Chưa hết dịch, đã chủ quan

Chưa hết dịch, đã chủ quan
TP - Đến hết ngày 9/1, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có văn bản chính thức công bố hết dịch, bởi nhiều chuyên gia còn e ngại về khả năng tái phát dịch. Nhiều nơi, người dân đã thả sức giết mổ, sử dụng sản phẩm gia cầm.

Đến nay, hai tỉnh cuối cùng là Hà Giang và Cao Bằng trong tổng số 21 tỉnh, thành phố từng có ổ dịch từ đầu năm đến nay đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 9/1, Bộ này vẫn chưa có văn bản chính thức công bố hết dịch, bởi nhiều chuyên gia còn e ngại về khả năng tái phát dịch cúm.

Sự e ngại đó là có cơ sở. Theo thực tế 2 năm qua, dịch cúm gia cầm ở VN có nguy cơ bùng phát mạnh vào tháng 1 và tháng 2. Nhiều chuyên gia còn lo, sau Tết sẽ xuất hiện dịch cúm trên người.

Đặc biệt, trong dịp Tết, người dân có thể sử dụng thịt và sản phẩm gia cầm, thủy cầm chưa được kiểm dịch, là nguyên nhân có thể làm tái phát dịch cúm.

Điều người dân băn khoăn nhất hiện nay là những điều kiện để được tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho biết, gia cầm đủ tiêu chuẩn được tiêu thụ phải được giết mổ tập trung, được tiêm phòng 2 mũi và có chứng nhận kiểm dịch.

Mới đây, Bộ đã ban hành thông tư; theo đó, địa điểm buôn bán gia cầm trong nội thành, nội thị phải được phép của UBND cấp có thẩm quyền, sau khi được thú y địa phương kiểm tra, xác nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, có biển ghi rõ: “Cửa hàng bán thịt gia cầm, địa chỉ, điện thoại”, gia cầm phải có dấu kiểm dịch.

Tuy nhiên, thực tế, với lực lượng chức năng khá mỏng (gồm thú y, QLTT…) của các địa phương, việc kiểm dịch tại các trang trại có thể thực hiện được nhưng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm dịch rất khó khăn.

Sau nhiều ngày lắng nghe, thấy đại dịch chưa xảy ra như khuyến cáo, người dân thả sức giết mổ và sử dụng thịt và sản phẩm gia cầm.

Ghi nhận ở một số tỉnh, thành

Hà Tây: Sáng qua (9/1), theo ghi nhận của PV Tiền phong, ở chợ cầu Mai Lĩnh (thôn Đồng Mai, Thanh Oai, Hà Tây), rất nhiều người dân tìm đến các quầy bán thịt gà để mua.

Anh Đàm Xuân Liêm, chủ một quầy bán thịt gà cho biết, sau thời gian dài nghỉ vì bị cấm bán, quầy hàng của anh và của nhiều người khác bắt đầu hoạt động trở lại hơn chục ngày nay.

Theo những người này thì gà bày bán tại chợ chủ yếu được thu mua trên địa bàn và đã được kiểm dịch, số ít còn lại mua của các Cty chế biến gà sạch ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết số gà hàng trăm con mỗi ngày được tiêu thụ tại chợ này không hề có dấu kiểm dịch. Khi được hỏi về nguồn gốc số gà trên, những người bán gà đều trả lời là mua của các Cty, nhưng tên Cty nào thì chẳng ai biết!

Thái Bình: Sau khi có thông tin cả nước đã khống chế được dịch cúm gia cầm, hoạt động buôn bán gia cầm tại 187 chợ nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh sôi động trở lại.

Tại các chợ: Sóc (xã Vũ Quý, Kiến Xương), Chùa (xã Đông Á, Đông Hưng), Bồng (Vũ Thư), An Ninh (Tiền Hải)..., gia cầm được bày bán công khai với giá 32 - 35.000 đồng/kg thịt gà ta, 17 - 18.000 đồng/kg thịt gà công nghiệp, tăng gấp hơn 3 lần so với thời điểm có dịch.

Đa số người dân không còn quan tâm gà đang bán có sạch hay không, đã kiểm dịch hay chưa.

Thanh Hóa: Một số quầy bán thịt và sản phẩm gia cầm tại các chợ lớn ở TP Thanh Hóa như Vườn Hoa, Trường Thi, Điện Biên, Tây Thành… đã rục rịch hoạt động trở lại.

Ngoài 4 cửa hàng bán gà sạch của Cty TNHH Phúc Thịnh (Hà Nội) và Cty TNHH Hoa Mai (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), tất cả các quầy hàng khác đều chưa được kiểm dịch.

