ChatGPT: Người sử dụng cần biết cách đặt câu hỏi

0:00 / 0:00
0:00
TP - ChatGPT là ứng dụng tổng hợp và trộn lẫn thông tin, trả lại cho người dùng thông tin đã được tổng hợp, người dùng không thể biết thông tin lấy từ đâu. Do đó thông tin có thể đúng, có thể sai tuỳ vào mức độ lọc thông tin và cách đặt câu hỏi của người sử dụng.

Đó là chia sẻ của TS. Trang Hồng Sơn, Giám đốc chương trình ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Hoa Sen) tại buổi nói chuyện chuyên đề về chủ đề "ChatGPT" tại Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM.

Theo TS. Trang Hồng Sơn, đây chỉ là nguồn thông tin tham khảo nên người dùng cần cẩn thận khi sử dụng. Ứng dụng này không thể thay thế hoàn toàn Google vì con người không chỉ có nhu cầu tìm kiếm thông tin mà cần biết cả nguồn thông tin, từ đó xác định mức độ chính xác. Trong khi đó, Google là ứng dụng cung cấp danh sách các kết quả tìm kiếm theo từ khoá (keyword), trong đó bao gồm cả nguồn thông tin từ đâu, người nào phát ngôn.

ChatGPT: Người sử dụng cần biết cách đặt câu hỏi ảnh 1

Chuyên gia công nghệ thông tin nói chuyện với học sinh Trường THPT Nguyễn Du về ChatGPT. Ảnh: T.T

Theo ThS. Lê Thanh Tùng- Giám đốc chương trình ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Hoa Sen), để sử dụng công cụ này phù hợp, có 2 cách sử dụng. Thứ nhất, người sử dụng dùng công cụ này như một phương tiện bổ trợ, cung cấp thêm thông tin, sau đó viết lại theo cách hiểu và hành văn của mình. Thứ hai, người sử dụng viết trước nội dung cần nghiên cứu, sau đó thông qua ứng dụng sửa chữa lại câu chữ, bổ sung nội dung cho đầy đủ hơn.

Giáo viên làm sao kiểm soát được mức độ sử dụng ChatGPT của học sinh? ThS. Tùng cho rằng, đạo văn hiện nay xảy ra ở nhiều cơ sở giáo dục. Công cụ phát hiện đạo văn có nhưng cần trả tiền mới có thể sử dụng. Nếu văn bản của học sinh ở dạng file mềm (đánh máy) thì thầy cô có thể dùng phần mềm kiểm tra được, còn văn bản viết tay rất khó kiểm tra. “Cách kiểm tra tốt nhất là giáo viên đặt thêm nhiều dạng câu hỏi, có thể tập trung sâu vào một chi tiết nào đó trong bài viết để học sinh trả lời”, ThS. Tùng tư vấn.

Nên định hướng

Trao đổi về ChatGPT, thầy Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho rằng, người thầy cần tìm hiểu và trải nghiệm công cụ này trước khi định hướng sử dụng cho học sinh. "Không thể cấm học sinh sử dụng bất cứ công nghệ nào, thay vào đó thầy cô cần định hướng cách các em sử dụng hiệu quả. Tôi khuyến khích học sinh mạnh dạn trải nghiệm trên tinh thần nghiêm túc, không đùa cợt, hiểu rõ vấn đề cần tìm hiểu trước khi tương tác với ứng dụng”, thầy Phú nói.

“ChatGPT hay bất cứ ứng dụng nào khác đều là sản phẩm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của học sinh, miễn sao các em sử dụng với mục đích phù hợp, có chọn lọc, không sao chép nguyên mẫu", thầy Phú nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng, ChatGPT ra đời có thể làm thay đổi cách dạy và học của thầy và trò, việc dạy học theo cách truyền thống sẽ không còn phù hợp. Do đó, giáo viên sẽ phải liên tục cập nhật thông tin, tận dụng ChatGPT như một công cụ để tiết kiệm thời gian, từ đó nâng cao sáng tạo.

"Với học sinh, sinh viên hãy tận dụng nó để bổ trợ cho học tập, cùng với giáo viên đưa ra giải pháp cho một vấn đề. Cả giáo viên, học sinh cần có kỹ năng đặt câu hỏi với ChatGPT để có kết quả phù hợp”, TS. Quỳnh nói và khẳng định, dù ChatGPT thông minh nhưng không thể thay thế vai trò của người thầy bởi nhiều yếu tố, trong đó có tính thẩm định thông tin.

MỚI - NÓNG