Chợ Vĩnh Tân (ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) được một doanh nghiệp đầu tư xây dựng hơn 50 tỷ đồng nhưng hơn 5 năm qua, ngôi chợ này vẫn đóng cửa im lìm vì không có tiểu thương vào buôn bán. Lý do, theo chủ doanh nghiệp này các tiểu thương ở chợ Vĩnh Tân cũ không đồng ý di dời vào chợ mới. Dù lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu nhiều lần vận động tiểu thương thậm chí tính đến phương án cưỡng chế nhưng vẫn không hiệu quả do mỗi lần chuẩn bị thực hiện cưỡng chế là tiểu thương phản ứng quyết liệt. Không còn cách nào khác, nhiều năm nay, chủ doanh nghiệp này phải nhặt tiền lẻ hàng tháng từ những ki-ốt trong chợ được tận dụng cho công nhân thuê trọ.
Ngôi chợ trung tâm huyện Cẩm Mỹ được xây dựng bề thế với kinh phí gần cả 100 tỷ đồng, nhưng hơn 3 năm qua vẫn đóng cửa. Còn chợ Xuân Định ở trung tâm huyện Nông thôn mới Xuân Lộc cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 chợ xây dựng xong không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả.
Bất lực với chợ tự phát
Có khoảng 76 chợ tự phát ở Đồng Nai nhưng đến nay cơ quan chức năng chỉ giải tỏa được… 1 chợ. Chợ tự phát hầu hết là lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, gây mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không thể dẹp được do sự chây ì của người kinh doanh. Khi lực lượng chức năng truy quét thì người buôn bán giải tán, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì lại lấn chiếm đường để họp chợ.
Chỉ riêng tại thành phố Biên Hòa đến nay vẫn tồn tại 8 chợ tự phát, hàng chục tụ điểm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Cứ gần giờ tan ca là hàng chục chợ “chồm hỗm” mọc lên ngay trước cổng các công ty, gần các KCN và các khu vực có đông nhà trọ công nhân với đủ các loại hàng hóa, thực phẩm. Tất cả được trải ra bán dưới nền đất từ rau quả, thịt, cá cho đến các loại hàng hóa thiết yếu. Hàng hóa, thực phẩm xuất hiện ở các khu chợ công nhân đa phần là hợp với tiêu chí rẻ, nhưng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm gần như không được kiểm soát.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng: thịt nếu không bảo quản tốt sẽ rất dễ lây nhiễm vi sinh. Nếu mua phải thịt “bẩn”, ngay cả chế biến xong, không bảo quản tốt cũng sẽ bị nhiễm vi sinh trở lại, gây nguy cơ ngộ độc rất cao. Thực tế hiện nay, việc kiểm soát các loại thịt chỉ mới dừng lại ở kiểm soát dịch bệnh tại các chợ đầu mối hoặc các chợ lớn của thành phố, huyện, thị xã còn tại các chợ tự phát, việc kiểm soát dịch bệnh cũng như chất lượng thịt vẫn là bài toán khó.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 chợ xây dựng xong không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả.