Cùng dự lễ Đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam còn có: ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; cùng lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương. Tham dự còn có ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng các đại diện một số cơ quan ngoại giao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. |
Lễ đón bằng di sản Then do UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo và nghệ nhân 11 tỉnh có di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Hàng nghìn người dân cũng đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành chứng kiến khoảnh khắc bằng ghi danh di sản Then được trao tới tay cộng đồng thực hành ở 11 tỉnh phía Bắc.
Màn ra mắt ấn tượng của đại diện nghệ nhân 11 tỉnh sở hữu di sản Then ở phía Bắc. |
Sân khấu lễ đón nhận bằng ghi danh di sản Then được dựng ngay dưới chân tượng đài Bác Hồ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Mở đầu chương trình, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang kết hợp biểu diễn cho màn ra mắt ấn tượng của nghệ nhân thực hành nghi lễ Then đến từ 11 tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.
Tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại buổi lễ. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nói rằng, sau hai năm lỡ hẹn vì COVID-19, lễ đón nhận bằng ghi danh di sản lần này là dịp tôn vinh di sản Then, là dịp để ghi nhận công lao đóng góp của cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.
Lễ đón nhận di sản được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động văn hoá của tỉnh Tuyên Quang, trong đó Lễ hội Thành Tuyên-lễ hội Trung thu đặc sắc, riêng có, đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cam kết cùng lãnh đạo 10 tỉnh có di sản Then thực hiện cam kết để bảo tồn và phát huy di sản Then.
Trưởng Đại diện UNESCO Việt Nam trao bằng ghi danh di sản Then. |
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trao bằng Thực hành di sản Then cho ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Hai lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao trao bằng chứng nhận và tặng hoa cho đại diện nghệ nhân 11 tỉnh có di sản Then.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ đón bằng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, việc Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam. Thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết của các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần làm phong phú thêm văn hóa, văn minh nhân loại.
“Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, được dùng trong những sự kiện trọng đại, phản ánh quan niệm về con người và thế giới; thể hiện khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, bình an, tạo dựng niềm tin để mọi người vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Văn hóa đã góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái; đồng thời giáo dục đạo đức, lối sống, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng ghi nhận sự đóng góp rất quan trọng của các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy các loại hình sinh hoạt và nghi lễ Then, để di sản ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng trong đời sống. Việc ghi danh này chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho Việt Nam, góp phần giới thiệu văn hóa và hình ảnh đất nước với du khách quốc tế.
“Việc ghi danh giúp cộng đồng ở 11 tỉnh có di sản nhận thức đầy đủ hơn về di sản Then trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự phát triển văn hóa, du lịch của đất nước”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sân khấu đón bằng di sản Then được dựng lên trong Quảng trường Nguyễn Tất Thành, dưới chân tượng đài Bác Hồ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. |
Chủ tịch nước đánh giá, điều đáng mừng là các địa phương đưa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản Then vào nghị quyết nhiệm kỳ này, nhiều tỉnh có các hành động tích cực và thiết thực bảo tồn và phát huy di sản, trong đó có việc đưa hát Then vào trường học, xuất bản sách về di sản.
Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh có di sản Then cần quan tâm hơn nữa, chung sức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chứa đựng những giá trị nhân văn rất sâu sắc và độc đáo này, để điệu Then còn ngân vang mãi.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart chia sẻ lí do ghi danh di sản: Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... thông qua điệu hát và chơi đàn tính.
Di sản Then gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. “Đây là sự ghi danh xứng đáng. UNESCO ghi nhận sự cam kết của Việt Nam và nghệ nhân bảo tồn và phát huy di sản Then”, ông Christian Manhart nói.
Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư tỉnh Tuyên Quang đại diện cho 11 tỉnh có di sản Then tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cam kết chung tay đồng hành thực hiện tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy di sản Then để di sản có sức sống bền vững, lan tỏa trong đời sống.
Tiếp nối phần lễ đón bằng di sản là chương trình nghệ thuật Để điệu Then còn mãi do UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo, Sở VHTTDL Tuyên Quang thực hiện.
Khán giả được thưởng thức những tiết mục sân khấu hóa hoành tráng tái hiện những nghi lễ Then, điệu then tiêu biểu của các cộng đồng sở hữu di sản.
Lực lượng hùng hậu các thầy Then, nghệ nhân, diễn viên từ các tỉnh có di sản đã trình diễn những câu hát, giai điệu đàn tính, trang phục độc đáo của các dân tộc. Nghệ thuật độc đáo, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của các đồng bào dân tộc hòa quyện trong chương trình Để điệu Then còn mãi.
Một số hình ảnh đặc sắc trong lễ đón nhận bằng ghi danh di sản Then:
Chương trình Để điệu Then còn mãi được dàn dựng công phu. |
Then là sự hòa quyện của nghệ thuật diễn xướng và văn hóa tâm linh. |
Nhiều tỉnh thành đã đưa di sản Then vào trường học. |
Bên cạnh ngôn ngữ có chiều sâu, đàn tính góp phần làm nên di sản Then. |
Lễ đón nhận di sản Then được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội thành Tuyên độc đáo. |