Xin ông cho biết những yêu cầu về chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển?
Mục tiêu cốt lõi của chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển theo tôi là làm cho ngư dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn để đóng tàu sắt thay tàu gỗ, được hỗ trợ tín dụng mua sắm trang thiết bị trên tàu, tiêu thụ sản phẩm và chiến lược dài hạn là hỗ trợ phát triển ngành thủy sản một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều đó có nghĩa là ngư dân phải được hỗ trợ từ phương tiện ra khơi đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông đánh giá thế nào về chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai hiện nay?
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chính sách tín dụng trên nguyên tắc đảm bảo phát huy các chuỗi giá trị”
Ông Đinh Xuân Thảo
Không chỉ về chính sách tín dụng với ngư dân bám biển mà nếu đánh giá tổng quan thì ngành ngân hàng rất chủ động và trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn hoặc những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội. Như trên tôi đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chính sách tín dụng trên nguyên tắc đảm bảo phát huy các chuỗi giá trị. Đó là chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn để đóng tàu sắt thay tàu gỗ, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản và bảo quản, chế biến với sự ưu đãi về lãi suất và đơn giản hóa thủ tục. Chương trình này đã được triển khai rộng rãi trên nhiều tỉnh thành ven biển.
Đặc biệt, bà con ngư dân rất phấn khởi khi được biết Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ thành lập gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân để tập trung vào đóng mới tàu công suất lớn, cải hoán tàu cũ đi đánh bắt xa bờ, tàu hậu cần cho nghề cá, nuôi trồng thủy sản.
Vậy ông có kiến nghị để chính sách tín dụng với ngư dân được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới?
Thực tế, để triển khai gói chính sách hỗ trợ các đối tượng trong xã hội nói chung cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan và sự đồng bộ chính sách. Tôi ví dụ gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ mua nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, để người có thu nhập thấp được vay mua nhà liên quan đến nhiều thủ tục về sở hữu nhà đất hoặc nguồn cung nhà ở. Nếu nguồn cung nhà ở hạn chế, hoặc tiêu chuẩn thế nào là nhà dành cho người có thu nhập thấp chưa được rõ ràng ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc giải ngân. Tương tự gói 10 nghìn tỷ hỗ trợ ngư dân muốn giải ngân nhanh và hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh, Chính phủ cần sớm có Nghị định về phát triển thủy sản nói chung và hải sản nói riêng. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc giải ngân.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu đưa ra những chương trình tín dụng ưu đãi riêng biệt và có tính chất dài hạn đối với ngư dân. Các cơ quan Bộ ngành liên quan cần có sự phối hợp tổng kết việc triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian vừa quan đế sớm đưa ra chính sách đồng bộ giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia.