Phát hiện, dấn thân
Tối 24/10, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020. Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020 tối 24/10. Ảnh: Như Ý |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao giải Đặc biệt cho nhóm tác giả báo Nhân dân với tác phẩm: “Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình". Ảnh: Như Ý |
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả có tác phẩm đạt giải A. Ảnh: Như Ý |
Theo Ban tổ chức, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020 có 114 đơn vị cấp hội và 190 tác giả không phải là hội viên (cộng tác viên) tham dự 11 loại giải, trong đó có 51 đơn vị liên chi hội và chi hội trực thuộc. Đặc biệt, năm nay, toàn bộ 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Điều này cho thấy các cấp Hội và hội viên trong cả nước ngày càng quan tâm đến Giải Báo chí quốc gia.
Theo đánh giá, các tác phẩm tham dự giải đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 75 năm Ngày thành lập nước và nhiều sự kiện, chủ đề lớn khác.
Nhà báo Tạ Thu Trang, báo Tiền Phong thay mặt nhóm tác giả nhận giải B cho tác phẩm "Ý Đảng, lòng dân trong nhiệm kỳ Đại hội XII". Tác phẩm gồm 5 bài của nhóm tác giả Nguyễn Văn Dũng (Nguyễn Dũng), Hồ Như Ý (Nhật Minh), Tạ Thu Trang (Thu Trang), Nguyễn Thanh Hằng (Thanh Hằng), Vũ Quốc Hùng (Quốc Hùng). Ảnh: Như Ý |
Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, tiếp tục đi sâu phản ánh các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững, an ninh năng lượng, kinh tế xanh. Các tác phẩm dự giải có đề tài phong phú, phản ánh trung thực, kịp thời, toàn diện các sự kiện thời sự của đất nước, như: đại dịch COVID-19; lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung…
Theo Hội đồng chung khảo, các tác phẩm dự giải năm nay có chất lượng đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn giữa các tác phẩm của cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Nhiều bài báo có tính phát hiện tốt, thể hiện sự dấn thân của nhà báo, đặc biệt là những bài viết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những sai phạm trong quản lý đất đai, nạn xã hội đen... Nhiều tác phẩm có hình thức thể hiện hiện đại với các thể loại mới, như: Megastory, E-magazine, Longform, Infographic...
Nhà báo Phạm Đình Thắng (báo Tiền Phong) thay mặt nhóm tác giả nhận giải C cho tác phẩm "Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?". Tác phẩm gồm 4 bài của nhóm tác giả Phạm Đình Thắng (Đình Thắng), Nguyễn Vũ Long (Vũ Long), Lê Văn Tiền (Tiền Lê). Ảnh: Như Ý |
Giải năm nay có 150 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí được lựa chọn từ 1.823 tác phẩm vào vòng chung khảo. Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã chọn được 1 giải Đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải Khuyến khích. Đây là lần đầu tiên sau 15 năm tổ chức, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia quyết định trao giải Đặc biệt. Đó là tác phẩm "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình" của Báo Nhân Dân.
Đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của T.Ư Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu, về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch... Báo chí trên nhiều phương diện, đã là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình” như lời Các Mác đã nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời gian tới, báo chí cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của T.Ư (mới đây nhất là Hội nghị T.Ư lần thứ tư), các chính sách, pháp luật của nhà nước, phổ biến rộng rãi, kịp thời quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng chống dịch trong tình hình mới; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch, trong lao động sản xuất, trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc.
Cùng với đó, tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội, nhất là trong cán bộ đảng viên.
“Lực lượng báo chí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân; chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch, chống phá Đảng, nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta; không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu của những tư tưởng sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội cũng như trong đời sống và mặt trái của kinh tế thị trường. Đảng, nhà nước luôn mong muốn và yêu cầu đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu phát huy và tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia;tuyên truyền sâu rộng để thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng với những tác giả và tác phẩm có giá trị xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện, có tác động xã hội sâu sắc...; tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch báo chí giai đoạn 2020 – 2025, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển, vững mạnh.
Báo Tiền Phong đạt 1 giải B và 1 giải C
Báo Tiền Phong đạt 1 giải B với tác phẩm Ý Đảng, lòng dân trong nhiệm kỳ Đại hội XII, gồm 5 bài của nhóm tác giả Nguyễn Văn Dũng (Nguyễn Dũng), Hồ Như Ý (Nhật Minh), Tạ Thu Trang (Thu Trang), Nguyễn Thanh Hằng (Thanh Hằng), Vũ Quốc Hùng (Quốc Hùng), và 1 giải C với tác phẩm Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?, gồm 4 bài của nhóm tác giả Phạm Đình Thắng (Đình Thắng), Nguyễn Vũ Long (Vũ Long), Lê Văn Tiền (Tiền Lê).
Ngoài ra, loạt bài báo viết 4 kỳ Quảng Trị: Đại dự án tâm linh bí hiểm của tác giả Phạm Xuân Dũng (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị) đăng trên báo Tiền Phong đoạt giải C Giải báo chí quốc gia.