ATM và khẩu trang

TP - Một cái để trao đi, chuyển đi, một cái để che lại. Là nói đến hai thứ đang thời sự những ngày này.

Khẩu trang thì có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử hàng trăm năm, người phương Tây mới cầm trên tay và bắt đầu thấy được đắc dụng của nó. Còn những cột ATM “gạo” miễn phí kiểu Thạch Sanh “càng lấy càng đầy” của Việt Nam khiến thế giới trầm trồ. Một phát minh đi vào lịch sử dù chẳng có gì cao siêu, chẳng cần đến trí tuệ nhân tạo.

ATM thực hiện những giao dịch đã được lập trình liên quan đến tiền. Nhưng tại Việt Nam, ngoài “ATM gạo” còn đang xuất hiện nhiều biến thể ATM khác (tất nhiên chưa kể đến loại ATM chảy ra… thơ theo đề xuất của các chàng thi sĩ thích đùa). Như đến nay đã có trên 3 tỷ tin nhắn tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tự động “chảy” vào điện thoại toàn dân suốt những ngày qua, mà ngân sách không tốn đồng nào do tinh thần thiện nguyện của các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Như sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của hàng triệu tình nguyện viên dưới mọi màu áo. Như những giọt máu đỏ được hiến giữa căng thẳng mùa dịch,…

Khẩu trang che bớt gương mặt người, thứ giao diện quen thuộc thậm chí nhàm chán mà nhiều khi vẫn không thể thấy hết. Nhưng lại mở ra nhiều thứ khác. Cho dù một cây ATM gạo miễn phí của một trường đại học ở Hà Nội, người nhận gạo phải tháo khẩu trang đứng trước thiết bị nhận diện khuôn mặt. Để đảm bảo mỗi người nhận không quá 3kg gạo miễn phí một tuần.

Nhưng cũng có những có cỗ máy hành chính liên quan đến gạo lại đang dấy lên nghi ngờ về việc “đi đêm” chính sách vào giữa ban đêm mà có người gọi là “giờ của cõi âm”. Đó là việc mở cửa nhận tờ khai xuất khẩu gạo vào lúc 0 giờ. Rồi bắt đầu có những dấu hiệu lợi dụng dịch COVID-19 để khuất tất trong việc mua sắm máy móc xét nghiệm, trang thiết bị y tế. Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” chống dịch, mọi chi tiêu được thực hiện tốc hành như thời chiến. Đến như tiền, hàng cứu trợ thiên tai nhiều lúc nhiều nơi còn biển thủ được, gà qué, dê bò dành cho người nghèo còn “lạc” vào nhà cán bộ được, thì chuyện gì mà không xảy ra?

Tất nhiên đang có những thứ “khẩu trang” che đậy sự thật đáng buồn đó bằng mọi cách. Mà không phải cỗ máy nhận diện nào cũng có thể phát hiện ra.

Giữa thời điểm dịch giã toàn thế giới còn chưa lên tới đỉnh này, đôi khi cứ tự hỏi, rằng cũng là cơ thể người, sao tỉ lệ nhiễm dịch và tử vong vì Covid ở nhiều nước những ngày này vẫn cao đến vậy, so với nước mình? Do cơ địa, do cơ chế phản vệ sinh tồn, do đặc thù môi trường, khí hậu? Đáp án chắc chắn sẽ không có, hoặc ít ra không phải lúc này.

Nhưng một nguyên tắc có thể kể ra trong trường hợp này, đó là sự gắn kết. Dân ta luôn biết phát huy sức mạnh gắn kết vào những thời điểm mà vận mệnh đất nước, vận mệnh cá nhân bị thử thách. Gắn kết bằng cả sự tách xa nhau, tuân thủ cách ly, giãn cách. Gắn kết từ khẩu trang, đến những cây ATM gạo “Thạch Sanh”.

Nếu không đặt niềm tin vào nhau, thì sẽ chẳng thể trao đi hay bịt lại.

MỚI - NÓNG