“Trung Quốc là một nước láng giềng hữu nghị của Myanmar và hy vọng các bên ở Myanmar sẽ giải quyết khác biệt một cách phù hợp trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật để bảo vệ ổn định chính trị và xã hội”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo.
Trung Quốc và Myanmar có chung đường biên giới. Ông Uông nói Trung Quốc “vẫn đang tìm hiểu thêm về tình hình”.
Sau khi bắt giữ Cố vấn nhà nước, Tổng thống và các quan chức dân sự khác, quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm. Cuộc đảo chính chấm dứt 1 thập kỷ đất nước được quản lý bởi chính quyền dân sự.
Myanmar nhân tố quan trọng trong sáng kiến Vành đai Con đường mà Trung Quốc đang theo đuổi nhằm xây dựng một mạng lưới đường biển, đường sắt và đường bộ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 8,9 tỷ US từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến bờ biển phía tây của Myanmar.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Myanmar vào tháng 1 năm ngoái để kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm đó, ông Tập hứa rằng Bắc Kinh sẽ “ủng hộ mạnh mẽ chính phủ và nhân dân Myanmar để theo đuổi con đường phát triển phù hợp với điều kiện của mình”, báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với Tổng thống Myanmar U Win Myint.
Ông Tập cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng “hợp tác với phía Myanmar để thúc đẩy việc thực hiện Vành đai Con đường và các chiến lược phát triển của Myanmar”.