Bom hạt nhân, vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng nhất trong lịch sử, đòi hỏi một loạt quy tắc an toàn để ngăn chặn sự cố bất ngờ có thể gây ra thảm họa. Tuy nhiên, quân đội Mỹ từng không ít lần chứng kiến những sự cố "toát mồ hôi hột" với bom hạt nhân, theo War History.
Vụ thử nghiệm tấn công Liên Xô năm 1950
Trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ cho rằng khả năng ném bom hạt nhân trong thời tiết lạnh giá là cần thiết, đề phòng trường hợp cần trả đũa Liên Xô vào mùa đông. Năm 1950, một oanh tạc cơ B-36 mang theo bom hạt nhân chứa thuốc nổ thông thường và urani, nhưng không có lõi plutoni để tạo vụ nổ hạt nhân.
Sau 6 giờ bay từ bang Alaska đến Florida, chiếc B-36 gặp sự cố vì thời tiết lạnh. Một nửa động cơ ngừng hoạt động, buộc phi hành đoàn phải thả bom để đảm bảo an toàn. Quả bom phát nổ ở vùng hoang vu thuộc Bristish Columbia, Canada nhưng không có thương vong nào được ghi nhận.
Mức độ ô nhiễm phóng xạ ở khu vực dân cư thưa thớt này cũng không được xác định rõ ràng. Phi hành đoàn sau đó nhảy dù khỏi máy bay và sống sót. Nếu chiếc B-36 mang theo một quả bom hạt nhân thật sự, hậu quả môi trường từ sự cố có thể rất nghiêm trọng, chưa kể tới hàng loạt vấn đề ngoại giao liên quan.
Máy bay chở bom hạt nhân bốc cháy
Ngày 8/5/1950, 10 oanh tạc cơ B-29 dự kiến bay từ bang California đến đảo Guam, mỗi chiếc chở theo một quả bom Mark 4 đã tháo lõi hạt nhân. Chúng có nhiệm vụ răn đe lực lượng quân đội Trung Quốc và có thể tham chiến tại Triều Tiên. Trong số này có một máy bay chở theo tướng Robert Travis, tư lệnh Không đoàn ném bom số 9. Tuy nhiên, trên hành trình, chiếc máy bay này gặp trục trặc kỹ thuật và phải quay lại căn cứ.
Phi công điều khiển chiếc B-29 buộc phải hạ cánh khẩn cấp, nhưng sự cố động cơ khiến máy bay tròng trành và đâm xuống đất. Cú va chạm khiến 10 trong số 20 thành viên phi hành đoàn và hành khách chết tại chỗ. Tướng Travis và một người khác sống sót sau cú đâm, nhưng tử vong trên đường cấp cứu vì vết thương quá nặng.
Tai nạn này khiến tổng cộng 19 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, được đánh giá là một trong những sự cố hạt nhân gây nhiều thương vong nhất lịch sử, trừ các vụ lò phản ứng hạt nhân tan chảy.
Oanh tạc cơ hạt nhân mất tích
Năm 1956, một oanh tạc cơ B-47 bay từ bang Florida đến một căn cứ tại Morocco bên bờ Địa Trung Hải. Theo kế hoạch, máy bay có hai lần hạ cánh để tiếp liệu trong hành trình này. Sau chặng dừng chân đầu tiên, chiếc B-47 bất ngờ biến mất trên bầu trời châu Phi.
Oanh tạc cơ này chở theo hai quả bom hạt nhân có lõi, nhưng không chứa thuốc nổ để kích hoạt. Bất chấp nỗ lực tìm kiếm của quân đội Mỹ, chiếc B-47 cùng phi hành đoàn và hai quả bom vẫn chưa được tìm thấy.
Bom hạt nhân mất tích năm 1958
Mỹ thường xuyên diễn tập ném bom hạt nhân trong thập niên 1950, khiến nguy cơ xảy ra sự cố tăng cao. Năm 1958, một oanh tạc cơ B-47 va chạm với tiêm kích F-86 trên bầu trời ngoài khơi bang Georgia và Nam Carolina. Phi công F-86 phóng ghế thoát ly an toàn, trong khi phi hành đoàn B-47 phải đánh giá tình hình thiệt hại. Khi đó, chiếc oanh tạc cơ đang mang theo một quả bom hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi đánh giá thiệt hại, phi công B-47 quyết định thả bom để bảo đảm an toàn khi hạ cánh. Nó rơi xuống vùng biển nông và chìm sâu dưới lớp bùn lầy của đảo Tybee, ngay cạnh thành phố Savanna, bang Georgia. Quân đội Mỹ mất nhiều tháng để tìm kiếm nhưng không thể thu hồi quả bom này. Một số đợt dò tìm được tiến hành trong thập niên 2000 nhưng không đem lại kết quả nào.
Thảm họa Palomares năm 1966
Thảm họa xảy ra ở Palomares, Tây Ban Nha năm 1966 là một trong những sự cố phức tạp nhất liên quan đến quá trình tiếp liệu trên không. Một oanh tạc cơ B-52 va chạm với máy bay tiếp liệu và làm gãy cần tiếp dầu. Cú va chạm khiến máy bay tiếp liệu nổ tung, toàn bộ phi hành đoàn 4 người trên máy bay tiếp liệu và ba người trên chiếc B-52 thiệt mạng. Chiếc B-52 sau đó vỡ tan, buộc những người còn lại nhảy dù, trong khi 4 quả bom hạt nhân rơi xuống gần bờ biển Tây Ban Nha.
Một quả khác rơi xuống lòng sông nhưng không phát nổ. Hai quả bom hạt nhân còn lại phát nổ gần làng Palormares. Dù không xảy ra vụ nổ hạt nhân, vật liệu phóng xạ vẫn bị bắn ra bán kính nhiều km.
Hàng tấn khoai tây và đất nhiễm xạ phải chuyển đến bãi thải hạt nhân sau sự cố, rất may là không ai tại làng Palormares thiệt mạng. Một nhà máy lọc nước biển và hóa chất được xây sau đó để cung cấp nước sạch cho khu vực, trong khi nhiều khu dân cư được bồi thường nửa triệu USD cho việc tái định cư.
Oanh tạc cơ chở vũ khí hạt nhân đến bãi thải năm 2007
Năm 2007, không quân Mỹ loại biên một oanh tạc cơ B-52 và quyết định đưa nó từ căn cứ ở bang Bắc Dakota đến nghĩa địa máy bay ở Louisiana. Trước khi máy bay cất cánh lần cuối, sĩ quan thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ khí tài trên chiếc oanh tạc cơ vốn mang theo 12 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân này.
Tuy nhiên, sĩ quan đó chỉ kiểm tra một bên máy bay và cho tháo bỏ 6 quả tên lửa, sau đó duyệt cho chiếc B-52 cất cánh. Đến khi hạ cánh xuống nghĩa địa máy bay, phi công mới hoảng hốt phát hiện họ đã mang theo 6 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân sẵn sàng chiến đấu ở bên kia oanh tạc cơ trong suốt hành trình.
Dù không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra trong vụ việc này, đó vẫn là sai lầm tệ hại của không quân Mỹ khi để vũ khí hạt nhân di chuyển trên lãnh thổ mà không có biện pháp bảo vệ phù hợp, có thể dẫn tới một thảm họa hạt nhân nghiêm trọng hơn nhiều.