Vì sao phải mua dự án BOT 'chết yểu'?

Chi để 'cứu' nhà đầu tư, cơ quan quản lý

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước việc Bộ GTVT đề xuất chi ngân sách hơn 13,1 nghìn tỷ đồng để mua lại các dự án BOT có trạm thu phí đang vỡ phương án tài chính, dư luận cho rằng, đề xuất này không chỉ “cứu” nhà đầu tư mà còn “cứu” cả cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ. Ðể xảy ra tình trạng dự án một nơi, trạm một nẻo, phí chồng phí, quy hoạch chồng chéo… được cho là có trách nhiệm lớn của cơ quan ký hợp đồng dự án giao thông BOT...
Chi để 'cứu' nhà đầu tư, cơ quan quản lý ảnh 1
Trạm thu phí cho dự án đường Thái Nguyên – Bắc Kạn đang bỏ không vì bị người dân phản đối. Ảnh: Anh Trọng

TS Trần Danh Lợi, Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam (VIBRA) cho rằng, sau khi triển khai ồ ạt và thiếu tiêu chí rõ ràng, các dự án BOT tại Bộ GTVT đã được Quốc hội yêu cầu bộ chủ quản rà soát, có báo cáo kết quả, khắc phục những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Tuy nhiên, trong giải trình của Bộ GTVT tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2022, và tại các văn bản Bộ GTVT báo cáo Chính phủ gần đây, Bộ GTVT cũng chỉ đưa ra giải pháp là rà soát, sắp xếp lại cho hợp lý. Với các dự án BOT có trạm thu phí đặt không đúng vị trí, Bộ GTVT đưa ra giải pháp khắc phục là chi ngân sách để mua lại. Chưa thấy tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm về những dự án BOT được Quốc hội chỉ ra có tồn tại, yếu kém. “Như vậy là chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa sòng phẳng với trách nhiệm được giao…”, TS Trần Danh Lợi nói.

Theo TS Trần Danh Lợi, mục tiêu xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là giảm gánh nặng cho ngân sách, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước. Nay với các dự án có trạm thu phí đặt sai vị trí, Nhà nước lại phải chi ngân sách mua lại là đi ngược chủ trương này.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, một số dự án BOT có trạm thu phí được xác định là có bất cập về quy hoạch, đặt sai vị trí đang gây bức xúc dư luận nhưng đến thời điểm hiện nay Bộ GTVT vẫn chưa có phương án giải quyết rõ ràng, dứt điểm. Đánh giá về các dự án đang gặp nhiều vướng mắc về vị trí đặt trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, theo chủ trương của Nhà nước, các dự án BOT phải triển khai trên đường độc đạo, là dự án xây dựng mới và đảm bảo hài hòa lợi ích người dân - doanh nghiệp - Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cơ quan có thẩm quyền khi cho triển khai dự án BOT trên đường Nhà nước đã đầu tư xây dựng, sau đó lại cho phép đặt trạm ngoài phạm vi dự án. Dự án xây cầu Thái Hà khi triển khai còn quy hoạch cầu này trên sông Hồng chồng chéo khi chỉ 5 km có tới 2 cầu (một cầu BOT, một cầu xây bằng vốn tài trợ của quốc tế không thu phí), “Có chung mục tiêu kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình nhưng với khoảng cách chỉ 5 km mà cho xây đến 2 cầu là quá nhiều. Thực trạng này ngoài phá hỏng phương án tài chính của dự án còn gây lãng phí ngân sách nhà nước” ông Quyền nói.

Dùng ngân sách mua dự án BOT là không hợp lý

Ðề cập kết quả thực hiện Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) cho hay, về cơ bản, cả 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Ðiều 2 của Nghị quyết đã được Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, từng bước khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải toả bức xúc trong dư luận xã hội.

UBKTQH cho rằng, đối với các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu đã dẫn đến bất cập, vướng mắc, do đó, Bộ GTVT đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ.

Mua lại với giá nào?

Từ khoản chi 13.115 tỷ đồng mà Bộ GTVT vừa đề xuất Nhà nước mua lại 8 dự án BOT, nhiều chuyên gia cho rằng, giá mua lại nhiều trong số các dự án này cao hơn tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt.

Cụ thể, dự án cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng (thuộc địa phận 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam), tổng mức đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt là 1.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư cũng đã thu phí hoàn vốn cho dự án này được khoảng 3 năm nay, mỗi tháng được 3 tỷ đồng. Vì thế, Bộ GTVT đề xuất mua dự án này với mức giá 2.049 tỷ đồng đã cao hơn tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng).

Dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và dự án nâng cấp QL3 đoạn qua Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 2.747 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT đề xuất chi ra 3.250 tỷ đồng mua lại. Mức chi này đã vượt 503 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư.

Với dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, theo tính toán, doanh nghiệp phải thu 1.180 tỷ đồng thông qua thu phí tại trạm thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, trong phương án đề xuất mua lại trạm thu phí này, Bộ GTVT đề nghị chi 2.280 tỷ đồng. Số tiền này vượt 1.100 tỷ đồng (vượt 93%) so với tổng mức đầu tư dự án).

Lý giải về mức giá mua các dự án đưa ra như trên, đại diện Bộ GTVT cho rằng, trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và các điều khoản trong hợp đồng BOT, đều có quy định về một số trường hợp cơ quan quản lý và nhà đầu tư phải tính đến việc dừng, chấm dứt thực hiện hợp đồng do một số nguyên nhân thuộc diện bất khả kháng.

Cụ thể, Luật PPP có nội dung nêu việc chấm dứt hợp đồng dự án PPP, (trong đó có hợp đồng BOT) trước thời hạn, được áp dụng trong các trường hợp: Dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng khi các bên đã thực hiện những biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án; Dự án bị ảnh hưởng khi một trong các bên của hợp đồng vi phạm nghiêm trọng quy định về nghĩa vụ ghi trong hợp đồng. Hợp đồng BOT quy định: Trường hợp thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp với nhà đầu tư trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư về cơ chế, chính sách, đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho Nhà đầu tư.

Về cơ sở để xác định giá trị các dự án BOT mua lại, đại diện Bộ GTVT cho biết, điều này được xác định dựa trên chi phí gồm: Chi phí đầu tư xây dựng công trình dự án; Chi phí quản lý, bảo trì công trình sau khi khấu trừ từ phí đã thu; Lãi vay trong giai đoạn kinh doanh khai thác sau khi khấu trừ từ phí đã thu; Lợi nhuận vốn chủ của nhà đầu tư... Trong đó, đối với chi phí đầu tư xây dựng công trình và chi phí quản lý, bảo trì công trình dự án được xác định trên cơ sở giá trị quyết toán của cơ quan nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở các quy định của hợp đồng dự án, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xác định chuẩn xác chi phí…, đảm bảo nhà đầu tư có trách nhiệm có tỉ suất lợi nhuận hợp lý để chia sẻ với Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.