Chu du nón lá Việt

Những người Pháp gốc Việt trên cánh đồng Noyant d’AllierẢnh: TH
Những người Pháp gốc Việt trên cánh đồng Noyant d’AllierẢnh: TH
TP - Giữa trưa hè hừng hực nắng, những chiếc nón Việt nhấp nhô trên đồng lúa; xa xa một chiếc lán tre xiêu vẹo. Hình ảnh ngỡ như ở Việt Nam, nhưng thực tế lại ngay trên đất Pháp thế kỷ 21.

Noyant d’Allier là một làng nhỏ thuộc vùng Auvergne ở miền trung nước Pháp, có nửa dân số gốc Đông Dương. Trước kia, chốn đồng quê này là vùng mỏ cũ bỏ hoang. Năm 1954, theo Hiệp định Genève, nhiều gia đình Pháp gốc Việt được đưa về đây để định cư. Hơn 70 năm trôi qua, nhưng các thế hệ nối tiếp vẫn mang đậm nét truyền thống Việt.  Họ đội nón đi làm đồng như ở Việt Nam. Đại đa số là con lai, nhiều người đội nón tham gia lễ hội, đón Tết truyền thống. Nón lá gợi nhớ quê hương Việt Nam thời ông cha họ từng sinh sống.

Nón lá có từ lâu đời ở Việt Nam, gắn liền hình ảnh tần tảo, mềm mại của người phụ nữ Việt. Hàng Nón ở khu phố cổ Hà Nội từng là nơi làm và bán các loại nón. Khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đổi tên phố qua tiếng Pháp "Rue des chapeaux" nhưng vẫn mang nghĩa phố hàng nón. Phố không dài, khoảng 216m, chạy từ phố Hàng Quạt đến phố Đường Thành. Khi mới đến Việt Nam, người Pháp đã ghi chép và chụp hình các loại nón của đội lính cận vệ vua triều Nguyễn. Từ thời các cố đạo phương Tây qua truyền đạo thế kỷ 16 đã thấy người Việt đội nón đi làm đồng ở khắp nơi. Vì thế, khi minh họa người Việt thời Đông Dương, các họa sỹ Pháp thường minh họa người gánh gồng đội nón. Trong tem thời Đông Dương năm 1942 cũng minh họa lính đội nón.

Chu du nón lá Việt ảnh 1

Nhà hàng Nón Lá ở Sydney, Úc.

Ngày nay, khi giao lưu văn hóa, để chứng minh họ hiểu biết truyền thống văn hóa Việt, các đoàn văn công nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn thường đội nón, mặc áo dài. Chữ nón là gốc tiếng Việt cổ, không phải từ tiếng Hán. Điều này cũng chứng minh nguồn gốc lâu đời của nón ở Việt Nam. Ảnh hưởng văn hóa của các nước láng giềng trong quá trình giao lưu văn hóa là chuyện thông thường. Tất cả đều vươn lên chân thiện mỹ. Đẹp và tiện lợi là khát vọng của mọi người. Nhiều nước châu Á có mũ nón, nhưng nón lá hình chóp là hoàn toàn thuần Việt.

Tiền thân

Trên trống đồng Ngọc Lũ, hay thạp đồng Đào Thịnh, trống Đông Sơn từ 2.500-3.000 năm trước công nguyên cũng khắc chạm hình người đội lá. Khi đó, thứ họ đội trên đầu chưa phải là nón như ngày nay. Đó chỉ là hình thức ngụy trang của người Việt cổ sống trong rừng núi, muốn trà trộn với cây cối khi đi săn để dễ bề săn bắt. Chiếc lá trên đầu dần dần được làm đẹp có tính mỹ thuật cao hơn, thể hiện ước mơ bay được như chim, và để giải thích nguồn gốc dân tộc từ con rồng cháu tiên. Công và một số loài chim đẹp có lông xòe trên đầu đã được chọn như biểu tượng quý. Rồng, chim là con vật trong trí tưởng tượng thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, bay cao, bay xa để tránh thú dữ, vươn tới mặt trời.

Chu du nón lá Việt ảnh 2

Cháu bé mang hai dòng máu Việt - Pháp dưới lán tre đợi mẹ ở Noyant d’Allier.

Khí hậu Việt Nam nóng bức, con người biết dùng lá sen, lá chuối, mo cau, tàn lá để che nắng mưa. Sau thấy thuận tiện, con người dùng các loại lá có sẵn trong thiên nhiên kết thành nón với các hình khác nhau. Ở Việt Nam có nhiều làng truyền thống làm nón (làng Chuông, làng Phú Cam, làng Sịa, làng Phú Châu…). Đặc biệt là nón Huế nổi tiếng thơ mộng làm say lòng bao thi sĩ. Nón Huế nhẹ, mỏng manh xếp dọc dài, như dãy núi trùng điệp, nếu treo lửng lơ, gió thổi nhẹ như sóng nhấp nhô, như núi non mơ màng xứ Huế. Nhiều nơi sau này còn lồng thơ trên nón. Lúc  giải lao, lúc buồn, lúc đợi chờ người yêu thấp thỏm dưới bóng cây, đọc thơ tình lãng mạn cho trôi thời gian.

