Thời gian gần đây, nhiều chủ tàu tham gia chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng lo lắng và bức xúc khi tàu đến đăng kiểm bắt buộc phải gắn thiết bị định vị (hộp đen) và bộ đàm. Nếu không tàu không được đăng kiểm, đồng nghĩa không thể tiếp tục hoạt động.
Tích cóp được hơn 100 triệu đồng sau chục năm chạy tàu thuê, anh Hà Hoàng Vũ mua được chiếc tàu gỗ, tham gia vào đội ngũ chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng. Đây cũng là nghề chính của anh để nuôi vợ con.
Với anh Vũ, việc bỏ ra 22 triệu đồng để sắm thiết bị cho tàu lúc này là khá lớn (hộp đen 17 triệu đồng và bộ đàm 5 triệu đồng). Trong khi các tàu chạy tuyến cố định hàng ngày trên đoạn sông ngắn, sông cũng chỉ rộng vài trăm mét, tàu chạy không quá tải, không quá số người quy định.
“Có chuyện cần liên hệ thì giơ tay ra dấu hoặc kêu to hay gọi điện thoại là nghe thấy hết, cần tới bộ đàm, hộp đen làm gì. Tàu thì hàng trăm chiếc, trong khi khách vẫn không tăng, thu nhập thấp mà còn bỏ ra chi phí vậy khó cho bà con quá” – anh Vũ nói.
Các chủ tàu trình bày với PV sáng 13/3. |
Về lịch trình hoạt động, các chủ tàu cho biết, hàng ngày tàu chở khách trên sông Cần Thơ, khởi hành từ bến Ninh Kiều đến tham quan chợ nổi Cái Răng (khoảng 7 km), thời gian hoạt động từ 5 - 9 giờ sáng là kết thúc, quay về bến đậu.
Đa phần các tàu chỉ chạy 1 chuyến/ngày, với giá từ 400.000 - 500.000 đồng (hoặc nhiều hơn, tùy tàu). Sau khi trừ chi phí bến bãi, thuê tài công…, chủ tàu kiếm được bình quân khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
"Tôi đã lắp thiết bị cho 3 chiếc tàu, tốn hết 66 triệu đồng. Giờ muốn chạy thì phải lắp chứ không thì thất nghiệp biết làm sao..." - bà Trần Kim Gương (chủ tàu) cho hay.
Tàu du lịch đậu tại bến Ninh Kiều. |
Có thực sự cần thiết?
Mỗi chiếc tàu chở khách tham quan chợ nổi có trị giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng, được trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn, khách mặc áo phao thì tài công mới xuất bến.
“Lắp hai thiết bị này tốn kém mà không cần thiết, gây khó cho bà con. Các thiết bị này chỉ cần thiết và phù hợp với tàu chở khách ra các đảo hơn là trong sông rạch nhỏ hẹp ở miền Tây” – ông Tâm (54 tuổi, có hàng chục năm chạy tàu chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng) nói.
Theo các chủ tàu, số lượng thương hồ, ghe thuyền tại chợ nổi Cái Răng hiện nay giảm nhiều so với trước đây. |
Theo các chủ tàu, mấy năm vừa qua dừng hoạt động do dịch COVID-19, hiện mới trở lại làm ăn được thời gian thì lại gặp phải quy định này, trong khi chợ nổi thì ngày càng vắng thương hồ, ghe thuyền, du khách cũng không tăng nhiều nên dân chạy tàu gặp khó khăn.
“Thiết bị này thực sự không giúp ích gì cho bà con chúng tôi, bởi tàu chỉ chạy đoạn sông ngắn, đông người, nếu có gì thì chỉ cần kêu lên hay gọi điện cho nhau là xử lý được rồi. Gắn cái này mỗi năm phải đóng 1,5 triệu tiền phí hòa mạng, rồi không dùng đến nơi thì gắn làm gì. Chúng tôi mong muốn giảm bớt được cái nào đỡ cái đó, để còn duy trì hoạt động, góp phần phát triển du lịch cho thành phố và bảo tồn chợ nổi nữa chứ” – một chủ tàu nói.
Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL. |
Lãnh đạo một trung tâm kiểm định phương tiện, thiết bị giao thông thủy tại Cần Thơ cho biết, theo quy định, đối với phương tiện chở khách 12 chỗ trở lên phải trang bị hộp đen, còn tàu từ 20 chỗ trở lên phải gắn hệ thống máy bộ đàm.
“Chi phí lắp đặt cao trong khi bà con chạy tàu đều khó khăn nên thời gian qua chúng tôi chỉ nhắc nhở, ai có điều kiện thì trang bị. Thật sự các thiết bị này phù hợp với tàu, thuyền chở du khách trên biển, ra các đảo… Còn điều kiện thực tế ở chợ nổi Cái Răng cũng như sông rạch ở miền Tây thì không cần thiết lắm” – vị này nói.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT Cần Thơ, hiện sở chưa nhận được phản ánh của người dân về vấn đề trên. "Khi nhận được sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra, xác minh, xử lý nếu trong phạm vi thẩm quyền, còn nếu vượt thẩm quyền thì kiến nghị lên cấp trên..." - lãnh đạo này cho hay.