Chủ tịch nước Trần Đại Quang: 'Quản lý, sử dụng nợ công chưa hiệu quả'

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri quận 4, TPHCM.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri quận 4, TPHCM.
TPO - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam không nằm trong nhóm nước có gánh nặng nợ công cao nhưng việc quản lý sử dụng nợ công hiện nay vẫn chưa hiệu quả.

Sáng nay, 2/8, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (TPHCM) đã tiếp xúc với cử tri quận 4 báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình nợ công ngày càng tăng cao, rất nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Cử tri Thân Trọng Hoa (phường 2) lo lắng: “Chính phủ đã có biện pháp gì để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ như đã từng xảy ra ở Hy Lạp”.

Cảm ơn các đại biểu, cử tri đã tín nhiệm, tiếp tục bầu giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 -221, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Nợ công đang là vấn đề quan tâm của cử tri cả nước và rất hệ trọng đối với phát triển bền vững của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, nợ công trong những năm qua tăng nhanh và điều này cần phải công khai minh bạch báo cáo với cử tri. Từ 51,7% GDP năm 2010, nợ công đã tăng lên, chiếm 60,3% GDP vào cuối 2014 và đến cuối năm 2015 thì đã chiếm 62,2% GDP.

Hiện nay áp lực trả nợ ngày càng lớn. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp năm 2015 bằng 8,4% ngân sách nhà nước và nếu tính cả trả nợ gốc thì chiếm trên 26%. Chi trả nợ giai đoạn 2011 -2015 đã gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 -2010 và dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017, 2018.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết đánh giá của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế thì Việt Nam không nằm trong nhóm nước có gánh nặng nợ công cao nhưng quản lý và sử dụng nợ công chưa hiệu quả. Hiện nay, rủi ro nợ công phụ thuộc vào những yếu tố chính như tốc độ tăng trưởng GDP, lãi suất, lạm phát, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối quốc gia. Trong những năm tới, những yếu tố này cần được kiểm soát tốt hơn để giảm thiểu rủi ro về nợ công.

“Với tư cách là Chủ tịch nước, là người ký các hiệp định vay nợ nước ngoài, tôi nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Vừa qua, chúng tôi yêu cầu kiểm toán nhà nước kiểm toán việc chi tiêu các khoản vay nước ngoài, trong đó có cả vốn ODA, xác minh chi tiêu có cần thiết không, cái gì phải vay, mà vay thì phải tính trả bằng cách nào, có hiệu quả hay không… Làm sao phải kiểm soát tốt, giảm thiểu các rủi ro, xử lý hiệu quả, an toàn nhất”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG