Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng: Nhận một ngân hàng yếu kém là thách thức và cơ hội !

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 21/4, Ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK : VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua nhiều nội dung quan trọng như phân phối lợi nhuận, nhất trí sáp nhập nhận một ngân hàng yếu kém, tiếp tục hướng đến vị trí ngân hàng số 1 về lợi nhuận và tăng trưởng.

Phân phối chia cổ tức 21.680 tỷ lợi nhuận

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận có thể phân phối là 29.390 tỷ đồng, Vietcombank dự kiến trích gần 1.470 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích 2.939 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính và 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi...Sau khi trích lập các quỹ và điều chỉnh khác, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietcombank dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về định hướng kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính.

Một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023-2028 là: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12%-14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9%-10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10%-11%/năm.

Trên cơ sở kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, định hướng chủ đạo của Vietcombank cho giai đoạn 2023-2028 là hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030: Giữ vững vị thế số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng: Nhận một ngân hàng yếu kém là thách thức và cơ hội ! ảnh 1

Trên cơ sở chiến lược Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn 2030, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 9%; dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng và đang đợi cấp thẩm quyền phê duyệt.

Kiện toàn nhân sự mới

Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ cũ sẽ không tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Trước đó, ông Trương Gia Bình được bầu vào HĐQT Vietcombank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.Tại kỳ họp này, Vietcombank thực hiện bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023- 2028. Theo đó, ngân hàng nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 lên 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trước mắt, tại Đại hội lần này bầu 8 thành viên HĐQT với cơ cấu như sau: Bầu tái cử 6 thành viên gồm: Ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Hồng Quang (thành viên HĐQT).

Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng: Nhận một ngân hàng yếu kém là thách thức và cơ hội ! ảnh 2

Bên cạnh đó, Vietcombank bầu tái cử ông Shojiro Mizoguchi, thành viên HĐQT đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới. Ông Shojiro Mizoguchi là người đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài do cổ đông Mizuho đề cử.

Về thành viên độc lập, ông Trương Gia Bình, thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2018-2023, sẽ không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này theo nguyện vọng cá nhân.

Nhân sự thay thế là ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Ngoạn sinh năm 1958, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Viet Lotus.

Ông Ngoạn từng là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank (giai đoạn 2000-2007).

Nhận một NH yếu kém: thách thức và cơ hội

Trong kỳ đại hội năm trước, Đại hội đồng cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém, tới thời điểm hiện tại tên của tổ chức này chưa được công bố chính thức. Trả lời ý kiến của cổ đông (mã 137) về câu chuyện này năm nay, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: Theo quy định, Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng yếu kém yếu kém. Hiện phương án đã trình lên NHNN, Chính phủ và chờ phê duyệt. “Vietcombank xác định đây là một phần là trách nhiệm nhưng cũng cơ hội lớn bởi đã hoạt động ngân hàng thì phải lành mạnh, cạnh tranh nhưng cơ hội lớn khi Vietcombank cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN. Tuy nhiên, việc này chưa được đưa vào kế hoạch phát triển của Vietcombank vì chỉ khi nào có quyết định phê duyệt nhận chính thức chúng tôi mới đưa vào.”, ông Dũng nói.

Nói về kết quả kinh doanh quý 1 của ngân hàng, theo ông Dũng, Vietcombank xác định tập trung vào chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu, phải đảm bảo để thực hiện chiến lược 2025-2030. Tình hình kinh doanh quý 1/2023 Vietcombank xác định sẽ có nhiều thách thức. Tuy nhiên, ngân hàng đã đề ra định hướng để phát triển môi trường mới. “Hiện kết quả khả quan, đơn cử: tín dụng tăng hơn 2,5%, huy động vốn tăng hơn 3,2% (so với toàn ngành tín dụng 2,1%, huy động vốn 0,8%.) NIM có cải thiện tăng 0,04% so với 2022. Với kết quả như vậy lợi nhuận kinh doanh đạt hơn 11,250 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch 2023 .”, ông Dũng cho biết.

Một cổ đông (mã 7824) hỏi Vietcombank có hỗ trợ lãi suất kinh doanh cho khách hàng không? Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay: Vietcombank đã có chương trình hỗ trợ lãi suất khách hàng tổng quy mô dư nợ 50-60% với khách hàng hiện hữu. “Hiện Vietcombank cũng đã triển khai chương trình lãi suất để hạ tiếp sau thời điểm 1/5. Mặt bằng lãi suất cho vay đã liên tục giảm đến nay đã giảm 2% cho khách hàng cá nhân và tổ chức để tiếp cận chi phí hợp lý hơn. Ngoài ra còn chương trình giải ngân dư nợ đã lên đến 10.000 tỷ đồng”.

Nói thêm về kế hoạch chia cổ tức, Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết: Vietcombank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1% trong tháng 5/2023. Chương trình thứ 2 là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền. Về nội dung phân phối lợi nhuận năm 2022, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại là hơn 21.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin, Vietcombank đã đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao năm 2022. Trong đó, tổng tài sản đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021, đạt 119% kế hoạch. Dư nợ tín dụng đạt 1,16 triệu tỷ đồng và tổng huy động vốn đạt 1,26 triệu tỷ đồng.

Vietcombank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ xấu nội bảng là 7.820 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,68%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 24.779 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 317%, cao nhất ngành ngân hàng.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 37.368 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 và vượt kế hoạch năm 2022 do ĐHĐCĐ giao (tăng tối thiểu 12%), tiếp tục là ngân hàng có quy mô lợi nhuận dẫn đầu thị trường.

Quy mô vốn hóa thị trường của Vietcombank đạt xấp xỉ 16,5 tỷ USD, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam, lọt vào nhóm 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

MỚI - NÓNG