Năm 1974 khi qua các nước Đông Âu, tôi nghĩ Hà nội là thủ đô độc nhất trên thế giới dùng xe đạp và xích lô làm phương tiện giao thông chủ yếu Thời chiến tranh, đám cưới tổ chức đưa dâu bằng xích lô được coi là sang trọng. Cái xích lô trở nên gần gũi và quen thuộc với người Hà Nội đến nỗi chúng tôi lớp sinh sau hòa bình (1954) cứ tưởng xích lô là sản phẩm của Việt Nam.
Mãi sau này tôi mới biết xích lô là do Pháp nhập vào. Chữ xích lô là phiên âm từ gốc tiếng Pháp (cyclo). Thời kỳ mới du nhập, xích lô kéo được dùng nhiều hơn xích lô đạp, vì nhân công xứ nộ lệ bị bóc lột rẻ mạt. Pháp mang sang Việt Nam để dùng, nhưng kỳ lạ, qua Paris năm 1980 tôi không thấy xích lô và chỉ thấy thấp thoáng dăm cái xe đạp lượn lờ trong thành phố, trong khi Hà Nội vẫn đầy xích lô, xe đạp.
Xích lô kéo sinh ra từ Nhật Bản vào khoảng năm 1868. Ngay lập tức được thực dân Anh ưa chuộc đưa qua Hông Kông và các nước láng giềng. Người Anh gọi xích lô máy là rickshaw gốc từ Trishaw là xe ba bánh.
Cuối thế kỷ 19, chính quyền bảo hộ Pháp đã nhập thử vài xe từ Nhật vào Hà Nội. Thấy tiện lợi và phù hợp, một năm sau nhập luôn 50 chiếc. Cánh hải quan thuộc địa thấy món xích lô có lời, đã nảy sinh ý tưởng lập công ty cho mướn xích lô. Xích lô lúc đó là một phương tiện giao thông sang trọng, đắt tiền.
Người Việt thời đó chủ yếu còn đi chân đất đi bộ. Chỉ có người Pháp thực dân, và nhà giàu mới có tiền sắm xích lô kéo riêng. Một chiếc xích lô hay xe đạp là một gia sản quý. Khoảng 1935, theo ký ức của cụ Nguyễn Khuê (tức Trần Văn Hân) và hồi ký của đại tá Trần Văn Giảng, cụ Trần Văn Thuyên (tức cụ Bát Thoàn) thân sinh ra hai ông là một nhà giầu nổi tiếng ở thành phố Vinh thời Đông Dương, được một thương gia Hà nội tặng một chiếc xích lô.
Cụ Bát Thoàn đem bày trang trí ở giữa phòng khách trông rất mốt và sang trọng thời đó. Ngay ở những năm sau 1975 ở Việt Nam xích lô vẫn là cần câu cơm của nhiều người. Bây giờ do giao thông ô tô xe máy nhiều, xích lô ở Hà Nội bị coi là phương tiện cản trở giao thông nên chỉ được dùng trong khu phố cổ để phục vụ du lịch.
Ở thành phố biển La Rochelle (Pháp), một chiếc xích lô đặt trang trí trên lề đường rất hấp dẫn, trước tiệm ăn "Xích lô kéo Sài Gòn" (10 quảng trường Cordeliers, 17000 La Rochelle)
Sài Gòn (TPHCM ngày nay) nhập xích lô chậm hơn Hà Nội cả chục năm sau. Mãi năm 1939, sau chuyến đi chinh phục Sài Gòn từ Nông Pênh bằng xe xích lô kéo Pierre Coupeaud đã thuyết phục được thị trưởng thành phố Sài Gòn cho phép lập công ty xích lô đầu tiên gồm 20 chiếc đặt trụ sở ở số 6 ke "La Marne" (Bến Vân Đồn ngày nay).
