Chất vấn về cao ốc 54 tầng tại công viên 23/9

Chất vấn về cao ốc 54 tầng tại công viên 23/9
TP - Ngày 1/3, Ban Kinh tế – Ngân sách (KT-NS) HĐND TPHCM đã tiến hành giám sát công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị tại TPHCM trong năm 2005 –2006.

Vấn đề được hầu hết các đại biểu quan tâm, chất vấn là vụ Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất UBND TPHCM xây dựng cao ốc 54 tầng tại công viên 23/9 và có hay không một “Khu công nghiệp Bình Hòa thứ hai tại quận 9”.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang bức xúc: “Mật độ cây xanh bình quân trên mỗi đầu người tại TPHCM thuộc dạng thấp nhất trên thế giới. Lá phổi của thành phố đang rất cần thêm những khoảng xanh, tại sao chúng ta không bổ sung mà còn giảm bớt diện tích bằng cách cắt xén công viên 23/9 và xây dựng cao ốc 54 tầng? TPHCM rất cần vốn để đầu tư nhưng không phải vì thế mà hy sinh lá phổi của mình lấy một vài triệu USD”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản đối quyết liệt: “Việc cho xây cao ốc tại công viên 23/9 với chiều cao lên tới 54 tầng là không phù hợp. Khu vực này kiến trúc, cảnh quan cổ xưa, đặc biệt là chợ Bến Thành – một trong những địa danh nổi tiếng không chỉ ở VN.

Theo tôi, khu vực trung tâm thành phố chỉ nên cho xây dựng những tòa nhà có chiều cao vừa phải để đảm bảo cảnh quan. Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) đã dựa theo tiêu chí nào để đề xuất UBND TPHCM xây dựng cao ốc đồ sộ và cao ngất ngưởng như vậy, trong khi lại giới hạn chiều cao đối với nhà cao tầng của các hộ dân ?”.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở QH-KT giải thích: Khu vực công viên 23/9 có tổng diện tích 9,86 ha. Theo dự án đã được cấp cho Liên doanh JinWen (dự án xây dựng trung tâm thương mại), mật độ xây dựng tại khu vực này chiếm 6,6ha.

Sau khi dự án này phá sản, UBND TPHCM đã giao Sở QH-KT và Hội Kiến trúc thành phố quy hoạch lại theo hướng cho Cty LG xây một cao ốc diện tích 1,2ha. “So với dự án JinWen thì việc xây cao ốc làm lợi thêm cho diện tích công viên 5,4 ha”– ông Hòa nói.

Ngoài ra, ông Hòa cũng cho biết Sở QH-KT chỉ đề nghị nên cho xây cao ốc từ 20 –25 tầng tại khu vực này. Tòa nhà nằm trong thỏa thuận “đổi đất lấy hạ tầng” mà UBND TPHCM đã ký với Cty LG. Không chỉ tại công viên 23/9, TPHCM phải thêm nhiều khu đất khác. Đổi lại, LG sẽ đầu tư xây dựng cho TPHCM đường cao tốc Tân Sơn Nhất – Bình Lợi.

Dự án này đã bị treo hơn 13 năm vì quy mô quá lớn. Với hơn 2000 hộ bị giải tỏa (thuộc 3 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh), không chỉ khó khăn về vốn, TPHCM đang gặp rất nhiều trở ngại khi tìm quỹ đất. UBND TPHCM có chủ trương cắt một phần diện tích công viên Gia Định xây dựng khu tái định cư khoảng 2,2 ha.

“Tuy mất thêm một khoảng xanh nhưng xây dựng các chung cư tái định cư tại công viên nhằm phục vụ giải tỏa, không nhằm mục đích kinh doanh là hoàn toàn hợp lý” – ông Hòa khẳng định.

Hôm nay (2/3), UBND TPHCM sẽ làm việc với lãnh đạo các sở ngành chức năng và Cty LG nhằm tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.

Thêm một khu công nghiệp Bình Hòa?

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban KT-NS chất vấn lãnh đạo Sở QH-KT trường hợp hàng trăm hộ dân ở quận 9 bị giải tỏa khi thực hiện dự án Khu công viên Văn hóa Lịch sử (VHLS). Công viên này có tổng diện tích 400 ha.

Khi tiến hành đền bù, chính quyền địa phương áp giá theo diện giải tỏa xây dựng công viên VHLS nhưng mới đây lại dự định đem phần đất thu hồi ra… đấu giá.

Ông Hoàng cảnh báo: “Dự án do Thủ tướng phê duyệt nhưng chưa có ý kiến đã đem kinh doanh. Coi chừng TPHCM sẽ lại xảy ra một vụ tương tự như Khu công nghiệp Bình Hòa.

MỚI - NÓNG