Chiến lược nào giúp Nga bảo đảm an ninh trong bối cảnh 'địa - chính trị mới'?

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với kế hoạch hiện đại hoá hải quân và lực lượng hàng không vũ trụ, Nga sẽ sớm trang bị thêm vũ khí siêu thanh và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tác chiến điện tử, nhằm gia tăng sức mạnh chiến đấu và răn đe chiến lược.

Đầu tháng 11/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc họp về quốc phòng, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo quân đội và các doanh nghiệp trong tổ hợp công nghiệp - quân sự.

Nội dung thảo luận về việc trang bị cho quân đội Nga những vũ khí công nghệ cao, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian mới, vốn được phát triển dựa trên các nguyên tắc kỹ thuật mới.

Các chuyên gia cho rằng, các loại vũ khí và thiết bị quân sự mới này cho phép Nga đảm bảo an ninh vững chắc trước thay đổi của tình hình địa chính trị hiện nay.

Hiện đại hóa hải quân

Hôm 1/11 tại Sochi, Tổng thống Putin đã chủ trì cuộc họp đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp mùa thu liên quan đến vấn đề quốc phòng. Theo truyền thống, Tổng thống Nga tổ chức 2 loạt cuộc họp như vậy mỗi năm - vào mùa xuân và mùa thu.

Định dạng này giúp phân tích toàn diện khả năng quốc phòng của đất nước một cách thường xuyên. Và nếu cần thiết, kịp thời sửa chữa, cập nhật các kế hoạch hiện đại hóa lục quân và hải quân, đồng thời cải thiện hoạt động của các doanh nghiệp trong tổ hợp công nghiệp-quân sự.

Phiên họp đầu tiên bàn về các vấn đề trang bị vũ khí, khí tài hiện đại cho Hải quân Nga và tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Theo đó, “một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là trang bị vũ khí hiện đại cho Hải quân Nga. Trong 4 năm qua, Hải quân đã đưa vào biên chế 49 tàu và xuồng chiến đấu mới, 9 hệ thống tên lửa bờ biển, 10 máy bay”, ông Putin nói.

Chiến lược nào giúp Nga bảo đảm an ninh trong bối cảnh 'địa - chính trị mới'? ảnh 1
Tổng thống Putin họp bàn với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga. Ảnh: kremlin.ru.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết việc thành lập các nhóm tấn công hải quân hoạt động ở vùng biển gần sắp hoàn thành và các tàu chiến mới ở vùng biển xa đang được xây dựng. Hiện hơn 30 chiếc tàu đang được đóng và hiện đại hóa, bao gồm các tàu tấn công đổ bộ và tàu chiến thông thường. Theo ông Putin, đến năm 2027, khả năng trang bị vũ khí hiện đại của Hải quân Nga phải vượt quá 70%.

Thảo luận về lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa, Tổng thống Putin cho biết, tỷ lệ vũ khí và trang thiết bị hiện đại sẽ tăng lên ít nhất 80% vào giai đoạn 2025-2027. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến việc phát triển hệ thống kiểm soát phòng thủ vũ trụ, và ngăn chặn tấn công từ vũ trụ, bao gồm các mục tiêu siêu thanh và tên lửa đạn đạo.

Nhà lãnh đạo Nga cũng quan tâm đến việc phát triển của lực lượng máy bay không người lái (UAV) ở trong nước. “Chúng ta biết rất rõ nó (máy bay không người lái) đã chứng tỏ khả năng trong các cuộc xung đột vũ trang trong những năm gần đây. Hiệu quả và mức độ nguy hiểm của nó được ghi nhận ở Syria, nơi các cuộc tấn công khủng bố tiến hành với sự trợ giúp của thiết bị không người lái”, ông Putin nói.

Vũ khí siêu thanh và công nghệ AI

Tại phiên họp cuối cùng trong chuỗi sự kiện tại Sochi, Tổng thống Putin thông báo việc hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh Zircon. Từ năm 2022, vũ khí siêu âm này sẽ bắt đầu được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga.

“Trong quá trình thử nghiệm, tên lửa đạt kết quả chính xác, hoàn thành nhiệm vụ, và đã bắn trúng các mục tiêu trên mặt đất và trên biển từ các vị trí chìm và từ tàu nổi”, nhà lãnh đạo Nga nói.

Ngoài ra, trong các cuộc thử nghiệm, đặc tính của các loại vũ khí đầy triển vọng khác như: Tổ hợp siêu thanh Avangard, Kinzhal và hệ thống laser Peresvet đã được xác nhận.

Theo chuyên gia quân sự Alexei Leonkov, việc Hải quân Nga áp dụng tên lửa siêu thanh trên biển sẽ thay đổi về chất cán cân sức mạnh. “Cùng với số lượng tàu chiến và tàu ngầm mới, sức mạnh chiến đấu sẽ tăng lên theo cấp độ. Ngoài ra, các tên lửa siêu thanh có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hàng nghìn km một cách nhanh chóng và chính xác. Các tên lửa sẽ được lắp đặt trên tất cả các tàu nổi và tàu ngầm, như tàu lớp Yasen thuộc Dự án 885-M”.

Theo chuyên gia, nhờ tên lửa siêu thanh Zircon, Nga sẽ kiềm chế kẻ thù tiềm tàng từ xa và có thể mở rộng “vùng hạn chế và từ chối tiếp cận” và cơ động thêm gần 3.200km. Trong khi các hệ thống chống tên lửa ngăn chặn Zircon vẫn chưa xuất hiện, Nga sẽ duy trì lợi thế trong một thời gian dài, và buộc các cường quốc hải quân sẽ phải suy nghĩ lại trước khi có ý định gây hấn.

Tại cuộc họp, ông Putin cũng lưu ý việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quân đội đang được ưu tiên. Theo đó, chúng có khả năng tạo ra bước đột phá về chất trong việc cải thiện các đặc tính chiến đấu của vũ khí.

“Các công nghệ như vậy nên được sử dụng tích cực hơn trong các hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí, các phương tiện liên lạc và truyền dữ liệu, cũng như các hệ thống tên lửa chính xác cao”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Ngoài ra, công nghệ này cũng cần được triển khai trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo người máy triển vọng, với mức độ tự chủ cao hơn trong việc đảm bảo kiểm soát các máy bay không người lái và các phương tiện dưới biển sâu. “Tất cả những ưu tiên và nhiệm vụ này cần được phản ánh đầy đủ trong chương trình vũ khí trang bị mới của nhà nước cho đến năm 2033”, ông Putin nói.

Theo chuyên gia Alexei Leonkov, các thành phần thông tin hiện là phần chính của tác chiến quân sự hiện đại, và trong tương lai tầm quan trọng của chúng đối với hoạt động chỉ huy và kiểm soát quân sự, cũng như các hệ thống vũ khí hiện đại sẽ ngày càng phát triển.

Nga đã đi theo hướng tạo ra hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động. Theo đó, các cuộc thử nghiệm cuối cùng của các hệ thống này được thực hiện trong khuôn khổ cuộc tập trận Zapad-2021, khi có khoảng 200.000 quân nhân Nga và Belarus tham gia huấn luyện chiến đấu tại 14 bãi tập.

Chiến lược nào giúp Nga bảo đảm an ninh trong bối cảnh 'địa - chính trị mới'? ảnh 2
Tên lửa Zircon phóng thành công trên biển và sớm đưa trang bị vào năm 2022. Ảnh: globallookpress.com.

Răn đe chiến lược

Theo Tổng thống Putin, sự phát triển của các loại vũ khí tiên tiến trong nhiều thập kỷ đã đảm bảo mức độ an ninh quân sự cấp cao của Nga, và giúp tăng cường tính cân bằng chiến lược.

“Việc chế tạo ra các loại vũ khí laser, siêu thanh, động năng và các loại vũ khí khác chưa có trên thế giới, đã trở thành bước đột phá thực sự trong lĩnh vực công nghệ quân sự, làm tăng đáng kể khả năng của các lực lượng vũ trang Nga trong nhiều năm tới”, ông Putin nói.

Chuyên gia Alexei Leonkov cho rằng nhờ các công nghệ trên, quân đội Nga có thể ngăn chặn kẻ thù ở khoảng cách xa hơn so với biên giới của đất nước. “Lợi thế này cho phép chúng ta tiến xa đến mức những quốc gia đang ấp ủ kế hoạch gây hấn, chưa thể sẵn sàng cho việc này”.

Theo Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng, Igor Korotchenko, tất cả các lực lượng vũ trang Nga đang phát triển theo xu hướng công nghệ hiện đại. “Vũ khí mới mở ra bối cảnh địa chính trị mới, trong đó một cuộc chiến chống lại Nga là vô nghĩa”. Bởi vì trong cuộc tấn công trả đũa của Nga, những vũ khí mới này có thể tạo ra tác động thảm khốc đối với kẻ thù tiềm tàng.

“Chúng ta có một nền tảng vũ khí mang đến cảm giác tự tin trong tình hình chính trị-quân sự phức tạp trên thế giới hiện nay, mà không cần lo lắng về bất kỳ mối đe dọa và lệnh trừng phạt nào”, chuyên gia khẳng định.


Link gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/chien-luoc-nao-giup-nga-bao-dam-an-ninh-trong-boi-canh-dia-chinh-tri-moi-676686

Theo QĐND
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.