Chất vấn xong rồi sao nữa?

Chất vấn xong rồi sao nữa?
TP - Cách nay  gần 20 năm, ở HĐND TPHCM có một nhân vật được cử tri gọi là ông “hội đồng Khoa”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong HĐND cấp thành phố với cả trăm người có mấy ai được “dân gian” gọi là “ông hội đồng” như đại biểu Khoa.

Bởi chỉ có ông mới đêm hôm lẳng lặng xuống công trình cống hộp đang được xây dựng để điều tra, chụp ảnh làm bằng chứng về hành vi bớt xén. Chính vì những chứng cứ không thể chối cãi, UBND TPHCM phải vào cuộc thanh tra và kết luận những gì ông tố cáo là đúng. Công trình bị hủy bỏ, nhà thầu không được thanh toán. Một công trình khác đạt chất lượng đã được quyết định đầu tư, thay thế.

Nhưng rồi sau ông Khoa, không thấy xuất hiện thêm các ông hội đồng, bà hội đồng phiên bản “hội đồng Khoa” tương tự. Khi đại diện của dân vì lý do nào đó không lên tiếng, không giám sát quyết liệt các hoạt động của chính quyền, đối tượng đương nhiên bị thiệt là cử tri. Bao nhiêu năm nay, người dân TPHCM kêu ca về chuyện tắc đường (kẹt xe), ngập nước, trộm cướp. Mỗi lần họp HĐND TPHCM, ba vấn đề này lại được nêu ra. Các báo thi nhau giật tít “nóng chuyện ngập nước, kẹt xe, trộm cướp”. Nhưng rồi sau các cuộc chất vấn có vẻ nảy lửa, có những đối đáp qua lại đầy căng thẳng, thì mấy năm qua, có vẻ như nước vẫn ngập, đường vẫn tắc, trộm cướp chưa có dấu hiệu giảm.

Tại thủ đô Hà Nội, câu chuyện lợi ích nhóm trong thực hiện quy hoạch, trong các hoạt động đầu tư phát triển đô thị cũng được các đại biểu nêu ra không ít lần. Hôm qua, ngày 7/12, trong kỳ họp HĐND của TP Hà Nội, một lần nữa, vấn đề nhồi nhét nhà cao tầng vào nội đô gây ùn tắc nghiêm trọng lại được nêu lên trong phiên chất vấn giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc. Tuy nhiên phần trả lời cũng chung chung, đại loại cái gì Hà Nội cũng cần, nhà cũng cần, đường cũng cần và đây là câu chuyện cần lời giải tổng thể. Nhưng không thấy ai chất vấn tiếp rằng nguyên nhân nào, động cơ nào khiến các quy hoạch của Hà Nội liên tục bị phá vỡ, ai đứng đằng sau các công trình phá vỡ quy hoạch, có lợi ích nhóm hay không? Nếu không đi đến cùng vấn đề theo kiểu “hội đồng Khoa”, câu chuyện này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và các phiên chất vấn tới lại nóng những vấn đề cũ. Hà Nội đang ngày càng chật chội, ngột ngạt, tắc đường khắp nơi trong khi cao ốc, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn chen được vào những miếng đất vàng giữa khu dân cư.

Người dân quan tâm đến những phiên chất vấn nóng vì có đại biểu đang nói lên tâm tư của họ. Nhưng điều quan trọng hơn là kết quả thực hiện sau đó. Cứ hỏi đáp, chất vấn, cho dù thẳng thắn, quyết liệt, thỏa sự bức xúc của cử tri nhưng nếu “điệp khúc” này chỉ dừng lại trên nghị trường và bị làm nguội bằng các văn bản trả lời thì khó là động lực cho phát triển xã hội.

MỚI - NÓNG