Chiến dịch diệt tàu ngầm bằng bom hạt nhân của Mỹ

Quả bom hạt nhân kích nổ trong lòng biển tạo ra cột nước phóng xạ cao 240 mét, làm điếc toàn bộ cá voi ở Thái Bình Dương.

Trong thời kỳ đỉnh điểm cuộc chạy đua hạt nhân vào thập niên 1950, hải quân Mỹ từng tiến hành chiến dịch Wigwam để tìm hiểu sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân dưới lòng biển. Đây là một trong những dự án tiêu tốn nhiều tiền của nhất của lực lượng này, theo War Is Boring.

Chuyên gia quân sự Steve Weintz cho biết Mỹ mất tới ba năm để chuẩn bị cho chiến dịch Wigwam. Các nhà khoa học chọn một vùng biển cách xa các tuyến hàng hải trên Thái Bình Dương, cách thành phố San Diego 800 km về phía tây nam làm khu vực thử nghiệm. Vùng biển sâu gần 5000 mét này có biệt danh "sa mạc sinh học" vì có rất ít sinh vật biển tồn tại. Khoảng cách 800 km được cho là đủ xa để đảm bảo an toàn cho người dân ở San Diego, trong khi vẫn trong tầm giám sát của căn cứ hải quân trên bờ.

Để tiết kiệm chi phí, nhà máy đóng tàu Long Beach chế tạo ba vỏ tàu ngầm kích cỡ bằng 80% tàu thật để lắp thiết bị đo dữ liệu phóng xạ và tình trạng nước biển. Mỗi tàu mô hình này dài 42 m, rộng 6m, được sơn trắng. Nhiều khối nặng được bố trí trong tàu để mô phỏng động cơ và thiết bị thực tế. Tàu ngầm mô hình còn được lắp hệ thống bể dằn để hỗ trợ nổi hoặc lặn như tàu thật.

 Tàu USS Tawasa kéo theo gần 10 km dây cáp, sà lan, phao nổi và tàu ngầm giả  đến bãi thử, dưới sự hộ tống của 30 chiến hạm gồm tàu đổ bộ, tàu sân bay USS Wright và một tàu chỉ huy.

Thiết bị hạt nhân dùng trong chiến dịch Wigwam là bom chìm Mk-90 "Betty" có sức công phá 30 kiloton, gấp đôi quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima. Bom đặt trong vỏ thép được thiết kế đặc biệt, chịu được áp suất ở độ sâu 600 m. Tàu ngầm mô hình được neo ở độ sâu 80-90 m, cách quả bom thử nghiệm 1,5-4 km.

Chiến dịch diệt tàu ngầm bằng bom hạt nhân của Mỹ ảnh 1

Mô hình tương tự quả bom trong chiến dịch Wigwam. Ảnh: Nuclear Weapon Archive.

Ngày 14/5/1955, hải quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm nhưng gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Một tàu ngầm mô hình không thể lặn xuống do trục trặc kỹ thuật, buộc các kỹ sư phải biến nó thành mục tiêu nổi.

Sau khi bố trí xong, các tàu chiến rút lui tới vị trí cách khu vực thử nghiệm 8 km, chỉ để lại hai tàu hàng hoán cải để đo phóng xạ và thử nghiệm khả năng tẩy độc. Thủy thủ đoàn trên hai tàu rút vào các khoang được gia cố đặc biệt để chờ vụ nổ xảy ra.

Bom hạt nhân Betty phát nổ ở độ sâu 600 m, tạo ra khối bong bóng có đường kính hơn 114 m. Bong bóng khổng lồ này nổi lên mặt biển chỉ vài giây sau khi bom nổ, tạo thành cột nước phóng xạ cao tới 240 m.

Những đợt sóng cao 12 m từ tâm vụ nổ lan rộng hơn 1,5 km, khiến sà lan hỗ trợ bị chao đảo dữ dội. Âm thanh từ vụ nổ nhanh chóng xuất hiện trên thiết bị thăm dò đặt tại căn cứ hải quân Point Sur cách đó 1.600 km. Vụ nổ có khả năng làm tất cả những con cá voi ở Thái Bình Dương bị điếc.

30 phút sau vụ nổ, ô nhiễm phóng xạ lan rộng trong vùng biển rộng 8 km vuông. Chỉ số phóng xạ trên mặt biển đo được là 250 REM, đủ gây chết người, nhưng nhanh chóng giảm xuống và tiêu tan sau 24 giờ. Hải quân Mỹ sau đó kết luận tàu chiến và máy bay có thể hoạt động quanh khu vực thử nghiệm một cách an toàn.

Thủy thủ trên hai tàu hàng sống sót sau vụ nổ nhờ được che chắn và trang bị hệ thống khử phóng xạ. Nếu tàu bị hỏng động cơ hoặc không có các biện pháp bảo vệ, phóng xạ trên mặt biển trong một giờ đầu có thể khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Chiến dịch diệt tàu ngầm bằng bom hạt nhân của Mỹ ảnh 2

Tàu chiến Mỹ theo dõi vụ nổ từ khoảng cách 8 km. Ảnh: Wikipedia.

Chiến dịch Wigwam chứng tỏ mức độ hiệu quả của vũ khí hạt nhân trong tác chiến chống ngầm. Mô hình tàu ngầm cách tâm nổ 1,5 km bị chìm trong tích tắc, trong khi chiếc thứ hai sống sót sau vụ nổ nhưng bị chìm trên đường trở lại cảng San Diego. Hải quân Mỹ nhận định bom hạt nhân chìm có thể diệt tàu ngầm hiện đại ở khoảng cách hơn 1,5 km, phạm vi này sẽ tăng gấp đôi nếu mục tiêu là các loại tàu ngầm đời cũ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG