Quen, cho nên không băn khoăn xem nó có vấn đề gì về chính tả hay không.
Thực ra, truy về gốc gác của từ, những từ ấy được viết hoa như sau: thuốc Tây, thuốc Bắc, quần Âu.
Thuốc Tây, thuốc Bắc là những dược phẩm có nguồn gốc từ phương Tây phương Bắc, để phân biệt với thuốc Nam bản địa. Còn cái quần Âu (quần Tây) chính là trang phục quần hai ống, dùng dây lưng, cài cúc hoặc kéo phéc mơ tuya như hiện nay. Nó khác với cái quần ta ống rộng thùng thình dùng dây chun dây vải hoặc các loại dây khác.
Vậy những từ Tây, Bắc, Âu trong những khái niệm ấy, ban đầu vốn là danh từ riêng, bây giờ vẫn là danh từ riêng, nhưng theo thời gian, được dùng nhiều, dần dần chúng được hòa nhập vào những ngữ cảnh bình thường, được xóa nhòa ranh giới phân biệt, được bình đẳng trong hệ thống ngôn ngữ chung. Từ những chữ cần viết hoa, chúng có thể chuyển sang chữ thường một cách tự nhiên.
Cũng thế là những từ: hằng hà sa số, chú khách, giặc bên ngô.
Người ta truyền tụng Hằng hà sa số, tức là nhiều như số lượng cát của sông Hằng, dòng sông thiêng tận bên xứ Ấn Độ. Tôi đã thấy có người viết là hằng hà vô số, viết vậy là không hiểu nghĩa của từ.
Chú khách là chỉ những ngoại kiều từ phương Bắc đến. Người đến ngụ cư, ăn nhờ ở đậu, tha phương cầu thực, được gọi cho nhã là khách. Thực ra chữ khách ở đây mang nghĩa trung lập, không nhạt nhẽo nhưng cũng không mặn mà. Tuy vậy khi xướng lên là chú Khách thì vẫn thấy xa xôi lạnh nhạt thế nào. Lại nữa, cái nạn ngoại xâm phương Bắc, có thời gọi là Ngô (như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi) gây ra thảm họa bao đời. Từ đấy mà xuất hiện một câu tục ngữ có phần ngoa ngôn: giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng.
Những khái niệm chú khách, giặc bên ngô, giờ đây cũng đã có thể viết như chữ thường, tính chất danh từ riêng đã ẩn đi mà thành danh từ chung.
Bản tính con người, cái gì hay cái gì tốt thì vơ hết vào cho mình, cái gì xấu thì đổ riệt sang cho người khác. Nhà thơ Việt Phương có hai câu thơ được trích dẫn nhiều: “Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày / Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”, tất nhiên còn có hàm ý khác. Còn ở chỗ đùa vui với nhau, chúng tôi có khi nhặt ra được những khái niệm đã thành bình thường, mà không cần phải viết hoa nữa, như thế này:
Ghẻ tàu, hắc lào, gió lào.
Cái bệnh sưng mẩn, ngứa ngáy khó chịu, chắc phải là từ bên Tàu sang. Một bệnh ngoài da khác, thì chắc đã tràn qua biên giới miền Tây mà đến. Cơn gió nóng hầm hập làm khô cây cỏ, làm héo cả người, cũng là từ bên Lào sang.
Còn nữa: hồng xiêm, vịt xiêm, rô phi, trê phi.
Quả hồng không đỏ tươi mũm mĩm mà màu xám xỉn, vậy thì nó không phải là hồng ta mà là hồng của bên Xiêm. Con ngan mào đỏ gay gắt, tính khí hung tợn, vậy nó không phải là vịt ta mà là vịt Xiêm. Con rô Phi trê Phi thịt cũng không đậm không thơm như rô ta trê ta.
Cái gì không đẹp không ngon, chắc là đồ của các xứ bên ngoài. Tất nhiên, truy nguyên thì những khái niệm viết hoa ấy rất có thể khởi nguồn từ bên ngoài thực sự.
Nhưng cũng là tính cách chưa ổn của người Việt: cái gì xấu đổ hết đẩy hết ra ngoài. Con chuột chết tất nhiên không thể để yên nó trong góc nhà mình, nhưng không vứt vào thùng rác mà ném ngay ra đường, miễn là nó không còn ở trong nhà nữa. Ngồi ăn trong quán, chỉ cần giữ cho cái mặt bàn của mình sạch, còn thì ném vỏ chanh và giấy lau xuống dưới gầm bàn, xa mình ra, miễn là mắt mình không còn phải thấy.
Đúng kiểu hắc lào ghẻ tàu.