“Chết mòn” với mỹ phẩm dỏm - Bài cuối: Cơ quan quản lý dửng dưng!

Hàng loạt mỹ phẩm được chế từ hóa chất như thế này.
Hàng loạt mỹ phẩm được chế từ hóa chất như thế này.
TP - Đã có hàng trăm cuộc vây bắt hàng giả, hàng lậu…, hàng trăm văn bản đình chỉ, thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng, sử dụng chất cấm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng trên thị trường, mỹ phẩm giả vẫn bán tràn lan trước sự bất lực của cơ quan quản lý.

Điếc không sợ súng

Kiểm tra 4 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm mới đây tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương phát hiện hơn 3.350 hộp mỹ phẩm các loại nghi vấn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, có 91 hộp mỹ phẩm nhái và gần 2.900 hộp mỹ phẩm là sản phẩm của công ty (Cty) TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu mỹ phẩm Tân Đại Dương, ở TPHCM, thuộc mặt hàng bị Cục Quản lý dược phẩm, Bộ Y tế chỉ định thu hồi từ hơn 5 tháng qua.

Điều đáng nói, số mỹ phẩm của công ty này vẫn ngang nhiên được bán ra thị trường bất chấp đã có lệnh thu hồi đến... 3 lần. Không chỉ tại Bình Dương, khi chúng tôi ghé vào đại lý chuyên cung cấp mỹ phẩm lớn nhất TPHCM ở số 18, hẻm 33 phường 13, quận 5, có hàng nghìn hộp mỹ phẩm đã có lệnh thu hồi từ cơ quan chức năng hoặc nhái các thương hiệu nổi tiếng bán ở đây. 

Hỏi mua các sản phẩm Mủ trôm Sắc Ngọc Khang của Cty Tân Đại Dương, nhân viên cửa hàng cho biết mua bao nhiêu cũng có. “Có thu hồi gì đâu, sản phẩm vẫn bán rất chạy. Nơi đây tụi em toàn bỏ sỉ cho các cửa hàng ở khu vực miền Tây”- người này nói khi chúng tôi thắc mắc hàng đã thu hồi sao vẫn bán.

Tại các cửa hàng bán mỹ phẩm tại chợ Phú Lâm, quận 6 chúng tôi choáng ngộp trước một rừng mỹ phẩm bị thu hồi Mủ trôm Sắc Ngọc Khang của Công ty Tân Đại Dương. Khi chúng tôi yêu cầu xem loại kem trị nám, người đàn ông ở cửa hàng lấy ra một hộp có màu vàng sậm, rồi giới thiệu: “Loại kem này được chiết xuất từ mủ trôm, giá 132.000 đồng; nếu lấy sỉ sẽ được giảm  20%”. Khi thắc mắc sản phẩm bị thu hồi vẫn bán, người này nói có tem chống hàng giả, chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Sở Y tế TPHCM đàng hoàng nên cứ bán, không thấy nhà sản xuất nói thu hồi. 

Dù tháng 6/2015, Sở Y tế TPHCM đã quyết định thu hồi 30 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm Zalozing, Aichi, Aichi Yến Oanh do Sở Y tế TPHCM đã cấp cho Cty TNHH MTV sản xuất thương mại MP Yến Oanh ở quận 6, với lý do tại thời điểm kiểm tra, Cty không có máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và không thực hiện sản xuất mỹ phẩm tại địa chỉ ghi trên phiếu công bố... 

Mới đây, Cục Quản lý dược cũng ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 10 sản phẩm của Cty Yến Oanh gồm Aichi, Aichi Yến Oanh. Thế nhưng các sản phẩm này vẫn được bán vô tư như chưa hề có lệnh cấm. Trên trang web của Cty Yến Oanh các sản phẩm bị thu hồi vẫn ngang nhiên rao bán, thậm chí khi đặt hàng được giao tận nơi. 

Trước đó, 76 sản phẩm gồm Vedette, Josto, Josto Men của Cty TNHH Thương mại Mon ở quận 1, TPHCM cũng bị Sở Y tế TPHCM ra quyết định thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố... cũng như vậy, rất nhiều sản phẩm trong danh sách 76 phiếu công bố mỹ phẩm bị thu hồi nói trên vẫn chễm chệ tại các sạp chợ, cửa hàng.

“Chết mòn” với mỹ phẩm dỏm - Bài cuối: Cơ quan quản lý dửng dưng! ảnh 1

Nạn nhân của mỹ phẩm dỏm được BV Da liễu TPHCM điều trị. Ảnh L.N.

Làm ngơ

Sở Y tế TPHCM ra lệnh thu hồi hàng loạt mỹ phẩm Zalozing, Aichi, Aichi Yến Oanh hay Vedette, Josto, Josto Men... sau khi đơn vị này đã bán trót lọt ra thị trường và đến tay người tiêu dùng hàng triệu lọ mỹ phẩm. Điều đáng nói, theo quy định hiện tại, cơ sở sản xuất mỹ phẩm tự công bố sản phẩm sau đó đưa đến Sở Y tế để làm thủ tục công bố một cách khá dễ dàng. 

Với mỹ phẩm sản xuất trong nước, ngoài nộp bản công thức của mỹ phẩm công bố; bản tiêu chuẩn chất lượng của mỹ phẩm và phương pháp thử, phiếu kiểm nghiệm đặc biệt là giấy phép sản xuất của nhà máy, sau đó Sở Y tế mới cấp phép. 

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hàng loạt Cty bị thu hồi sản phẩm trên, đến khi Sở Y tế TPHCM đi kiểm tra mới biết họ không có nhà máy sản xuất hoặc đăng ký một nơi nhưng sản xuất một nẻo, mà cơ quan chức năng vẫn vô tư cấp phép dễ dàng.

