Chạm tay vào chiến tranh biên giới
Cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014 thành công trước hết ở việc mời được nhà văn kiệm lời, kín tiếng như Bảo Ninh vào ban chung khảo. Bốn cái tên khác là Chu Lai, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú.
“So với các cuộc thi trước, mảng đề tài chiến tranh cách mạng đã có sự mở rộng về biên độ, ngoài những tác phẩm khai thác trực diện hoặc chú tâm vào những câu chuyện thời kỳ hậu chiến liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, số lượng sáng tác đề cập cuộc chiến tranh biên giới cũng nhiều hơn, mới mẻ và ấn tượng hơn”, Nguyễn Đình Tú nói.
Một số truyện khai thác những góc khuất ám ảnh, dư chấn liên quan cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ như Nửa ngày chiến tranh (Dương Đức Khánh), Người đi tìm cánh tay (Vũ Thanh Lịch), Sóng gió Ô Cấp (Trịnh Sơn), Giấc mơ đá vỡ, Đỉnh khói (Nguyễn Thị Kim Hòa). Truyện ngắn hay và đoạt giải được tuyển chọn, in trong tập sách do NXB Trẻ ấn hành.
Nhiều truyện mạnh dạn viết về những mặt trận ít người nhắc tới như Lào, Campuchia, biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam. Nguyễn Đình Tú nhắc hai truyện ngắn Âm thanh của ký ức, Chuyện Nguyên Phong của Doãn Dũng “đều viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, yếu tố mới, đề tài lạ, cách kể có duyên, chi tiết ăm ắp, liên tục mở ra những trạng huống bất ngờ và cảm động”.
“Trong số tác giả vào chung khảo, Doãn Dũng viết những truyện ngắn có tính “đối trận” thực sự. Thú thực là tôi đã luôn chờ đợi sự xuất hiện của những tác phẩm hay, quyết liệt và giàu xúc cảm như thế này về những người lính “đàn em” của mình trong chiến tranh biên giới. Hy vọng là từ đây anh em cựu chiến binh của cuộc chiến biên giới phía Bắc và Tây Nam sẽ xuất hiện thường xuyên và ngày một hay hơn trên tạp chí của chúng ta. Hay hơn, theo cái nghĩa là vượt thoát ra khỏi cách viết của các nhà văn thế hệ chống Mỹ. Bởi vì Doãn Dũng có phần nào đó, theo tôi chưa thoát ra khỏi cách viết ấy”, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ với BTC.
Trông đợi gì ở người trẻ?
Giải nhất được trao cho cô giáo sinh năm 1984 ở Ninh Thuận, Nguyễn Thị Kim Hòa với ba truyện ngắn Hương thôn dã, Đỉnh khói, Thôi mùa cỏ cháy. Hai tác giả được giải nhì là Doãn Dũng và Đinh Phương với hai truyện lịch sử Chuyến trở về của cỏ, Chiều ký ức phủ gai.
Kim Hòa nhỏ nhắn, tay phải yếu, tự nhận “viết lách vất vả hơn so với người khác”, vì thường viết tay cho kịp tư duy sau đó mới đánh máy. Được hai nhà văn lão làng khen ngợi, tác giả này thừa nhận, đối với những người trẻ, đề tài chiến tranh thật sự là thử thách, sợ không biết mình có viết chính xác không.
Trong số 11 tác giả nhận giải thưởng, trẻ nhất là giải tư Cao Nguyệt Nguyên sinh 1990. Bên cạnh cây bút từng trải và có thời mặc áo lính Doãn Dũng đoạt giải nhì, Đinh Phương còn rất trẻ, sinh 1989, nhưng có cách tiếp cận đề tài lịch sử mới mẻ-chọn những cuộc khởi nghĩa nông dân, binh biến nhỏ lẻ tạo nên những nhân vật lịch sử thấp cổ bé họng. Gương mặt mới đến từ Quảng Ninh này nhận lời khen ngợi của giám khảo Bảo Ninh: “Ngoài Kim Hòa, tôi đặc biệt thích Đinh Phương. Tôi có cảm giác anh ấy rồi đây sẽ là một nhà văn rất đặc sắc. Sau nữa là Tống Ngọc Hân”. Tống Ngọc Hân có những trang viết toát lên không gian, số phận con người ở vùng núi cao phía Bắc, được giải ba.
Dễ nhận thấy sự ghi nhận, đánh giá về những cây viết trẻ mang tính khích lệ là chính, tạo động lực cho họ tiếp tục theo đuổi nghề viết. Phần cuối báo cáo tổng kết, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói rằng mọi giải thưởng rồi cũng sẽ qua đi, thời gian sẽ tiếp tục làm công việc đào thải nghiệt ngã, cũng không khó chỉ ra hạn chế ở mỗi truyện ngắn. Tác giả trẻ Kim Hòa cũng tự nhận, không dám hứa trước, nhưng chừng nào còn theo được sẽ theo nghề đến cùng. Với cô gái này, viết đúng là liều thuốc tinh thần, giúp sức khỏe tốt hơn lên.
Ngoài giải nhất thuộc về Nguyễn Thị Kim Hòa, giải nhì cho 2 tác giả Doãn Dũng và Đinh Phương, giải ba dành cho Hồ Kiên Giang, Tống Ngọc Hân, Trịnh Sơn; giải tư: Dương Đức Khánh, Cao Nguyệt Nguyên, Trương Anh Quốc, Tống Phú Sa, Hương Thị. Nhà văn Lê Lựu cũng có mặt trong lễ trao giải. Với hai truyện ngắn Chuyến đêm, Mẹ, con và trần thế, Phong Điệp nhận giải chùm truyện ngắn hay nhất về đề tài phụ nữ hậu chiến do Quỹ nhà văn Lê Lựu tặng.