Châu Âu đảo lộn vì núi lửa

Châu Âu đảo lộn vì núi lửa
TPO - Đám mây bụi núi lửa đang từ Iceland lan rộng khắp châu Âu, gây ra những tình huống chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực tại châu lục này, sau gần một tuần vận tải hàng không bị tê liệt.

>> Hàng không châu Á điêu đứng vì núi lửa tại Iceland

Cho đến hôm nay, 20 - 4, vẫn chưa thể biết rõ sự gián đoạn về giao thông đường không do vụ núi lửa phun ở châu Âu sẽ kéo dài đến khi nào và bao giờ không phận châu lục này được mở lại như bình thường. Tuy nhiên, trong khi các chuyến bay tiếp tục bị hủy thì những tác động kinh tế đối với châu Âu ngày càng trở nên rộng và sâu sắc hơn.

Ngành hàng không

Ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của vụ tro bụi núi lửa là công nghiệp hàng không. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính các hãng hàng không thiệt hại doanh thu chung tổng cộng khoảng 200 triệu USD mỗi ngày do không phận châu Âu bị đóng cửa. Nếu lệnh cấm bay kéo dài khoảng vài tuần, thiệt hại có thể lên tới vài tỷ USD, càng gây khốn đốn cho ngành công nghiệp hàng không vốn đang gặp khó khăn kể từ đầu năm.

Các công ty lữ hành cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc không phận đóng cửa. Nhà tổ chức lữ hành lớn nhất châu Âu TUI, chủ sở hữu của các công ty lữ hành như First Choice và Thomson cho biết, họ bị tổn thất khoảng chín triệu USD mỗi ngày khi không phận châu Âu bị phong tỏa.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng thừa nhận vấn đề nghiêm trọng đến mức cần phải tính đến những phương án hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không.

Các phương tiện vận tải khác

Trái với ngành hàng không, các công ty vận tải bằng đường bộ, đường sắt và đường biển lại đang bội thu vì dòng hành khách lũ lượt chuyển từ máy bay sang các hình thức vận tải này.

Công ty đường sắt liên vận lớn nhất châu Âu Eurostar nhanh chóng cháy vé sau khi không phận châu Âu đóng cửa từ thứ năm tuần trước.

Eurostar cho biết, họ đã vận chuyển tăng cường thêm 50.000 hành khách trong hai ngày thứ năm và thứ sáu tuần trước, tăng gần 1/3 so với thông thường và tất cả các chuyến tàu đều kín ghế.

Trong dịp cuối tuần, công ty này bổ sung thêm nhiều chuyến tàu và tới thứ hai tuần này, họ tăng cường thêm 6 chuyến so với lịch chạy tàu bình thường, nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ của hành khách.

Riêng tại Anh, các chuyến tàu nối Scotland với miền nam nước Anh cũng chứng kiến lượng khách tăng đột biến do các chuyến bay nội địa đều bị hủy.

Các công ty quản lý phà biển nối giữa Anh với châu Âu cũng chứng kiến lượng khách tăng tương tự. Hãng phà P&O cho biết, dịch vụ nối giữa Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Anh hiện đều trong tình trạng quá tải.

Ngành du lịch

Tác động của vụ núi lửa phun đối với ngành du lịch được đánh giá là tương đối nhỏ nếu sự gián đoạn đường không chỉ bị kéo dài vài ngày. Hơn nữa, hiện không phải là giai đoạn cao điểm của ngành du lịch tại châu Âu.

Mặc dù có thể ngành công nghiệp sẽ bị mất tiền vì nhiều khách hàng không thể thực hiện chuyến đi đã đặt của mình, nhưng các hành khách bị mắc kẹt không thể về nhà buộc phải tiêu nhiều tiền hơn so với dự kiến và điều này bù đắp lại sự tổn thất của ngành du lịch.

Nhưng nếu sự gián đoạn về đường hàng không tiếp tục kéo dài thì tác động kinh tế đối với ngành du lịch sẽ lớn hơn, đặc biệt là trong những tháng mùa hè cao điểm đang đến gần.

Một ví dụ cụ thể là Hy Lạp, nơi có ngành du lịch đóng vai trò kinh tế quan trọng nhưng hành khách không thể đến được nước này vì gián đoạn hàng không. Điều này càng làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp thêm khó khăn.

Châu Âu đảo lộn vì núi lửa ảnh 1
Cảnh vắng vẻ chưa từng có vào ban ngày tại sân bay Heathrow London, Anh do các máy bay không thể cất cánh - Ảnh: Reuters

Xuất nhập khẩu

Các hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế ở châu Âu chủ yếu dựa vào đường bộ, đường sắt và đường biển, hơn là bằng đường vận tải đường không. Ví dụ trong thương mại tại Anh chỉ có 1% hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, việc đóng cửa không phận trên diện rộng tại châu Âu đã gây ra những vấn đề thực sự cho hoạt động kinh doanh các loại mặt hàng nhanh hỏng như thực phẩm và hoa tươi, vốn phụ thuộc vào vận chuyển bằng máy bay.

Trong số này, hoạt động xuất khẩu thực phẩm từ châu Phi và vùng Caribbe tới châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề. Các nông dân ở Kenya đã phải tiêu hủy không ít thực phẩm và hoa tươi vốn dành cho thị trường châu Âu, nhưng hiện không có phương tiện vận chuyển trong suốt vài ngày. Theo ước tính, kinh tế Kenya chịu thiệt hại khoảng sáu triệu USD mỗi ngày do gián đoạn đường bay tới châu Âu.

Những tác động khác

Hoạt động kinh doanh nói chung cũng bị thiệt hại do phải hủy hàng loạt các cuộc họp, nhiều nhân viên bị mắc kẹt ở nước ngoài và sự chậm trễ của hoạt động thư tín bằng đường không.

Khả năng sản xuất ở một số nước như Anh có thể chịu ảnh hưởng vì công nhân không thể quay lại làm việc đúng kế hoạch. Nhiều công ty chuyển phát nhanh có quy mô lớn như FedEx, DHL và TNT đã thông báo về việc chậm trễ hoặc gián đoạn trong dịch vụ của mình.

Nhìn chung trong ngắn hạn, tác động tổng thể đến nền kinh tế của việc gián đoạn đường hàng không ở châu Âu có thể là không đáng kể. Nhưng trong một thời gian dài nếu không có vận tải đường không có thể gây tác động xấu đến các nền kinh tế ở châu lục này trong bối cảnh đang phục hồi sau suy thoái kéo dài.

Một số chuyên gia đã tính đến khả năng việc gián đoạn đường hàng không do núi lửa phun có thể ảnh hưởng xấu đến cả tốc độ phát triển kinh tế của châu Âu.

Thành Nam
Theo BBC

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.