Ông Biden lên tiếng
Trước đó, sáng sớm 1/2, viện dẫn các cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11, lực lượng vũ trang Myanmar đã bắt giữ Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Quyền quản lý đất nước sau đó được trao lại cho quân đội. Tình trạng khẩn cấp được ban bố, và dự kiến sẽ kéo dài 1 năm.
Trong một tuyên bố vào chiều thứ Hai, Nhà Trắng gọi hành động này là "một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi của đất nước sang dân chủ và pháp quyền”.
Ông Biden cũng kêu gọi “cộng đồng quốc tế” chung một tiếng nói thúc ép quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đang nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ, dỡ bỏ mọi hạn chế viễn thông…
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác trên khắp khu vực và thế giới để hỗ trợ việc khôi phục nền dân chủ và pháp quyền của Myanmar”, tuyên bố nhấn mạnh. “Mỹ sẽ đấu tranh vì dân chủ ở bất cứ nơi nào nên dân chủ bị tấn công."
Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barach Obama (mà ông Biden là Phó Tổng thống) đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar vào tháng 10/2016, tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2015, với chiến thắng của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD), là một bước tiến tới dân chủ.
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa nêu rõ Mỹ có dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, hay tăng nặng các biện pháp trừng phạt sẵn có đối với Myanmar hay không.
Thành viên đảng Dân chủ hàng đầu trong ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Robert Menendez, cho biết Mỹ và các nước khác “nên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt, cũng như các biện pháp khác” đối với quân đội Myanmar cũng như giới lãnh đạo quân sự.
“Việc phát động một cuộc đảo chính là một bi kịch đối với người dân Myanmar sau một thập kỷ nỗ lực thành lập một chính phủ dân chủ do dân sự lãnh đạo”, Menendez nói.
Một thành viên đảng Dân chủ cấp cao của Hạ viện, Adam Schiff, cũng kêu gọi áp dụng biện pháp trừng phạt đối với “các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính này”.
Thách thức ngoại giao
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell, người từng có quan hệ mật thiết với bà Suu Kyi, gọi vụ bắt giữ là "kinh hoàng" và yêu cầu phản ứng quyết liệt.
Ông nói: “Chính quyền ông Biden phải có lập trường mạnh mẽ. Các đối tác của chúng tôi cũng như tất cả các nền dân chủ trên toàn thế giới nên lên án cuộc tấn công độc đoán đối với nền dân chủ này.”
Cuộc chính biến ở Myanmar là một thử thách nặng nề đối với chính quyền ông Biden và những nỗ lực của họ trong việc xây dựng một liên minh mạnh mẽ ở châu Á Thái Bình Dương để đối đầu với Trung Quốc.
Nhiều người trong nhóm hoạch định chính sách châu Á của ông Biden, bao gồm người đứng đầu Kurt Campbell, từng là quan chức dưới thời ông Obama.
Nhóm này - vào cuối nhiệm kì của ông Obama - đã ca ngợi việc việc chấm dứt nhiều thập kỷ cai trị của quân đội ở Myanmar như một thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng.
Chính quyền Biden từng hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong các thách thức quốc tế lớn, trái ngược với cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của Nhà Trắng bị một số chuyên gia cho là “yếu ớt một cách đáng thất vọng”.
“Mỹ cần phối hợp với các đồng minh để đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn, một tối hậu thư, thông báo cho quân đội Myanmar về những hậu quả cụ thể sẽ xảy ra nếu họ không chấm dứt tình trạng hiện tại”, chuyên gia John Sifton nói, đồng thời kêu gọi các lệnh trừng phạt cứng rắn.