Nón lá dày rất tiện dụng. Ở nông thôn, người đi làm đồng dùng làm gầu múc nước uống, rửa mặt, rửa chân tay, đựng hoa quả, rau hái dọc đường làm đồng, đi chợ về. Nón được dùng làm quạt mát giữa trưa hè. Nón còn được dùng đậy úp thức ăn tạm thời tránh ruồi muỗi. Người ta còn ngửa nón ra để cho bé ngồi tạm tránh côn trùng…

Kỳ công

Để làm một cái nón đẹp, vành tròn to nhỏ, cách đều nhau, nhỏ dần đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo. Để đường kim mũi chỉ thẳng đẹp là cả một kỳ công. Người làm nón còn phải biết kỹ nghệ ép lá phơi khô xếp sao cho thẳng, không rách, lau chùi kỹ để lá bóng và lâu hỏng. Lá khô gặp nước sẽ thâm đen và hỏng ngay. Sau này, khoa học kỹ thuật phát triển, người ta biết dùng máy khâu, máy ép lá, máy uốn khung, dầu quang để giữ nón được lâu và làm khung nhanh hơn.

Chu du nón lá Việt ảnh 3

Nón lính thời Nguyễn.

Có nhiều loại nón: nón găng (Bình Định), nón quai thao (Bắc Ninh) thường dành cho lễ hội, nón gõ, nón rơm, nón liên diệp (nón lá sen), nón thúng, nón chảo… Việc phân biệt các nón, các loại lá mỗi vùng cũng thấy sự phong phú và tài sáng tạo của người Việt. Lễ hội truyền thống Việt hay dùng nón quai thao và nón lá. Hai loại nón này được các nghệ sĩ dùng trong nhiều vũ điệu Việt. Nón quai thao bất tiện trong cuộc sống thường nhật, vành rộng, nặng. Nón lá hình chóp vừa giản tiện, vừa nhẹ nên phổ biến khắp cả nước. Hình ảnh người phụ nữ đội nón thấp thoáng trên đồng, từ làng quê đã lan ra đường phố. Ngày nay, xã hội công nghiệp với xe máy, xe buýt, nón trở nên bất tiện. Nón thường chỉ tiện lợi cho người đi bộ, đi xe đạp. So với ô, nón tiện lợi hơn; quai nón giúp giải phóng đôi tay. Người nước ngoài đến Việt Nam rất thích mua nón để dùng hoặc mang về làm kỷ niệm.

Cảm hứng

Chu du nón lá Việt ảnh 4

Phó Hàng Nón - Hà Nội (ảnh chụp thời đầu Pháp thuộc).

Nón còn được làm trang trí, chụp đèn, treo tường, bày hoa ở trong nhà hay các tiệm ăn, khách sạn. Người Việt dù đi xa, hình ảnh cái nón mãi mãi không quên.  Hễ đâu thấp thoáng chiếc nón, nơi đó có liên quan đến người Việt. Nhiều người xa xứ đã mở quán đặt tên "Nón lá" rất dễ thương.

Nón lá Việt đầy quyến rũ chu du khắp năm châu như một vật trang trí, là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ, nghệ sĩ, kiến trúc sư Việt. Nón đã gắn liền với hình ảnh quê hương Việt Nam như trong bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân: "Mẹ về nón lá nghiêng che". Nón lá xuất hiện nhiều cùng các điệu múa dân gian…

Nón lá cũng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ sỹ ngoại quốc. Nhà thiết kế mỹ thuật nổi tiếng Jorge Pensi người Tây Ban Nha, chủ một xưởng nghiên cứu chuyên về trang trí nội thất, đã thiết kế những chiếc chụp đèn hấp dẫn mang tên “nón lá”. Ông đã để nguyên hai chữ “nón lá” để chứng minh nguồn gốc cảm hứng của ông trước sự quyến rũ của nón lá Việt. Những chụp đèn mạ kim loại bóng sáng hình nón hắt chùm ánh sáng phản quang ngược trong bóng tối trông vừa hiện đại vừa huyền ảo. Thiết kế đèn “nón lá” của xưởng ông đã được nhà sản xuất trang thiết bị nội thất nổi tiếng Bover ở Tây Ban Nha sản xuất. 

Chiếc nón nghiêng che e ấp, thẹn thùng như thiếu nữ Việt. Chiếc nón Việt nhẹ nhàng thổi gió nhè nhẹ vào hồn những người nghệ sĩ luôn luôn nóng bỏng. Chiếc nón lá bình dị, nhẹ nhàng đang đi xa khắp thế giới theo người Việt và du khách nước ngoài như một kỷ niệm về một miền đất nóng - Việt Nam nên thơ và quyến rũ.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.