiến bệnh nhân ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nếu không tử vong cũng hiếm có cơ hội hồi phục hoàn toàn mà sẽ chịu di chứng rất nặng nề: mù, mất trí nhớ. Rượu cồn công nghiệp dễ gây tử vong do gây sốc tụt huyết áp, tổn thương não…

Không lạm dụng chất giải rượu

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu vì không có một loại thuốc giải độc nào chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại. Trước thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic, thuốc giảm đau… để làm giảm đau đầu khi say, bác sĩ Nguyên cho biết, điều này dễ có hại cho gan vì Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá. Không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, cần phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng nhằm tránh hạ đường huyết. Trường hợp không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn rồi gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Chết vì nhậu tất niên

Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, những ngày qua tình trạng nhập viện do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia gia tăng, nhiều trường hợp nhập viện trong trạng thái mất kiểm soát, người lờ đờ, hay nói lung tung. Được người dân thuê taxi đưa đi cấp cứu  tại  Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng máu me chảy bê bết, quần áo xộc xệch, mặt sưng vù vào giữa đêm 15/1, anh N.V.B (28 tuổi, quê Long An) không biết mình ngã xe ở đâu và vì sao ngã. “Hơn tuần nay gần như ngày nào tôi cũng phải đi nhậu tất niên với bạn bè, đồng nghiệp để chia tay nhau về quê ăn tết. Nhậu ở quán xong cả nhóm rủ nhau đi hát karaoke rồi về đi tăng ba. Đến nửa đêm về thì người lịm đi lúc nào không hay”, anh B. nói.

Tối 12/1, anh L.T.V. (28 tuổi, quê Cần Thơ) tự ngã xe dẫn đến tử vong sau chầu nhậu tất niên tại cơ quan. Chị N.T.H. (vợ anh V.) cho biết, chiều cùng ngày anh V. đi ăn tất niên tại cơ quan ở khu công nghiệp VSIP 1, tỉnh Bình Dương. Đến gần 20h tan tiệc, anh lên xe máy tự chạy về nhà với vợ con, đến trước cổng khu công nghiệp VSIP thì tự ngã, đầu đập xuống đường. Nghe tin gia đình chạy đến thì anh đã tử vong.      

Ngô Bình

MỚI - NÓNG