Chủ tịch địa phương phải đi kiểm tra, không chỉ ngồi ở phòng làm việc

Ông Nguyễn Văn Sửu kết luận cuộc họp. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Văn Sửu kết luận cuộc họp. Ảnh: PV
TPO - “Đề nghị Chủ tịch quận, huyện, thị xã, xã phường thị trấn “không ngồi ở phòng làm việc”, phải trực tiếp đi kiểm tra, bởi nếu không đi kiểm tra thực tế thì không thể kiểm soát được tình hình”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu nói.

Ngày 1/9/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - phụ trách, điều hành hoạt động của Ban cán sự Đảng UBND và UBND thành phố chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 8/2020.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2020.

Theo đó, tháng 8/2020, thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu và phục hồi kinh tế. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tháng 8 tiếp tục tăng so với tháng 7. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, lũy kế 8 tháng đầu năm còn một số chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 3,4% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 4,1%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 261,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,37% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 1,92 triệu tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ tháng 8 ước đạt 51 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 370,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ.

Khách du lịch đến Hà Nội tháng 8 ước đạt 310.000 lượt, giảm 70,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ.

Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 179.191 tỷ đồng (bao gồm 20.145 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất dự kiến được gia hạn), đạt 64,3% dự toán, bằng 101,6% so với cùng kỳ.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng đầu năm nguồn vốn ngân sách địa phương mới chỉ đạt 35,4%. Nguyên nhân, ngoài việc ảnh hưởng của việc nghỉ Tết Nguyên đán và dịch COVID-19, tại các dự án còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đến ngày 30/8/2020, nguồn vốn linh hoạt cho công tác GPMB mới chỉ đạt 164/320 tỷ đồng, đạt 51,3%.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đồng thời phải thực hiện giải ngân song song kế hoạch vốn của năm 2020 và vốn 2019 kéo dài sang năm 2020, do đó cũng làm giảm tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020.

Đối với các dự án chuyển tiếp, các chủ đầu tư, ban quản lý còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục phát sinh (như điều chỉnh dự toán, điều chỉnh hợp đồng, phê duyệt khối lượng phát sinh,…).

Đối với các dự án khởi công mới, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi Kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán.

Một số dự án khởi công vào cuối năm 2019, đã tạm ứng hợp đồng từ vốn kế hoạch năm 2019, sang năm 2020 phải thực hiện hoàn trả khối lượng thanh toán tạm ứng theo quy định.

Những tháng cuối năm, Kho bạc Nhà nước Hà Nội thực hiện niêm yết công khai tỷ lệ giải ngân của từng dự án, từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án tại trụ sở Kho bạc thành phố và tất cả các Kho bạc quận, huyện để các chủ đầu tư theo dõi, đối chiếu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các quận, huyện đã hoàn thành Đại hội phải chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ nghiệm thu. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. “Riêng giải phóng mặt bằng, yêu cầu Chủ tịch 30 quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo”, ông Sửu nói.

Nhấn mạnh đây là giai đoạn nước rút, chỉ còn 4 tháng là hết năm, ông Sửu đề nghị tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách, bám vào chương trình công tác, rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, kế hoạch nhất là chỉ số cải cách hành chính. Ông Sửu cũng đề nghị Sở Nội vụ xem xét lại chỉ tiêu 2020 về xét tuyển, thi tuyển cán bộ công chức, viên chức.

Về mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp trên 4%, ông Sửu đề nghị vụ đông cần tập trung đẩy mạnh năng suất, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, đẩy nhanh đôn đốc các dự án xử lý nước thải; tiếp tục kêu gọi đầu tư 5 cụm công nghiệp.

Đặc biệt, nêu nguy cơ thành phố vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về dịch COVID-19, ông Sửu đề nghị các địa phương cần tiếp tục xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, nhất là không đeo khẩu trang nơi công cộng.

“Đề nghị Chủ tịch quận, huyện, thị xã, xã phường thị trấn “không ngồi ở phòng làm việc”, phải trực tiếp đi kiểm tra, bởi nếu không đi kiểm tra thực tế thì không thể kiểm soát được tình hình”, ông Sửu nói.

Ông Sửu cũng yêu cầu xử lý nghiêm vụ về vụ pate Minh Chay; tiếp tục tổ chức tốt công tác khai giảng năm học mới.

MỚI - NÓNG