> Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình đề án giảm tải bệnh viện
Gần một năm sau khi đi thị sát để nắm bắt tình trạng bệnh viện quá tải ở tuyến trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn chưa tạo ra “cú đấm” nào hữu hiệu cho giải pháp giảm tải của mình.
Còn nhớ vào tháng 11 năm ngoái, khi Bộ trưởng Tiến đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, người đứng đầu Bộ Y tế đã thốt lên: “Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam”.
Nhanh chóng sau chuyến thị sát này, hàng loạt giải pháp giảm tải được cho sẽ tạo nên những cú hích thực sự đưa ra nhưng một năm sau đó vẫn chưa thấy dịch chuyển là bao.
3-4 bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên vẫn nằm một giường, thậm chí vào mùa cao điểm người ta trải chiếu ra nằm hành lang, có những bệnh nhân nằm... ở dưới gầm giường hoặc cầu thang.
Giải pháp giảm tải được Bộ Y tế cho là căn cơ, đó là xây dựng bệnh viện vệ tinh nhưng đến nay dù các bệnh viện đã lên đề án song đến cuối năm nay nó mới được triển khai.
Vậy là người bệnh hãy cứ chờ! Trong khi “lệnh cấm” bệnh viện tuyến trên không được nhận bệnh nhân lẽ ra chỉ cần điều trị tuyến dưới, và ngược lại, bệnh viện tuyến dưới cũng không được chuyển bệnh nhân lên trên nếu có khả năng chữa trị, được kỳ vọng sẽ giảm tải phần nào cho tuyến trên, đến nay tính khả thi của nó vẫn còn mờ mịt.
Thừa nhận hiện vẫn có từ 40 đến 50% bệnh nhân lẽ ra có thể điều trị ở tuyến dưới thì lại lên tuyến trên khiến các bệnh viện lớn luôn quá tải nhưng gần như lệnh cấm “kính chuyển” và tiếp nhận của Bộ Y tế vẫn không mấy khả thi.
Không chuyển sao được khi mà bệnh viện tuyến dưới thiếu cả máy móc đến con người. Đầu tư cho tuyến dưới vẫn đang trong… đề án. Không nhận bệnh sao được khi mà bệnh viện tuyến trên dù quá tải vẫn “thích” nhận để tăng nguồn thu trong cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay.
Còn bệnh nhân vì sính bệnh viện lớn, vì tâm lý “muốn an toàn” nên vẫn mong muốn đến tuyến trên điều trị. Nhiều bệnh nhân tâm sự rằng, họ chẳng sung sướng gì khi lên bệnh viện lớn ở TPHCM để nằm hành lang. Nhưng nằm ở bệnh viện tuyến dưới liệu có tiền mất, tật mang khi mà bác sĩ thì yếu chuyên môn, còn máy móc thì lại thiếu đủ thứ và cũ kỹ.
Ai cũng thấy bệnh nhân nhập viện điều trị vượt tuyến do tự ý đến, cơ chế xét nhập viện và chuyển viện chưa hợp lý khiến bệnh viện quá tải. Nhưng “chặn” sự bất hợp lý này như thế nào cũng không thấy ngành y tế đả động.
Đề án 1816 được triển khai từ 5 năm trước đến nay đã có hàng trăm nghìn lượt bác sĩ xuống tuyến dưới chuyển giao với mục đích sẽ giúp giảm tải bệnh viện. Nhưng xem ra nó chỉ là giải pháp trấn an.
Dấu ấn mà ngành Y tế để lại trong năm qua có lẽ là đề án tăng viện phí. Nhiều bệnh viện như mở cờ trong bụng khi trong tháng 9 vừa qua hàng trăm dịch vụ đã được áp dụng điều chỉnh tăng giá từ 50-80%.
Tiếc thay, hàng loạt bệnh viện vốn lãi khủng trong những năm qua vẫn vô tư cho tăng giá có khi lên kịch trần mặc cho người bệnh đang xoay xở giữa thời buổi giá cả tăng chóng mặt.
Dù sao người bệnh nghèo còn có chút an ủi khi lộ trình thực hiện đề án “bảo hiểm y tế toàn dân” cũng được người đứng đầu ngành y tế quyết tâm thực hiện. Dẫu phải chờ đến năm 2020.