Chiến dịch chống 'kẻ nổi loạn' Donald Trump

Donald Trump.
Donald Trump.
TP - Những phát ngôn gây sốc của tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ bị thổi bùng lên một cách khác thường chính là những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm ngăn cản ông bước vào ngôi nhà quyền lực này.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, nguyên nhân thật sự khiến giới thượng lưu chính trị truyền thống Mỹ phẫn nộ không phải là những lời tuyên bố gay gắt và “quá quắt” của Trump mà là nỗi khiếp sợ trước vị chính khách nằm ngoài hệ thống này. Họ lo sợ Trump có thể bước vào Nhà Trắng.

Lẽ ra vụ gia đình Hồi giáo nổ súng sát hại 14 người tại California phải gây chấn động dư luận trong nhiều tuần lễ, thế nhưng nó đã đột ngột lùi vào bóng tối. Trung tâm chú ý của dư luận Mỹ bị thu hút về phía ứng viên Tổng thống sáng giá nhất của đảng Cộng hoà Donald Trump, hay chính xác hơn, về phía phản ứng của Trump đối với vụ khủng bố nói trên. 

Donald Trump đề nghị cấm hoàn toàn những dân di cư Hồi giáo vào Mỹ. Những lời tuyên bố của Trump đã gây cơn bão đáp trả. Ông bị cáo buộc đã vi phạm Hiến pháp Mỹ và tiếp tay cho tổ chức khủng bố IS. Hơn thế nữa, chiến dịch chống Trump nhanh chóng lan khắp thế giới. London đề nghị cấm Trump vào Anh, các Thủ tướng Anh và Pháp ra tuyên bố lên án Trump, Viện Tôn giáo Ai Cập gọi những lời tuyên bố của Trump là “ngôn ngữ căm thù”, ngay cả Cơ quan cao ủy LHQ về người tị nạn cũng tỏ ý lo ngại về lập trường của Trump. Giới truyền thông cũng nhập cuộc. Tờ The Washington Post đăng bài “Thế giới phản ứng trước đề nghị của Trump về việc cấm người Hồi giáo vào Mỹ” với hàng chục đoạn trích dẫn lên án Trump. Trang mạng BBC cũng không ngần ngại gia nhập chiến dịch chống Trump, so sánh Trump với Voldemort (Chúa tể Hắc ám trong tác phẩm Harry Porter).

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, nhiều khả năng Nhà Trắng dùng chính những lời tuyên bố của Trump để dìm ông xuống bùn đen. Nhưng chiến dịch bôi nhọ Trump kéo dài suốt nửa năm qua đã không những không thành công mà còn dẫn đến kết quả ngược lại. Trump thể hiện cuộc “nổi loạn” chống lại hệ thống chính trị truyền thống 2 đảng của “bộ máy Washington” và vì thế ngày càng được nhiều người ủng hộ.

Những cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Trump giành được sự ủng hộ của khoảng từ 27% đến 36% cử tri đảng Cộng hoà, bỏ xa những ứng viên khác từ 10% đến 20%. Ứng viên “chính thống” hơn hết của đảng Cộng hoà Jeb Bush chỉ được khoảng 3 – 4% ủng hộ. 

Nếu chống Trump không thành công thì đành tìm cách thoả hiêp với ông và khuyên ông từ bỏ ý định ra tranh cử. Nhưng khó khăn chính không phải là những quan điểm của Trump mà là bản chất con người ông. Trump là một nhân vật nằm ngoài hệ thống và “không thể điều khiển được”, là nhân vật xa lạ (nếu không muốn nói là thù địch) với “bộ máy Washington”. Vì thế, thỏa hiệp với ông là chuyện không thể.

Việc Trump vững vàng tiến đến thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ bắt đầu vào đầu năm 2016 khiến Ban Lãnh đạo đảng Cộng hoà bối rối nhưng họ cũng chẳng thể làm gì. Hơn thế nữa, nếu trong thời gian gần đây Trump mới chỉ là nỗi đau đầu với Ban Lãnh đạo đảng Cộng hoà thì giờ đây ông ta trở thành tai hoạ đối với toàn bộ giới thượng lưu chính trị chính thống Mỹ. Họ đành trông chờ vào ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và sẵn sàng chấp nhận ứng viên Phó Tổng thống là người của đảng Cộng hoà. Nhưng trong vài tuần gần đây, bà Hillary đang mất dần ưu thế. Không chỉ hãng Thông tấn bảo thủ Fox đặt bà dưới tất cả các ứng viên chủ chốt của đảng Cộng hoà mà ngay cả hãng CNN cũng xác nhận bà thua kém nhiều ứng viên đảng Cộng hoà.

Còn về Trump, cũng theo CNN, bà Hillary chiếm ưu thế với tỷ lệ sát nút 49:46 nhưng đó là vào lúc này, khi chưa diễn ra cuộc “quyết đấu” trực tiếp giữa hai người. Sau 10 tháng nữa, khi họ gặp nhau với tư cách ứng viên Tổng thống chính thức của 2 đảng Cộng hoà và Dân chủ trong cuộc tranh luận công khai trên truyền hình, bà Hillary có nhiều khả năng sẽ thất bại cay đắng.

Vậy phải làm gì đây để chặn đứng “cơn ác mộng” Trump?  

Theo giới phân tích, có thể có 3 biện pháp. Thứ nhất, tiếp tục chiến dịch đánh sập uy tín của Trump. Nhưng kinh nghiệm cho thấy một chiến dịch như vậy sẽ chỉ đem lại kết quả hạn chế và tạm thời, sẽ mau chóng bị đông đảo cử tri quay lưng lại.

Thứ hai, không để Trump ra ứng cử với tư cách đại diện của đảng Cộng hoà. Đại diện Nhà Trắng mới đây tuyên bố Trump, vơi những lời lẽ chống người Hồi giáo, không đủ tư cách và không có quyền trở thành Tổng thống Mỹ. Nhưng đảng Cộng hoà khó lòng đồng ý bởi vì như vậy đồng nghĩa với việc đưa 2 tay dâng Nhà Trắng cho đảng Dân chủ. Chỉ có một cách thực hiện ý đồ này: Nếu Trump chỉ dành được đa số tương đối phiếu của đại cử tri thì tất cả những ứng viên còn lại thuộc cả 2 đảng sẽ đoàn kết lại chung quanh một ứng viên nào đó để ứng viên này có thể chiến thắng Trump. Tuy nhiên, đây là cách làm hết sức phức tạp và dễ gây tai tiếng.

Thứ ba, triệt để gạt Trump khỏi chiến dịch tranh cử. Chẳng hạn, làm thế nào để Trump bất ngờ bị “đau tim”. Biện pháp này tuy “đơn giản” nhưng lại hàm chứa mối nguy hiểm khôn lường.

Chiến dịch bôi nhọ Trump kéo dài suốt nửa năm qua đã không những không thành công mà còn dẫn đến kết quả ngược lại. Trump thể hiện cuộc “nổi loạn” chống lại hệ thống chính trị truyền thống 2 đảng của “bộ máy Washington” và vì thế ngày càng được nhiều người ủng hộ.

Theo Theo Vzglyad.ru
MỚI - NÓNG