Hôm qua tivi chiếu cảnh người đàn ông ở Hạ Lôi đang còng lưng vứt bỏ hàng nghìn, vạn khóm hoa do không bán được mà lại không thể để nguyên cây nguyên cành, vì như thế sẽ không có được hoa lá mới. Ông buồn thảm: “Còn không biết là có nổi lứa mới nữa không, quá lo”.
Anh Hùng, chủ nhân của những cây “ATM gạo” ở Hà Nội thì kể: “Có người nhận gạo xong reo: May quá có gạo ăn rồi! Tôi giật mình. Bao lâu nay mình đương nhiên ăn cơm hàng ngày, bây giờ có người chỉ vì được ăn cơm mà vui sướng đến thế”.
Làm sao để vừa chống được dịch dã, bảo toàn sức khỏe cho dân, đồng thời trụ vững, phát huy sức khỏe nền kinh tế- bài toán này Chính phủ đau đầu, mà từng người dân càng thắt ruột hơn, gánh nặng áo cơm nào phải chuyện đùa.
Du lịch, vận tải và vô số lĩnh vực, doanh nghiệp đã tê liệt khá lâu rồi. Giờ là cơ hội để 52 địa phương “nguy cơ thấp” và “nguy cơ vừa vừa” gượng dậy từng bước, trong khi vẫn nghe ngóng phòng ngừa để COVID không hạ thủ được chúng ta.
Chủ nhật vừa rồi tôi đi siêu thị, thấy vẫn đứng dính vào nhau. Tâm lý “chủ quan khinh dịch” (dịch chứ không phải địch, nhưng mà bây giờ hai từ này nghĩa không xa nhau) đã “lan tỏa” trước khi gia hạn giãn cách xã hội. Gay go. Một trong số bài học của Hà Nội đó là chỉ 3 bệnh nhân số 17, số 237 và số 243 đủ khiến 700 y bác sĩ, điều dưỡng viên hệ lụy.
Tin tốt bây giờ ai cũng biết, là kỳ tích “không ca nào tử vong” không bị phá vỡ. Các ca dương tính tăng chậm. Các ổ dịch lớn cơ bản được kiểm soát… Trông thế thôi nhưng khối nước trên thế giới “làm được thì đã làm rồi”.
Tin cực tốt, là nghĩa đồng bào ngày thường đôi khi mai một khuất lấp ở đâu, thì bây giờ hiển thị lung linh không ngờ. Kể sao cho xiết những nghĩa cử, hảo tâm khắp đất nước. Chẳng hạn, không chỉ những cây ATM gạo mà chuỗi siêu thị Hạnh phúc O đồng cũng vừa được triển khai ở Hà Nội và 7 tỉnh thành, cứu giúp được bao phận người.
Trong cuộc chiến kiểu này, luôn có những kẻ bất tuân. Như đồng chí quan huyện nọ đấy. Nhưng rồi cũng nhận được bài học xứng đáng cả. Từ nay, đưa ảnh lên Facebook không xin phép còn bị phạt tiền nữa kia.
Chuyện cười mới nhất trên thế giới đó là chức việc ở làng Kepuh, Indonesia nghĩ ra chiêu “giả ma" dọa dân, để họ khỏi lang thang ngoài đường khiến “mắc dịch”. Còn chuyện cười trong nước, nhiều lắm. Đã bảo, trong dở có hay, trong rủi có may.
Phải sống. Chọn sống chung với dịch dã trong khi chờ mọi thứ bình thường trở lại. Ba tháng còng lưng chống dịch, đến giờ chúng ta ai nấy “anh hùng thấm mệt” cả. Nhưng nói như Marcus Aurelius, lựa chọn là của ta: “Thật không may điều này đã xảy ra. Không. Thật may mắn là điều này đã xảy ra và ta vẫn bình an vô sự”.