Chưa hết dịch, đã chủ quan ảnh 1
Tại một cửa hàng bán vịt quay ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Tại chợ Vườn Hoa, sáng 9/1 có 3 quầy bày bán gà và trứng gà; tại chợ Trường Thi có 2 quầy... Mọi người bán đều nói gà sạch và đã được kiểm dịch; nhưng không ai chứng minh được.

Thừa nhận có tình trạng trên, Chi cục trưởng Quản lý thị trường Thanh Hóa còn cho biết thêm: Tỉnh dự định đến 15/1 mới cho phép mua bán thịt và sản phẩm gia cầm sạch trên toàn tỉnh. Việc người dân chủ quan khi ăn thịt gia cầm như mấy ngày qua rất có nguy cơ làm tái phát dịch cúm…

Hà Nội: Tại chợ Thành Công, chiều tối 9/1 đã có một số người lén lút bán gà không rõ nguồn gốc. Gà được đựng trong rổ, người bán vừa chào khách vừa quan sát, nếu thấy “động” thì chạy ngay. Dù vậy, nhiều người vẫn tranh nhau mua.

Đoạn đường Nguyễn Trãi, giáp chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân, buổi trưa và gần tối, gà làm sẵn chưa được kiểm dịch được bày bán ngay vệ đường…

Tuy nhiên cũng cần ghi nhận, tại một số chợ và siêu thị (như chợ Hôm, chợ Nguyễn Văn Tố, siêu thị Big C), gà sạch đang thu hút người tiêu dùng.

Nhân viên của Cty Phúc Thịnh chuyên bán gà sạch cho biết, sau dịch cúm, người dân đã bắt đầu có xu hướng thích ăn thịt gà. Gà sạch của Cty tại Big C và chợ Hôm bán khá chạy, mỗi ngày tiêu thụ 300 - 500 con.

TPHCM: Chợ Bình Chiểu (Thủ Đức) nằm gần khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) tấp nập nhất vào buổi chiều tối và kéo dài đến gần nửa đêm.

Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa - nhất là ngăn chặn tình trạng buôn bán thịt trứng gia cầm chưa qua kiểm dịch không được thực hiện thường xuyên như nhiều nơi khác.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 9/1, trong chợ có 2 điểm bán thịt gà làm sẵn và thu hút khá đông khách. Gà được người bán đựng trong thau, không được bọc ni-lon và ngụy trang khá kỹ trong mớ rau thịt ngồn ngộn. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên, người bán hàng vội dùng tấm bạt ni –lon đậy lại và … chửi té tát.

Trong khi đó, tại chợ An Khánh (quận 2), nhiều người bán giấu gà trong nhà và công khai chào mời người mua. Thỏa thuận giá cả xong, người mua sẽ được người bán cung cấp địa điểm giao hàng.

Một người bán cho biết số gà chào bán hầu hết là gà ta, gà Tam Hoàng thả vườn, được nuôi “bí mật” lấy từ quận 9 (Long Bình, Long Phước), các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cà Mau: Gia cầm vẫn chăn thả bình thường từ trung tâm TP Cà Mau đến các huyện nông thôn. Có quá nhiều văn bản của UBND tỉnh nghiêm cấm giết mổ, vận chuyển và chăn nuôi gia cầm nhưng tập quán của người dân cứ hoạt động tự do, rất khó kiểm soát.

Bạc Liêu: Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm nghiêm cấm mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm đến hết ngày 16/1 nhưng gia cầm đã xuất hiện khắp nơi. Các điểm bán sản phẩm chế biến từ gia cầm như cháo vịt, ca ri vịt, vịt quay… bày bán công khai.

Ngày 9/1, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù dịch cúm gia cầm đã tạm thời lắng xuống và một số tỉnh công bố hết dịch nhưng nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm vẫn rất cao.

Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng là mọi người chỉ nên sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch.

Khi chế biến gia cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, kính đề phòng dịch tiết của gia cầm bắn vào mắt, miệng, mũi. Gia cầm phải được nấu chín ở nhiệt độ cao trước khi ăn.

Thực tế hiện nay cho thấy qua công tác kiểm dịch các loại gia cầm nhiễm virus H5N1 rất lớn nên người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín các thực phẩm chế biến từ gia cầm.

TS Huấn cho hay, tuần tới, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ra khuyến cáo đối với người dân về việc sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm sau khi một số tỉnh công bố hết dịch cúm gia cầm. 

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.