Cát cứ

Cát cứ
TP - Sáng qua, nhiều người dân ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lái ô tô đậu giữa cầu Bến Thủy 1 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh treo băng rôn phản đối việc thu phí tại cầu này, khiến giao thông trên Quốc lộ 1A bị ách tắc. Những người dân Hà Tĩnh này cho rằng họ “không đi mét đường BOT nào” của tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An), nhưng vẫn phải gánh mức phí đường bộ quá cao qua hai trạm thu phí BOT của hai cầu Bến Thủy 1 và 2.

Trước đó, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan, kiến nghị cho dời hai trạm thu phí này. Bởi vị trí đặt không phù hợp, ảnh hưởng đến liên kết vùng theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời gây trở ngại đến thu hút đầu tư và lượng khách du lịch từ Nghệ An sang huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Đáng nói, từ năm ngoái, Chủ tịch tỉnh Nghệ An cũng có công văn gửi các Bộ liên quan và chủ đầu tư, đề nghị giảm giá thu phí, phù hợp với mức sống của người dân thường trú hai bên đầu cầu Bến Thủy.

Những trạm thu phí BOT kiểu ấy không hiếm gặp trên những tuyến đường, chiếc cầu huyết mạch dọc dài từ nam tới bắc. Chúng có thuộc “liên kết vùng” nào không? Hay cứ chia nhau cắt nhỏ quốc lộ, cầu đường ra để tìm cách thu phí ? Tiền thì doanh nghiệp bỏ túi, còn muôn sự thiệt thòi dân và địa phương gánh chịu. 

“Cuộc chiến” tranh chấp nguồn nước Vu Gia - Thu Bồn giữa Đà Nẵng với Quảng Nam bấy lâu tưởng chừng không có hồi kết. Nhưng mới đây, hai người anh em đã có cú “bắt tay lịch sử”, khi ngồi lại với nhau thành lập Ban điều phối chung để cùng quản lý và sử dụng nguồn nước quan trọng này. Quản lý theo cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, theo không gian, chứ không còn cảnh “tỉnh anh tỉnh tôi”, chặt khúc dòng sông, mạnh ai nấy xài.

Tương tự, di tích Hải Vân quan lừng danh lâu nay giống như cái lò gạch hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đường thiên lý. Bởi hai địa phương ở hai bên đèo Hải Vân quyết giành về phần mình, để rồi bỏ đó. Cơ hội lịch sử vừa mở ra, khi lãnh đạo ngành văn hóa của Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng bắt tay nhau bàn cơ chế cùng quản lý, trùng tu, nâng tầm di tích và cùng phát huy giá trị lịch sử, văn hóa hiếm có nơi này. 

“Đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút FDI, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn, “ngăn sông, cấm chợ” như cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh ta, phải tiêu thụ bia tỉnh ta..,” - thực trạng từng được Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ ra. Chuyên gia kinh tế này cũng thẳng thắn cho rằng ở Việt Nam, “63 tỉnh thành là 63 nền kinh tế cộng với nền kinh tế ở Trung ương tạo nên 64 nền kinh tế cùng đua tranh nhau để..chết”

Nên với chuyện vừa xảy ra quanh trạm thu phí BOT, không thể để những trạm kiểu này trở thành những “cục máu đông” gây tắc nghẽn huyết mạch kinh tế, xã hội cũng như sinh hoạt bình thường của người dân.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.