“Dự án đó có từ lâu rồi. Vị trí ấy để hoang lâu rất mất cảnh quan, Sở ủng hộ phương án xây dựng một công trình công cộng, nhất là công trình gắn với văn hóa. Vì thiết chế đó nằm ngoài di tích, Sở không can thiệp được, nhưng Sở ủng hộ chủ trương này. Miễn sao về mặt kiến trúc đảm bảo hài hòa cảnh quan Hồ Gươm”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội nói.
Khu đất ở vị trí đắc địa vẫn được quây tôn kín bưng, nằm sát di tích quốc gia đặc biệt, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, năm 2010 định xây công trình làm trụ sở Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm, nhưng sau đó có ý kiến của một số người dân thì dừng lại. Năm 2011, quận đã quyết định chuyển mục đích thành công trình công cộng - Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm. Từ đó đến nay công trình vẫn chưa được triển khai tiếp.
Quanh khu vực phố cổ Hà Nội cũng có những địa chỉ thông tin, văn hóa Hà Nội. Việc xây dựng thêm một công trình như thế này liệu có hợp lý? “Thiết chế văn hóa như thế có rồi, nhưng lúc nào cũng thiếu. Hà Nội xưa các cụ còn làm cho chúng ta rất nhiều thiết chế văn hóa-Đông Đô, rạp tháng Tám, Kim Đồng. Bây giờ mình làm được thêm gì thì phải mừng cho ngành chứ”, ông Tô Văn Động nói thêm.
Mục đích của công trình này dành cho cộng đồng, tuy nhiên điều người dân và chuyên gia băn khoăn là thiết kế, việc thi công có tôn trọng cảnh quan hay không. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị nói rằng, trước đây Hội đồng kiến trúc xem xét dự án này rồi, có hai ba phương án được đưa ra, thậm chí qua thi tuyển đàng hoàng. “Nhưng tôi chưa biết họ xây dựng theo quyết định nào. Liệu quyết định ấy có chỉnh sửa theo ý kiến của chuyên gia chưa, nhất là sau hội thảo về bảo tồn Hồ Gươm vừa rồi đặt vấn đề rất mạnh, chẳng hiểu họ có lay động gì không”, ông nói.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, nếu mục đích công trình gắn với văn hóa, phục vụ cộng đồng có thể chấp nhận được, bởi đấy là không gian đi bộ. Tuy nhiên, ông chưa nhận được thông tin gì mới về chức năng và thiết kế của công trình này. Theo khẳng định của đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, chiều cao của công trình thấp dưới chiều cao cho phép là 16m, giảm diện tích xây dựng, tầng 1 có khoảng lùi để trồng cây xanh.
Tại hội thảo về bảo tồn Hồ Gươm tháng trước, GS Hoàng Đạo Kính phân tích, giá trị lịch sử và kiến trúc không có gì quá ghê gớm, nên đối xử với Hồ Gươm như một thực thể văn hóa sống động. Tuy nhiên, nhiều nhà kiến trúc không đánh giá cao một số công trình kiến trúc quanh Hồ Gươm xây tường rào nặng nề. Đại diện Sở VH-TT&DL cho rằng, Sở không có chuyên môn về kiến trúc, hy vọng các kiến trúc sư có phương án làm tôn thêm giá trị của di tích.
Điều khiến một số người dân và chuyên gia lo ngại, đó là việc chưa rõ hình hài của công trình này. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội có ý kiến, yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm công khai quy hoạch. Công chúng chờ đợi động thái minh bạch của cơ quan chức năng đối với công trình ở vị trí đắc địa, thu hút du khách quốc tế này.