Chợ lao động dưới chân cầu Cần Thơ

Chợ lao động dưới chân cầu Cần Thơ
TP - Xã Mỹ Hòa nằm bên móng cầu phía Vĩnh Long mấy năm nay trở thành nơi cung ứng lao động xây cầu Cần Thơ. Quá nhiều những nông dân - phút chốc trở thành công nhân xây dựng cây cầu hiện đại và dài nhất Đông Nam Á này - đã bỏ mạng sau thảm họa kinh hoàng...

Suốt một ngày trời mưa, chúng tôi đến Bình Minh (Vĩnh Long) để tìm trụ sở của Cty Cơ khí Xây dựng Vĩnh Thịnh, đơn vị xây dựng 2 nhịp cầu vừa sập gây tai họa ghê gớm.

Loanh quanh mãi, mới đến được đường dẫn tới công trường xây dựng cầu Cần Thơ. Anh Trương Văn Lợi - một người lao động sống sót, chỉ tay về cái công-ten-nơ bảo:

“Đấy là trụ sở của Vĩnh Thịnh, nơi Vĩnh Thịnh tiếp nhận hồ sơ, tuyển chọn công nhân, phát bảng tên cho người đi làm và phát lương cho công nhân. Chỗ ấy chỉ đủ chen chân 10 người để lãnh lương một lần. Từ khi sập cầu, họ biến mất rồi. Bên cạnh còn cái lán bằng tôn tạm bợ để đựng vật tư”.

Những người thoát chết ở ấp nghèo

Chợ lao động dưới chân cầu Cần Thơ ảnh 1
Huỳnh Văn Ngọc đeo bảng tên Trương Văn Toàn vào công trường làm việc cho Cty Vĩnh Thịnh

Ngồi trông về phía cầu Cần Thơ đang xây dựng bị sập, anh Trần Quang Tòng, 50 tuổi, ở ấp Đông Hậu, xã Đông Bình (Bình Minh, Vĩnh Long) kể: “Mấy anh chạy xe ôm cho hay, ông Việt (những người này không biết rõ họ và chức vụ) của Cty Vĩnh Thịnh, cần lao động xây dựng cầu Cần Thơ.

Chúng tôi lập danh sách 16 anh em, kèm theo giấy chứng minh nhân dân, làm đơn…  nộp vô và trở thành công nhân của cầu Cần Thơ. Mỗi ngày, chúng tôi làm việc 9 giờ, được trả 62.000 đồng”.

Những anh nông dân “phút chốc” trở thành công nhân xây dựng cầu Cần Thơ hiện đại và dài nhất Đông Nam Á sẽ được cấp mũ bảo hộ, áo quần đồng phục, bảng tên… tại cái lán chứa vật tư.

Họ được cắt cử làm đủ việc từ cắt sắt, buộc sắt, trộn bê - tông… Anh Nguyễn Hữu Việt, làm công nhân Cty Vĩnh Thịnh, khẳng định: “Không riêng gì chúng tôi, phần lớn lao động không có nghề nghiệp và chẳng ai huấn luyện nhưng vẫn làm việc bình thường. Làm vất vả lắm nhưng lại thường bị trả lương thiếu, trễ hạn nên chúng tôi nghỉ làm cách đây vài tháng!”.

Anh Trương Văn Lợi, ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa chưa hết bàng hoàng: “Tôi có 3 anh em làm công nhật ở cầu Cần Thơ cho Cty Vĩnh Thịnh và TKN (liên doanh Taisei- Kajima- Nippon). Lúc xảy ra tai nạn, tôi đang làm vệ sinh sàn bê - tông trụ chính phía bên Vĩnh Long, nghe cái rầm, nhìn xuống, bụi mịt mù. Tôi nhào vô tìm 2 đứa em (Trương Văn Kiệt, Trương Văn Thống). May mắn cho gia đình tôi, thằng em út bị bệnh ở nhà. Thằng kế thoát chết, cạo đầu rồi!”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dô, 49 tuổi ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) cùng với con trai và rể thoát chết nhờ bất bình với Cty Vĩnh Thịnh. Ông Do cho biết: “Anh em chúng tôi bán sức lao động kiếm tiền mà trả công rẻ, trả tiền trễ thì sao sống nổi. Hôm đó, chỉ ở ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2 có hàng trăm anh em giận không vô làm. Nhờ vậy chúng tôi thoát chết”.

