Hơn 100 giờ qua, trong khi dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn ra phức tạp thì tại Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới. Việt Nam cũng là một trong số ít những quốc gia đến nay không có người thiệt mạng vì COVID-19. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, quyết sách chấp nhận thiệt hại về kinh tế để mở “mặt trận” thứ nhất chống dịch COVID-19 như “chống giặc” mà Chính phủ thực hiện ngay từ đầu là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, được người dân đánh giá cao.
Dịch COVID-19 dự kiến sẽ còn kéo dài và chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Song hoạt động kinh tế thì không thể “đóng cửa” mãi mà phải có cách thức hoạt động trở lại một cách phù hợp. Cách đây gần 1 tuần, Thủ tướng quyết định điều chỉnh cách thức giãn cách xã hội một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương. Thủ tướng cũng nói “cần phải mở mặt trận thứ hai để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế”, không để các chuỗi sản xuất đứt gãy, người lao động bị mất việc làm, đời sống, an sinh, xã hội khó khăn. Lãnh đạo Chính phủ cũng liên tiếp chủ trì các cuộc họp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhằm chuẩn bị điều kiện cho “lò xo” kinh tế sẽ bật lên khi dịch bệnh cơ bản được giải quyết.
Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Song như lo lắng của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gần đây thì, đâu đó vẫn còn tình trạng: “Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, song cơ quan công quyền ở đâu đó vẫn ung dung”. Nhìn vào những vụ việc xảy ra thời gian qua, như những “bùng nhùng” trong việc điều hành xuất khẩu gạo; hay như việc lãnh đạo Hải Phòng ra văn bản yêu cầu các xe vận tải ra vào thành phố phải có giấy phép, khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy chưa thực sự an tâm về tâm thế của một bộ phận cán bộ trong việc chuẩn bị cho “lò xo kinh tế bật lên”.
Điều đáng cần lưu ý nữa là hiện nay nhiều nơi đang chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh nhạy cảm của việc sắp xếp, bố trí nhân sự, cộng với tâm lý sợ hệ lụy nên nguy cơ “ngồi im cho an toàn” là điều có thể xảy ra ở một bộ phận cán bộ, lãnh đạo. Ở một số nơi, sau khi Chính phủ phân loại về dịch theo hướng 3 nhóm, thật khó hiểu khi một số địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp lại muốn tiếp tục thực hiện duy trì các biện pháp cách ly xã hội như nhóm nguy cơ cao? Phải chăng đó là sự cẩn trọng trước những diễn biến khó lường về dịch bệnh, hay lãnh đạo muốn “an toàn” trước thềm diễn ra đại hội?
Khi tham dự Hội nghị Chính phủ với địa phương để triển khai nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu cơ quan, đơn vị và cá nhân lãnh đạo tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ Đại hội như: “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “nể nang, thoả hiệp”, “né tránh va chạm”… Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp gần đây cũng nhắc nhở: Phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại hội đang cận kề, mặt trận chống dịch COVID-19 và mặt trận kinh tế đồng thời đang diễn ra. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để Đảng, Nhà nước nhận diện rõ hơn những con người chỉ biết “ngồi im” và những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sức khỏe của người dân và sự hồi phục của nền kinh tế để “chọn mặt gửi vàng” vào cơ cấu trong bộ máy trong nhiệm kỳ sau.