Ngày 19/3, thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 575/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A.
Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hoàng Phú Hiền làm Phó Trưởng ban Thường trực. Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt làm Phó Trưởng ban. Thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Thanh tra tỉnh và Ban tiếp công dân tỉnh.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo giao dự toán nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương sử dụng kịp thời theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi các địa phương thực hiện giải ngân số vốn được giao theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với các phương án chi trả, bảo đảm không phát sinh khiếu kiện, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An |
Trước đó, ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả theo phương án của UBND tỉnh trình tính đến hết 31/12/2022) để chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Nghệ An.
Ngày 27/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1702/QĐ-TTg giao bổ sung 1.275 tỷ đồng dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho tỉnh Nghệ An để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 73,8km, đi qua địa bàn thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, 3 huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hình thức BOT. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2014, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo thông suốt cho huyết mạch giao thông Bắc - Nam.
Tuy nhiên, do quá trình triển khai có một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết triệt để, nên sau khi dự án hoàn thành, nhiều công dân đã có đơn khiếu kiện yêu cầu bồi thường đối với phần diện tích đất của các hộ gia đình nằm trong hành lang giao thông đã bị giải tỏa khi thực hiện dự án PMU1 thời điểm năm 1994 - 1998, trước đây mới được bồi thường tài sản trên đất, chưa được bồi thường về đất.
Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2020 dự án đã được cấp bổ sung số tiền 222,388 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để ưu tiên cho các trường hợp sử dụng đất trước năm 1982, đủ điều kiện bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp còn lại qua giải quyết đơn thư từ năm 2021 đến nay đã được kết luận đủ điều kiện bồi thường theo quy định pháp luật, UBND tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát số liệu đề xuất bổ sung để chi trả cho các hộ dân tính đến ngày 31/12/2022 là 1.282,52 tỷ đồng.