“Khi họ đưa sản phẩm đến Sở Y tế để xin công bố, thấy phù hợp với thành phần thì cấp giấy”- một cán bộ y tế phân bua. Tuy nhiên, việc sản phẩm đó sản xuất ở đâu, công nghệ làm ra sản phẩm như thế nào thì ngành y tế... mù thông tin, chỉ đến khi hậu kiểm mới biết như trường hợp của Yến Oanh ở trên. 

Câu hỏi đặt ra là ngành y tế có tiếp sức cho mỹ phẩm dỏm tung hoành hay không? Một cán bộ của Quản lý thị trường TPHCM cho biết, phía đơn vị này không rõ mỹ phẩm nào bị thu hồi, danh sách cụ thể ra sao mà chỉ đi kiểm tra khi phát hiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hoặc hóa đơn chứng từ thì xử lý.

Theo đại diện Văn phòng phía Nam Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cơ quan chức năng đã thanh tra, phát hiện và xử phạt các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh nhập lậu mỹ phẩm nhái, không rõ nguồn gốc; tuy nhiên, gần như không quan tâm đến khâu hậu kiểm, thậm chí là không hề tiến hành kiểm tra thực tế trên thị trường khiến cho những sản phẩm bị thu hồi, giả, nhái vẫn được ngang nhiên bày bán.

 “Trước một rừng sản phẩm thật giả lẫn lộn như vậy, người tiêu dùng chắc chắn trở thành nạn nhân”- người này nói. Theo vị này, không ít trường hợp cơ quan quản lý ra văn bản đình chỉ sản xuất, lưu hành nhưng chỉ thông báo xử phạt cơ sở sản xuất, và trên trang web nội bộ  của cơ quan quản lý nhà nước mà không tiến hành kiểm tra thông báo đến các cửa hàng tiêu thụ những sản phẩm nói trên.

Dù ông Lê Tất Đạt- đại diện Cục Quản lý Dược nói với báo chí rằng sau ngày 31/7/2015, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc việc thu hồi sản phẩm mỹ phẩm có chứa dẫn chất paraben, một chất gây ung thư, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. 

Theo đó, nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài phạt tiền, sẽ rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm. 

Dù tuyên bố hùng hồn, ghi nhận của phóng viên tại các quầy mỹ phẩm ở chợ Thái Bình, quận 1; chợ Bà Chiểu tại Bình Thạnh hay chợ Bình Tây, quận 6...  những ngày qua cho thấy, các sản phẩm chứa chất ung thư bị thu hồi, cấm lưu hành vẫn tràn lan. 

“Chúng tôi không biết những thông tin về sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, phía đại lý vẫn giao và người tiêu dùng vẫn mua sử dụng thì chúng tôi vẫn bán”- người bán hàng nói.

Trao đổi về vấn đề này, phía quản lý thị trường cho rằng “quản không xuể”. Cơ quan này cũng không đủ nhân sự, chuyên môn để nắm được hết thông tin về những sản phẩm bị đình chỉ, thu hồi.  

Theo đại diện của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng muốn hiệu quả cần tập trung vào các chế tài xử phạt cơ sở kinh doanh, sản xuất. 

Cần có những khung phạt mạnh, đủ sức răn đe những cá nhân, tổ chức  sản xuất, tiêu thụ; Cá nhân tổ chức nào cố tình vi phạm hoặc tái diễn vi phạm, cần xử lý hình sự.

“Chết mòn” với mỹ phẩm dỏm - Bài cuối: Cơ quan quản lý dửng dưng! ảnh 2

Mỹ phẩm chứa chất cấm bị thu hồi nhưng vẫn bán ở số 18 phường 13, quận 5.

Đầu độc người tiêu dùng

TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết mỹ phẩm bôi vào da nếu sáng liền thì chắc chắn chứa corticoid.  “Nếu dùng mỹ phẩm chứa chất này lâu hơn 2 tuần thì da bị teo mỏng, giãn mao mạch, có thể nổi mụn, sạm da, thậm chí bị mập nước, suy thận, loãng xương, cao huyết áp, rối loạn điện giải sẽ rất khó hồi phục”- bác sĩ Diệp cảnh báo. 

Trong khi đó, bác sĩ Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TPHCM nói rằng những thành phần độc hại thường có trong mỹ phẩm giả là corticoid, paraben, formaldehyde, propylen glycol... 

Những chất này ngoài gây tàn phá làn da, dị ứng da, còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác: phổi, thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư... 

Theo bác sĩ Viện mỗi năm tại bệnh viện Da liễu TPHCM và Bệnh viện ĐH Y Dược có hàng trăm ca bị tổn thương da do dùng mỹ phẩm giả, nhái chứa độc chất. “Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp kịp thời, không quyết liệt ngăn chặn và xử phạt mạnh tay với hành vi làm mỹ phẩm trời ơi này người tiêu dùng lãnh hậu quả đầu tiên”- bác sĩ Viện kiến nghị.

Theo ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đa số những cơ sở làm mỹ phẩm nhái, dỏm đều rất sập sệ, không đảm bảo, hóa chất không rõ nguồn gốc trong khi những người làm mỹ phẩm không có kiến thức về lĩnh vực này. “Chúng tôi cũng bất ngờ không biết đơn vị cấp giấy phép có biết được điều kiện, trang thiết bị, nhân lực và cơ sở của đơn vị ra sao để cấp phép hay không?” - ông Hùng nói khi đi kiểm tra thực tế các cơ sở làm mỹ phẩm dỏm vừa qua. 

MỚI - NÓNG