Ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc
7h30, lễ chào cờ trang nghiêm có sự hiện diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Dự lễ mít tinh còn có lãnh đạo Chính phủ Lào, Campuchia, Mexico và đại diện nhiều phái đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài diễn văn nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi công lao to lớn của toàn quân và dân ta trong trận đánh mang tính bản lề, thay đổi cục diện chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng, đánh đuổi thực dân Pháp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cựu chiến binh, chiến sĩ, nhân dân, dân công hỏa tuyến, lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng... đã có những đóng góp to lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là bài học về chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện. Bài học về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Là điểm tựa để chúng ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo.
“Vận dụng bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ về phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong công cuộc đổi mới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nhất quán, có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, Chủ tịch nước nói.
Thay mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, nhân chứng lịch sử của Điện Biên Phủ - đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu hồi tưởng lại lời dặn của Bác Hồ sau ngày chiến thắng: “Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành; phải luôn trung thực, thật thà, thẳng thắn học hỏi để tiến bộ”.
“Chúng tôi tin tưởng và mong rằng thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đại tá Phùng Văn Khầu gửi gắm thế hệ trẻ.
Trước đó, vào lúc 6h sáng cùng ngày, tại Nghĩa trang A1 (TP Điện Biên Phủ), đoàn đại biểu Ban chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên; đại diện các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã thành kính đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sống lại ký ức hào hùng
Đúng 8h30, cuộc diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu. 54 thanh niên đại diện cho 54 dân tộc hộ tống Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo sau là quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Tiếp đó, khối quân kỳ do Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dẫn đầu diễu qua lễ đài. Mô hình chiến thắng Điện Biên Phủ đại diện cho hàng vạn chiến sĩ, dân công - những người làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu được tái hiện. Tiếp đó là khối chiến sĩ Điện Biên, sĩ quan lục quân, hải quân, các khối nam tự vệ, nữ dân quân, nữ du kích miền Nam, cựu chiến binh, công nhân, nông dân, đại biểu tầng lớp trí thức cách mạng, khối thanh niên, khối phụ nữ Việt Nam tiến vào lễ đài.
Tham gia diễu binh, diễu hành còn có các dân tộc tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...
Sau đúng 60 năm, cả Điện Biên Phủ như sống lại những ngày hừng hực khí thế, khi đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố lòng chảo. Khi 34 khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đi qua các đường Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp (TP Điện Biên Phủ), đồng bào hai bên đường đã hò reo không ngớt. Đoàn nghệ thuật gồm 500 nghệ sĩ cũng tham gia diễu hành trên đường phố trong sự nô nức chào đón, thưởng thức của hàng chục ngàn người dân địa phương và du khách.
Trong những ngày này tại nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ… cũng chật kín cựu binh, đồng bào Thái, Mông để tưởng nhớ rất nhiều người đã ngã xuống cho ngày chiến thắng.
Bà Lò Thị Minh (80 tuổi dân tộc Thái) vui vẻ cho biết, bà được con trai đưa tới Điện Biên Phủ từ 5h sáng để chứng kiễn lễ diễu binh diễu hành, và để nhớ lại một thời hào hùng 60 năm trước khi bà chào đón bộ đội Cụ Hồ tại lòng chảo Điện Biên. “Khi Điện Biên Phủ được giải phóng, bộ đội Cụ Hồ từ khắp nơi đổ về, chúng tôi đã đổ ra đường đón chào bộ đội. Dù 60 năm đã qua tôi vẫn thấy rất háo hức, xúc động”.