Đó là nhận định của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, về các chiêu trò Trung Quốc có thể áp dụng trên biển Đông.
Theo CFR, Trung Quốc có thể tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xây dựng các khả năng để thực thi một ADIZ và đang lắp đặt radar trên các đảo khác nhau trên biển Đông. Nếu Trung Quốc vẽ các đường cơ sở xung quanh quần đảo Trường Sa, mà một phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 coi là bất hợp pháp, thì có nghĩa là họ tuyên bố 10% của biển Đông là vùng biển nội địa, nơi không có tàu nước ngoài nào có thể xâm nhập mà không có sự cho phép của Bắc Kinh (Trung Quốc đã thực hiện việc này quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974). Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các tuyến thương mại, nghề cá và quyền đánh cá, và tự do hàng hải qua các khu vực này.
Trung Quốc sau đó có thể đòi một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ các đường cơ sở này. Khu vực này sẽ bao gồm gần như toàn bộ biển Đông. Trung Quốc cho rằng các hoạt động trinh sát nước ngoài trong “vùng đặc quyền kinh tế của mình” mà không có thông báo trước và được cho phép là vi phạm và có thể bắt đầu thực thi cách giải thích này.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ cần tiếp tục tiến hành các hoạt động ở biển Đông, bao gồm cả trinh sát, để đảm bảo sẵn sàng trong một số tình huống, bao gồm cả việc phòng thủ của Úc, Nhật Bản, Philippines và Đài Loan. Các tuyên bố về EEZ từ phía Trung Quốc có thể buộc Mỹ phải lựa chọn, hoặc duy trì các hoạt động liên tục, do đó có nguy cơ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, hoặc giảm bớt chúng, làm suy yếu các cam kết với đồng minh.
Mặc dù quan điểm của Trung Quốc về quyền EEZ là thiếu thuyết phục xét từ quan điểm pháp lý, nhưng có thể khó khăn cho Mỹ, đừng nói đến các quốc gia nhỏ hơn, trong việc đẩy lùi. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc là lớn nhất thế giới, với nhiều tàu hơn tất cả các nước láng giềng cộng lại. Mặc dù tuần duyên Mỹ đã bắt đầu hoạt động ở biển Đông, nhưng ở quy mô và tần suất hạn chế. Trong kịch bản này, Trung Quốc có thể sử dụng việc này như một cái cớ để tạo ra các chướng ngại vật lớn hơn, thường xuyên hơn cho các quốc gia khác, ngăn cản khả năng tiếp tế các tiền đồn của họ.
Kiểu chiến thuật “bên bờ vực chiến tranh” này sẽ tạo ra gánh nặng ngày càng leo thang đối với các bên yêu sách khác, có lẽ để thuyết phục họ từ bỏ các hòn đảo mà họ chiếm giữ. Nếu các quốc gia thỏa hiệp với yêu sách của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể kiểm soát các quốc gia Đông Á trong việc tiếp cận biển Đông, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc một đòn bẩy chưa từng có đối với các nước láng giềng, không ít là đồng minh của Mỹ.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có thể tham gia bảo vệ quyền tự do đi lại của tất cả các quốc gia, bất kể tình trạng liên minh, điều này sẽ leo thang vấn đề và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Các đồng minh và đối tác của Mỹ, chẳng hạn như Úc, Pháp và Anh, có thể sẽ thách thức Trung Quốc ở biển Đông, có khả năng dẫn đến đụng độ, khủng hoảng, leo thang, kéo Mỹ nhảy vào.
Mặc dù ít có khả năng, Trung Quốc có thể có hành động quân sự chống lại các bên yêu sách khác, hoặc thậm chí các tàu của Mỹ. Trung Quốc có thể chiếm đóng hoặc quân sự hóa bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, mà Mỹ đã thông báo rõ ràng là một lằn ranh đỏ có thể dẫn đến leo thang. Trung Quốc có thể sẽ làm điều này nếu Philippines quay qua ủng hộ Trung Quốc và nếu Trung Quốc bắt đầu xem các hoạt động của Mỹ là khiêu khích. Trung Quốc cũng có thể chặn thực phẩm, nước và binh lính của nước khác đến các đảo bị chiếm giữ, hoặc sử dụng lực lượng quân sự để chiếm đảo.