Hình ảnh xích lô đã in đậm trong ký ức của người thành phố Hà Nội, Sài Gòn. Xích lô là một hình ảnh tượng trưng cho thành phố Hà Nội, Sài Gòn. Nhiều Việt kiều ra nước ngoài lập nghiệp mở khách sạn, quán ăn đã lấy xích lô làm tên đặt đầy ấn tượng.
Nhiều quán đặt tên xích lô như: cà phê xích lô, Tiệm ăn xích lô kéo Sài Gòn, phở xích lô, ông xích lô... Có chủ quán còn kỳ công chuyên chở cả cái xích lô đem trưng bày trước cửa hay treo cao hoặc trưng bày trong tiệm. Chiếc xích lô chu du từ Việt Nam đi khắp thế giới. Dường như hai chữ Xích lô là người ta liên tưởng đến Việt Nam.
Từ châu Á, qua châu Âu đến châu Mỹ đều có thể tìm thấy quán mang tên Xích lô. Chỉ cần thấy chữ Xích lô, là khách du lịch biết nơi đó có thể thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị dân tộc Việt Nam như phở, bún chả, bún bò, nem…
Quán ăn Xích lô ở trung tâm thương mại Oslo (Na Uy)
Thượng Hải sầm uất và sang trọng, khách du lịch cũng thấy một quán Xích lô do người Việt làm chủ (Shaanxi Bei Lu 678-Cross Wuding Lu, Shanghai, Trung Quốc).
Qua đến châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Anh, Na Uy... khách du lịch đều có thể thấy những quán mang tên "Xích lô". Giữa mùa đông giá lạnh, mùi phở thơm bay ra đầy lôi cuốn. Một bát phở nóng làm ấm người và chữ Xích lô gợi nhớ về thành phố xưa một thời thanh bình không khói xăng. Ngay Paris hoa lệ, khu Belleville, quận 20, nơi tập trung người châu Á đông thứ hai cũng có quán Xích lô nho nhỏ.
Pháp là nước gắn liền với nhiều kỷ niệm Đông Dương xưa, nên tiệm mang tên Xích lô nhiều nhất ở châu Âu. Hai chữ Xích lô thu hút khách Pháp xưa từng có mặt ở Đông Dương thèm nhớ những món ăn Việt và nhớ lại thời hoàng kim thuộc địa nay đã mất.
Quán xích lô ở Munchen -Đức (Theresienstr. 7080333 München)
Châu Úc, cũng có quán Xích lô
Chiếc xích lô một thời bị lãng quên khi kỹ thuật giao thông hiện đại phát triển. Ô tô, xe máy đã đẩy lùi phương tiện giao thông thô sơ. Ở Việt Nam xe đạp, xích lô đang bị mất dần vị thế. Trước 1990, xích lô ở Hà Nội, Sài Gòn chỗ nào cũng có.
Vì vậy xích lô dường như đi vào kỷ niệm của người Hà nội, Sài gòn. Người Việt đã chọn tên quán Xích lô để nhớ về quê hương nơi họ từng gắn bó một thời. Xích lô của Pháp nhập từ Nhật hóa ra trở thành hình ảnh quê hương Việt Nam.
Quán “Ông xích lô”, ở Melbourne (Mr cyclo, 261 Clarendon St South Melbourne Victoria 3205)
Việt Nam có xu hướng theo Tây, nhưng không biết rằng Tây đang muốn theo Ta như thời chiến tranh để bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu. Một loại xích lô, còn có tên gọi xe đạp – taxi một phương tiện giao thông mới đang ưa chuộc ở Paris và nhiều thành phố lớn đông du lịch ở Pháp.
Khách du lịch rất thích thú, vừa thoáng, vừa được che nắng, vừa dừng chụp ảnh thoái mái bên lề đường, hơn nữa giá cả phải chăng, rẻ hơn taxi. Hưởng ứng 'thành phố không khói' nên phương tiện giao thông này được ưu tiện đỗ ngay chờ khách sát địa điểm du lịch. Nghề xích lô bắt đầu sống lại ở Pháp nhưng đang chết dần ở Việt Nam. Việt Nam cái gì cũng khác thế giới.