Chợ lao động dưới chân cầu

Ấp Mỹ Hưng, Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa (Bình Minh) nằm bên móng cầu phía Vĩnh Long mấy năm nay trở thành nơi cung ứng lao động xây dựng cầu Cần Thơ. Do gia đình họ bị thu hồi đất hoặc rất ít đất nên xin được vào công trường xây dựng cầu Cần Thơ làm việc đều mừng.

Anh Trương Văn Thông, 22 tuổi, ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa (Bình Minh), cho biết: “Tôi được người quen giới thiệu vô làm cho Cty Vĩnh Thịnh. Không biết nghề thì người khác chỉ cho làm. Lúc đầu, tôi buộc sắt, cắt sắt, trộn hồ, ghép ván cốp pha. Có việc thì họ kêu mình làm”.

Cty Vĩnh Thịnh có địa chỉ giao dịch ở phường Trường Thọ (Q Thủ Đức, TPHCM), vốn đăng ký kinh doanh 600 triệu đồng, đăng ký hoạt động vào tháng 3/2006.

Người đại diện Cty Vĩnh Thịnh là ông Đặng Hữu Vị (trước đây, ông Vị là kỹ sư Cienco 6).

Cty Vĩnh Thịnh đăng ký kinh doanh gia công, sản xuất, lắp dựng kết cấu thép; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông và thủy lợi; kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô - tô; lắp ráp thiết bị công trình xây dựng; mua bán sắt thép, ống thép, kim loại màu, máy móc thiết bị và phụ tùng thay thế ngành công nghiệp - xây dựng.

Anh Huỳnh Văn Ngọc, 23 tuổi, ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa (Bình Minh) cho biết:

“Đến hôm xảy ra tai nạn sập cầu, tôi mới làm được 5 ngày cho Cty Vĩnh Thịnh. Lúc lên sàn đổ bê - tông, người ta sai tôi đi lấy đồ ở phía dưới cầu. Khi quay lại chưa tới thì nghe cái rầm.

Tôi đeo bảng tên của thằng em cô cậu ruột là Trương Văn Toàn để vô làm vì thằng em tôi bị bệnh, nghỉ làm lâu, sợ mất việc. Ở đó vô làm dễ lắm, mấy người bảo vệ quen hết, cứ có bảng tên là cho vô ”.

Hai anh em xấu số Lưu Tấn Mãi, 19 tuổi và Lưu Thanh Điền, 17 tuổi - con của ông Lưu Khâm, cùng chết mang tên Lưu Tấn Mãi. Bởi Lưu Tấn Mãi đã đủ tuổi nên được nhận vào làm công nhân cho VSL.

Còn Lưu Thanh Điền chưa đủ tuổi, không được nhận vào làm việc nên đã làm bảng tên Lưu Tấn Mãi để xin đi làm. Thành ra khi tai nạn xảy ra, hai anh em gia đình này chết nhưng ban đầu người ta cứ tính là một người chết.

Và nếu kể dòng họ Lưu thì chết, mất tích, bị thương lên đến hàng chục người. Tất cả họ đều không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm.

Ông Trương Văn Lộc, ở ấp Mỹ Hưng 1 cho hay: “Từ khi cầu bị sập, cả ấp này chìm trong tang tóc”.

Sau 3 ngày tai nạn xảy ra, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Trương Văn Lợt mặt vẫn buồn rười rượi: “Cho đến thời điểm này (ngày 28/9/2007), xã Mỹ Hòa có 28 người chết, 5 người mất tích, 36 người bị thương ở các ấp Mỹ Hưng, Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2”. 

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.