Sáng 27/7, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).
Nén đau đớn chinh phục tri thức
Tại chương trình, các cá nhân từng cống hiến thời thanh xuân cho Tổ quốc đã sẻ chia những câu chuyện chiến đấu quên mình và phấn đấu dựng xây gia đình, địa phương, đơn vị khi đất nước hòa bình, thống nhất.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Ngưỡng – người từng tham gia 22 trận chiến lớn nhỏ, 5 chiến dịch lớn ở các chiến trường miền Nam – cho biết khi còn đang học lớp 3 ở quê nhà Nghi Lộc (Nghệ An) đã chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ với những âm mưu, sự tàn phá khốc liệt của quân thù. Trước cảnh quê hương khói lửa đạn bom và với lòng căm thù giặc, ông xung phong đi bộ đội khi chỉ mới 16 tuổi, giấu gia đình đến phút cuối trước ngày lên đường. “Ngày đó mặc cho phía trước có nhiều gian khổ, hy sinh nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường vào Nam chiến đấu. Tôi tự hào với con đường mình đã chọn”, ông Ngưỡng khảng khái.
Nhìn lại những đóng góp của các thế hệ đi trước, người cựu chiến binh già mong mỏi các bạn trẻ nỗ lực học tập, lao động, thể hiện tấm lòng yêu Tổ quốc và góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh theo di nguyện của Bác Hồ.
Thương binh Dương Đình Tấu (giữa) chia sẻ câu chuyện vươn lên của mình. Ảnh: Ngô Tùng |
Để cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi, ông Dương Đình Tấu (thương binh hạng 3/4) đã gửi lại một phần xương máu trên chiến trường. Ông cho biết, trong chiến tranh ông bị thương 8 lần và 6 lần lên bàn mổ. Rồi sau đó khi tham gia làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, ông mất đi một chân. “Bị mất 61% sức khỏe, tôi không trông chờ sự trợ cấp của Nhà nước, nhớ lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế” tôi nỗ lực học tập, vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường”, ông Tấu bộc bạch.
Vượt qua những đau đớn, khó khăn do thương tật, ông Tấu đã trau dồi và có 2 bằng đại học và có tay nghề bác sĩ thú y.
"Tri ân nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ..."
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người ông xem là “nhân vật chính” của buổi họp mặt: các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các Anh hùng lao động, tướng lĩnh, sĩ quan, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp mặt. |
Ông Phan Văn Mãi thăm hỏi sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng. |
Ông nhấn mạnh đây là những tấm gương để lãnh đạo thành phố được trao truyền, được tiếp bước. Đồng thời, thành phố cũng trân trọng và mong muốn những việc này sẽ được lan tỏa ở cơ sở trong công việc hằng ngày cũng như trong công tác thực hiện chính sách, đền ơn đáp nghĩa.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân thành phố đã nỗ lực trong công tác thực hiện chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa, với nhiều cách làm sáng tạo. Công tác này đã được các tổ chức, cá nhân tham gia, đặc biệt trong đó có cả những người thụ hưởng chính sách.
“Có những người được hưởng chính sách nhưng cũng đi giúp những người hưởng chính sách khác. Việc này thể hiện tinh thần đồng chí, đồng đội, tương thân tương ái, thể hiện rõ tinh thần nhân văn trong truyền thống của dân tộc”, ông Mãi nhấn mạnh và cho rằng điều đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách và cũng làm cho thành phố trở nên văn minh, đáng sống hơn.
Lãnh đạo TPHCM tặng hoa, quà tri ân những người có công với cách mạng. |
Từ nhận thức “làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ, làm nhanh bao nhiêu cũng chưa kịp” trong công tác chăm lo gia đình chính sách, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân trực tiếp làm công tác này phải nỗ lực nhiều hơn, làm nhiều hơn, nhanh hơn.
Đồng thời công tác này cũng phải lan tỏa rộng để nhận được sự tham gia nhiều hơn của các các tổ chức, cá nhân nhằm mục tiêu ngoài có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn thì còn để tiếp nối truyền thống, lan tỏa các giá trị đẹp.
“Tôi đề nghị từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan kiểm điểm lại xem ở thành phố mình đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước còn trường hợp nào đáng được hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng không. Còn gia đình chính sách nào còn khó khăn về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, phương tiện sống cần thiết, con em còn khó khăn trong việc học, việc làm cũng như những khó khăn, vướng mắc khác không?”, ông lưu ý và nói việc này cần tập trung cao.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao quà tri ân đến những tấm gương đã cống hiến một thời thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc. |
Thế hệ kế tiếp khắc ghi và đền đáp những sự hy sinh xương máu của các bậc tiền bối cho dân tộc được hòa bình, độc lập và tiến bộ. |
Bạn trẻ tri ân các thế hệ đi trước bằng những phần việc thiết thực. Ảnh: Ngô Tùng |